Hiện nay, có rất nhiều các công trình xây dựng xuất hiện tại các đô thị, thành phố lớn như một minh chứng về sự phát triển về kinh tế - xã hội ở nước ta. Đi kèm với đó là các hệ lụy từ việc xả nước thải từ các công trình xây dựng ra đường phố làm mất mỹ quan đô thị. Vậy việc xả nước thải xây dựng ra đường bị phạt bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Xả nước thải xây dựng ra đường bị phạt bao nhiêu tiền?
Hiện nay, không thiếu các công trình xây xựng “mọc lên như nấm sau mưa” đi cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật mà rất nhiều các cá nhân, công ty này đã xả thải nước từ công trình ra đường khiến cho mỹ quan đô thị bị giảm sút. Căn cứ tại điểm h khoản 6 Điều 12
– Đối với cá nhân mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng
– Đối với tổ chức mức phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng
Tùy vào chủ thể, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà áp dụng các mức phạt tiền cụ thể.
Đồng thời, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt tiền do vi phạm hành chính, thì các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu,…và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra.
Đây là một mức phạt có tính răn đe nhất định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt này chỉ áp dụng khi các cơ quan chức năng phát hiện được vụ việc vi phạm hoặc do người dân trình báo và cần phải có quá trình xác minh. Việc đưa ra các mức phạt như vậy cũng không hẳn ngăn chặn được triệt để hành vi xả nước thải xây dựng từ các công trình xây dựng ra đường phố vì hiện nay có quá nhiều công trình xây dựng xuất hiện, không thể kiểm soát 100% và các trường hợp lén xả thải mà các cơ quan có thẩm quyền không hề hay biết.
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt đối với hành vi xả nước thải xây dựng từ các công trình xây dựng ra đường phố sẽ do Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền; Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền tiến hành xử phạt.
2. Công trình thu gom, thoát nước thải gồm những gì?
Tại Điều 5 Thông tư 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy định công trình thu gom, thoát nước thải sẽ bao gồm:
– Thứ nhất, giếng tràn nước mưa trên hệ thống thoát nước chung phải đảm bảo các yêu cầu như sau:
+ Căn cứ vào các yếu tố như: hiện trạng thoát nước, đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn để xác định vị trí xây dựng giếng tràn nước mưa. Vị trí xây dựng giếng tràn nước mưa phải đáp ứng khả năng tiếp cận trong quá trình quản lý, vận hành và giám sát công trình, thuận lợi cho việc xả nước mưa vào nguồn tiếp nhận và không ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác;
+ Việc quản lý, vận hành giếng tràn nước mưa phải tuân thủ các quy trình quản lý, vận hành theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Giếng tràn nước mưa phải được nạo vét, kiểm tra, xử lý, bảo dưỡng định kỳ, bảo đảm công trình được duy trì hoạt động bình thường.
– Thứ hai, cống bao, cống gom để vận chuyển nước thải đến nhà máy xử lý phải đảm bảo được các yếu tố sau:
+ Vị trí, độ sâu đặt cống bao, cống gom nước thải phải bảo đảm thuận tiện trong công tác quản lý vận hành và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình thoát nước;
+ Đường kính, vận tốc, độ dốc của cống bao, cống gom nước thải được tính toán và kiểm tra đảm bảo lưu lượng thu gom và vận chuyển nước thải đến nhà máy xử lý nước thải tập trung, không để nước thải rò rỉ ra ngoài môi trường;
+ Cống bao, cống gom phải đảm bảo được độ bền, kín và ổn định dưới tác động của tải trọng, điều kiện tự nhiên và tác động ăn mòn của môi trường trong thời hạn sử dụng công trình.
– Thứ ba, cửa xả nước thải sau xử lý vào nguồn tiếp nhận phải được xây dựng ở vị trí hợp lý để nước thải hòa trộn vào nước nguồn tiếp nhận và không gây xói lở bờ, không ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, các công trình xung quanh và hoạt động giao thông trên thủy vực.
– Thứ tư, giếng thăm của công trình cửa xả nước thải được xây dựng tại vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận kiểm tra, kiểm soát nguồn thải và lấy mẫu trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.
– Thứ năm, hệ thống thoát nước chung có điều tiết bằng hồ điều hòa, nước mưa khi xả vào hồ điều hòa phải qua giếng tràn nước mưa. Việc trữ nước và điều tiết mực nước của hồ điều hòa phải bảo đảm nhiệm vụ điều tiết nước mưa.
Như vậy, một công trình thu gom, thoát nước thải phải đủ 05 yếu tố trên. Đồng thời, mỗi yếu tố cần đáp ứng đủ, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật về công trình vận hành được tốt hơn, thuận lợi cho công tác kiểm tra và giám sát.
3. Việc quản lý, xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải tuân thủ theo những nguyên tắc nào?
Dựa vào Điều 4 Thông tư 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy định có 04 nguyên tắc cần tuân thủ trong việc quản lý, xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải như sau:
– Việc đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải phù hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước thải đô thị (nếu có) theo từng lưu vực thoát nước.
– Việc xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ, bảo đảm kết nối với các công trình trên hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; bảo đảm năng lực để tiếp nhận, xử lý khối lượng nước thải của khu vực, có dự phòng với khối lượng nước thải tiếp nhận và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Khuyến khích áp dụng giải pháp thi công không đào hở cống thoát nước, đặc biệt tuyến cống cấp 1 trong đô thị có có mật độ giao thông cao.
– Đô thị, khu dân cư tập trung hiện tại đã có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, thì Uỷ ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý có trách nhiệm lập, phê duyệt dự án, lộ trình đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng thành mạng lưới thoát nước riêng hoặc nửa riêng (xây dựng các giếng tràn nước mưa, xây dựng tuyến cống bao, cống xả để thu gom, vận chuyển nước thải đến trạm xử lý nước thải tập trung).
– Tại các thành phố, khu dân cư tập trung mới buộc có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tách biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối thu gom và xử lý nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong đô thị, trừ những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Theo đó, việc quản lý và xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải là một vấn đề rất khó khăn vì vậy việc phải tuân theo một số quy tắc nhất định là điều cần thiết để việc quản lý và xây dựng được hiệu quả hơn. Việc tuân thủ các nguyên tắc này cũng giúp cho quá trình thanh tra, quản lý nhanh gọn, tiết kiệm thời gian.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP
- Thông tư 15/2021/TT-BXD
THAM KHẢO THÊM: