Có thể nói, quy định về chế định bồi thường thiệt hại do xâm phạm về sức khỏe, tính mạng con người đã tương đối toàn diện và dần được hoàn thiện hơn trong quá trình xây dựng pháp luật.
Về cơ bản, việc xác định thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của Bộ luật dân sự năm 2015 tương tự như việc xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng quy định tại Điều 609 và Điều 610 của Bộ luật dân sự năm 2005. Nhưng trong Bộ luật dân sự năm 2015 đã có quy định mới mang tính tiến bộ hơn và khắc phục được tồn tại, hạn chế của Bộ luật dân sự năm 2005, ví dụ như:
Bộ luật dân sự năm 2015 đã nâng mức bồi thường tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định; mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Việc nâng mức bồi thường lên là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.
Bộ luật dân sự năm 2015 xác định thiệt hại do xâm phạm tính mạng bao gồm cả “thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”, do đó sẽ khắc phục, hạn chế được tình trạng thương tâm hiện nay trong một số vụ án tai nạn giao thông, tài xế cố tình đâm chết nạn nhân để mức bồi thường ít so với việc xâm phạm sức khỏe của nạn nhân. Bởi vì theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, trên thực tế xảy ra nhiều trường gây thiệt hại về sức khỏe khi xác định thiệt hại lớn hơn xác định thiệt hại về tính mạng. Bởi vì, khi gây thiệt hại về sức khỏe người chịu trách nhiệm bồi thường sẽ phải chịu cả trách nhiệm cứu chữa, hồi phục sức khỏe, chăm sóc, chi phí bồi thường nuôi sống cho nạn nhân mất khả năng lao động. Tuy nhiên Bộ luật dân sự năm 2015 vẫn còn tồn tại một số những hạn chế, bất cập.
Mục lục bài viết
1. Một số bất vướng mắc từ thực tiễn áp dụng các quy định hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng:
Thứ nhất, xác định mức bồi thường tổn thất tinh thần do hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng.
Chúng ta biết rằng khoản tiền “bù đắp tổn thất về tinh thần” không phải là đại lượng để xác định những thiệt hại về tinh thần mà người bị thiệt hại hoặc người thân thích của họ bị tổn thất. Bởi lẽ, những tổn thất về tinh thần không thể xác định được một cách chính xác hoặc tương đối chính xác như thiệt hại về vật chất; mức độ tổn thất về tinh thần nhiều hay ít cũng không phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm; cũng không phụ thuộc vào hình thức lỗi của người xâm phạm (cố ý hay vô ý), mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tâm tư, tình cảm của người bị thiệt hại hoặc người thân thích của nạn nhân. Cụ thể, mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm cũng là một đại lượng khó xác định. Không thể đưa ra một đại lượng chung cho mọi trường hợp, mà tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định. Thực tiễn xét xử cho thấy, có trường hợp một người bị chết nhưng những người thân thích của người đó không hề tỏ ra một chút đau thương, buồn phiền gì cả.
Như vậy, mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, bị xa lánh của người bị thiệt hại hoặc người thân thích của nạn nhân là căn cứ để quyết định mức tiền bù đắp tổn thất về tinh thần chứ không phải căn cứ vào mức độ lỗi của người gây thiệt hại. Vì vậy, khi xác định mức tiền để buộc người gây thiệt hại bồi thường về tổn thất tinh thần cho người bị thiệt hại hoặc người thân thích của nạn nhân các Tòa án thường áp dụng một cách không chắc chắn mà dựa phần lớn vào cảm tính nên rất dễ xảy ra tình trạng có Tòa án chấp nhận mức bồi thường cao trong khi thiệt hại là không lớn và ngược lại.
Ví dụ tại bản án số 17 ngày 11 tháng 8 năm 2020 của TAND huyện Đắk R’lấp, Tỉnh Đắk Nông có nội dung như sau:
Vào tối ngày 11 tháng 4 năm 2019 tại quán Karaoke Phú Hương ở thôn F, xã B, huyện C, tỉnh Đắk Nông anh Phạm Chí T và anh Phan Thanh D xảy ra xô xát dẫn đến việc anh D gây thương tích ở má phải cho anh T với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 4% với vết sẹo ở mặt. Vụ việc được Công an giải quyết nhưng do không đủ tỷ lệ thương tích nên không cấu thành tội Cố ý gây thương tích. Hai bên không thỏa thuận được về vấn đề bồi thường thiệt hại. Ngoài việc anh T khởi kiện yêu cầu anh D bồi thường các chi phí khác thì anh T đề nghị Tòa án yêu cầu anh D bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định. TAND huyện Đắk R’lấp, Tỉnh Đắk Nông xét xử chấp nhận khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho anh T là: 04 tháng x 1.490.000 đồng/tháng =5.960.000 đồng.
Tại bản án số 98 ngày 30 tháng 6 năm 2020 của TAND huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có nội dung như sau:
Do có mâu thuẫn về tranh chấp hai cây keo tràm, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 20/8/2017 bà Bành Thị Th và ông Nguyễn Thanh Ng xảy ra cãi nhau, ông Ng dùng tay phải tát vào mặt bà Th 01 cái, hậu quả bà Th bị thương tích và nhập viện điều trị. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 19/2018/PY-TgT ngày 30/01/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Bình Định, tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 03%. Ngày 25/6/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Nhơn Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và thông báo về việc không khởi tố vụ án Hình sự đối với ông Nguyễn Thanh Ng. Vì vậy, bà Bành Thị Th khởi kiện tại Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe trong đó có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần với mức là 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 1.490.000 đồng x 10 tháng = 14.900.000 đồng. Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của bà Th, xét buộc ông Ng bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Th 05 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm là phù hợp với mức độ tổn thất tinh thần do ông Ng gây ra: 1.490.000 đồng x 5 tháng = 7.450.000 đồng.
Như vậy qua hai bản án trên ta thấy rằng về thiệt hại trong bản án của TAND huyện Đắk R’lấp, Tỉnh Đắk Nông nằm ở vùng mặt, có để lại sẹo với tỷ lệ thương tật là 4% và được HĐXX xử chấp nhận khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần là: 04 tháng x 1.490.000 đồng/tháng = 5.960.000 đồng. Nhưng tại bản án của TAND huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cũng là tổn thương ở vùng mặt, tỷ lệ thương tích chỉ là 3% thì HĐXX lại chấp nhận mức bồi thường là 5 tháng lương cơ sở. Rõ ràng là cùng một quan hệ pháp luật, cùng một vấn đề pháp lý thì 02 Tòa án lại có các quyết định khác nhau.
Thứ hai: Việc xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm còn bất cập.
Theo quy định của BLDS 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì khoản chi phí mai táng phí được liệt kê cụ thể và Tòa án khi xét xử có thể dựa vào đó để xác định. Tuy nhiên, nếu dựa vào các chi phí cụ thể do thân nhân bị hại đưa ra như tiền mua áo quan, hoa lễ, vải xô, … thì cũng cần phải thấy rằng giá cả của các loại đồ tang lễ này trên thị trường sẽ khác nhau. Một vài nơi sẽ mang tính đặc trưng riêng của từng địa phương, từng dân tộc nên việc áp dụng ở các Tòa án cũng chưa có sự thống nhất, mỗi Tòa lại hiểu, tính theo một cách khác nhau; cùng là tổng các khoản chi cho việc mai táng nhưng có Tòa chấp nhận, có Tòa lại không chấp nhận, ví dụ như: cơm cúng, kèn trống, phục vụ, mua đất chôn cất. Do vậy, cần phải xác định cụ thể mức tối thiểu và mức tối đa của các khoản tiền này thì mới đảm bảo việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất.
Ví dụ Bản án 20/2018/DS-ST ngày 28/02/2018 của Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương – tỉnh Kiên Giang tại phần nhận định như sau:
“Yêu cầu của phía nguyên đơn được chấp nhận những khoản sau:
1. Các khoản chi phi sơ cấp cứu và mai táng phí bao gồm:
– Tiền xe chuyển viện đi về có chứng từ: 1.910.000đ;
– Chi phi sơ cấp cứu ban đầu có hóa đơn: 2.438.000đ;
– Chi phí mai táng gồm: mua quan tài 10.000.000đ + đồ tẩm liệm, nhang đèn 2.000.000đ + bồi dưỡng cho những người hỏa táng 500.000đ = 12.500.000đ;
– Thuê trống kèn theo phong tục, thuê xe đưa tang 6.000.000đ + thuê rạp 1.540.000d = 7.540.000d”
Chúng ta thấy rằng TAND huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang đã chấp nhận khoản chi phí “bồi dưỡng cho những người hỏa táng”, khoản chi phí này có thể không được chấp nhận đối với các Tòa án khác.
Thứ ba, xác định lỗi của bị hại trong vụ án mà bị hại cũng có lỗi
Đối với các vụ án hình sự, tình tiết “người bị hại cũng có lỗi” có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường dân sự. Điều 585 Bộ luật dân sự quy định: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại, thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. Như vậy đối với các vụ án án mà bị hại cũng có lỗi cần phải xác định mức độ, tỷ lệ lỗi của bị hại để xác định mức bị cáo phải bồi thường tương ứng với tỷ lệ lỗi của bị hại. Tuy nhiên pháp luật hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào giúp đánh giá mức độ, tỷ lệ lỗi của bị hại chính vì vậy trong thực tiễn xét xử, việc xác định mức độ lỗi, tỷ lệ lỗi, xác định phần thiệt hại do lỗi của bị hại gây ra đối với các Thẩm phán trong nhiều vụ án chưa thật chính xác, còn tùy nghi trong việc vận dụng khiến cho việc áp dụng của mỗi Tòa án một khác nhau.
Ví dụ: Khoảng 20 giờ ngày 10/3/2020, A điều khiển xe mô tô vượt đèn đỏ đi qua ngã 4, sau đó va chạm với xe của anh B cũng đi qua ngã 4 theo hướng từ trái sang so với A, mặc dù đi chậm nhưng do có nồng độ cồn trong người nên anh B không thể ngăn chặn vụ tai nạn xảy ra. Hậu quả là B tử vong. Trong vụ án này, quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi của bị cáo A là 60 %, của bị hại B là 40% với lập luận cho rằng: Trước khi điều khiển xe bị hại đã uống quá nhiều rượu bia, điều khiển xe với tốc độ cao, nguyên nhân vụ tai nạn có phần lớn trách nhiệm của bị hại. Quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm xác định lỗi của bị cáo A là 80%, của bị hại B là 20% với lập luận cho rằng: Bị cáo điều khiển phương tiện đi vào ngã tư khi đèn tín hiệu giao thông đang là màu đỏ, không giảm tốc độ, nên đã đâm vào ngang xe mô tô do B điều khiển, đây là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, bị hại B cũng có một phần lỗi do uống rượu bia nên độ tỉnh táo bị hạn chế. Tuy nhiên đối với hành vi vượt đèn đỏ của bị cáo là nguyên nhân chính, trực tiếp trong việc gây ra vụ tai nạn giao thông, do đó xác định lỗi của bị cáo như Tòa án cấp phúc thẩm là phù hợp.
Thứ tư, xác định khoản tiền cấp dưỡng
Khi có thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản như: Chi phí cấp cứu, điều trị; chi phí mai táng và khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
“2.3. Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.
a) Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng, tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường…
Tuy hướng dẫn là vậy nhưng việc áp dụng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể việc xác định như thế nào là “khoản tiền cấp dưỡng hợp lý” và “phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường” thì mỗi Thẩm phán lại có sự đánh giá khác nhau. Có Hội đồng xét xử căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, hay mức thu nhập bình quân trên một người tại địa phương để tính mức cấp dưỡng; có Hội đồng xét xử lại căn cứ vào mức lương tối thiểu tại thời điểm giải quyết vụ án để tính mức cấp dưỡng hoặc căn cứ vào thu nhập của người lao động trung bình tại địa phương… nhiều vụ án bị kháng cáo do HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng với số tiền quá cao, vượt quá khả năng chi trả của bị cáo; có vụ án thì xác định khoản tiền cấp dưỡng quá thấp, những người được hưởng khoản cấp dưỡng không đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống.
Ví dụ thứ nhất, tại Bản án số 148/2017/DS-PT ngày 19/7/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An nhận định như sau: “Đối với việc cấp dưỡng cho cháu Bùi Trần Kim N, theo Quyết định giải quyết việc dân sự số 12/2016/QĐ-VDS ngày 22/4/2016 của Tòa án nhân dân huyện C xác định Bùi Thanh T là cha ruột của cháu Bùi Trần Kim N. Cháu N chưa thành niên nên ông C, bà L phải có trách nhiệm cấp dưỡng đến khi cháu đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, mức cấp dưỡng 1.000.000đ/tháng là cao so với hoàn cảnh và thu nhập gia đình của phía bị đơn, nên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn, cần điều chỉnh mức cấp dưỡng là 650.000đ/tháng cho đến khi cháu N đủ 18 tuổi”. Như vậy trường hợp này Tòa án căn cứ vào hoàn cảnh và thu nhập gia đình của phía bị đơn để đưa ra một mức bồi thường thiệt hại là 650.000đ/ tháng.
Ví dụ thứ hai, tại Bản án số 73/2018/DS-ST ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai tại phần nhận định như sau:
“Hiện nay cháu Đ đang được gia đình anh T nuôi dưỡng, Hội đồng xét xử thấy rằng có căn cứ xem xét trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Thành Đ sinh ngày 19/4/2010. Cần buộc anh H cấp dưỡng cho cháu Đ mỗi tháng 500.000 đồng, thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng chị V bị xâm phạm là ngày 13/8/2016 cho tới khi cháu Đ đủ 18 tuổi.” Tòa án nhận định mức cấp dưỡng chỉ là 500.000 đồng và không đưa ra căn cứ và lý do tại sao lại là mức này.
Qua hai ví dụ trên chúng ta có thể thấy Quy định và hướng dẫn thực hiện vấn đề cấp dưỡng hiện nay có sự nhận thức, áp dụng thực hiện không thống nhất giữa các trường hợp.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện:
Thứ nhất, cần quy định mức bồi thường tổn thất tinh thần cụ thể hơn
Đối với sức khỏe bị xâm phạm, mức bồi thường tổn thất tinh thần tối đa hiện là 50 tháng lương cơ sở. Tuy nhiên theo tôi mức này vẫn còn thấp khi đặt trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ như: Bị hại bị thiệt hại sức khỏe tới 80%, 90% sức khỏe; bị hại là vận động viên bị thiệt hại sức khỏe và không thể hồi phục được như trước khi bị xâm phạm sức khỏe; diễn viên, ca sĩ bị xâm phạm sức khỏe dẫn đến không thể tiếp tục làm các công việc đó … Do đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nâng mức bồi thường tổn thất tinh thần khi sức khỏe bị xâm phạm lên mức tối đa khoảng 100 tháng lương cơ sở.
Đối với tính mạng bị xâm phạm, mức bồi thường tổn thất tinh thần hiện nay là 100 tháng lương cơ sở. Theo tôi mức này vẫn còn thấp khi đặt trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ như: bị hại là con duy nhất trong gia đình; bị hại là con trai duy nhất trong dòng họ; bị hại là người trẻ tuổi;… Hơn nữa, Khoản 4 Điều 27 của
Mức tối thiểu đối với khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm hiện nay chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên để phù hợp với mức bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm, cần quy định mức bồi thường tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm trên mức tối đa của bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.
Thứ hai, hướng dẫn tính chi phí mai táng
Các khoản chi phí mai táng tuy đã được hướng dẫn trong Nghị quyết 03/2006/ NQ-HĐTP tuy nhiên qua thực tiễn xét xử còn bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hướng dẫn về chi phí này theo hướng quy định cụ thể khoản chi phí nào được chấp nhận, chi phí nào không được chấp nhận và mức tiền tối đa đối với các chi phí đó, đặc biệt là các khoản như: tiền kèn trống, tiền cúng tế, tiền đất chôn. Cụ thể:
Với tiền kèn trống, hiện nay hầu hết các đám tang hiện nay đều có thuê kèn trống phục vụ, tuy nhiên mỗi nơi một khác, có gia đình tiền thuê kèn trống đến hàng chục triệu đồng, có gia đình thuê thêm cả kèn đồng (nhất là đám tang của người công giáo)…. Để thống nhất trong việc áp dụng, theo tôi các nhà làm luật cần quy định một mức tối đa cho khoản tiền kèn trống này. Về khoản tiền cúng tế, đây là khoản thực tế cho việc mai táng, tuy nhiên để thống nhất trong việc áp dụng cũng cần quy định mức tối đa phù hợp. Tiền đất chôn cũng là khoản chi phí khá cao đối với các trường hợp thuê, mua đất chôn tại công viên nghĩa trang, hay mua đất chôn tại những khu vực có giá cao. Đây là khoản chi phí hợp lý cần được chấp nhận, tuy nhiên cũng cần quy định mức tối đa đối với khoản đất chôn này để làm cơ sở thống nhất áp dụng.
Ngoài ra cần có quy định chi phí tối thiểu thuê xe đưa tang; dịch vụ chôn cất, dịch vụ tổ chức tang lễ, chi phí đối với hỏa táng… Cần có quy định chấp nhận chi phí mai táng theo như mức chi phí mai táng trung bình của từng địa phương.
Thứ ba, cần có quy định hướng dẫn cụ thể giúp đánh giá mức độ, tỷ lệ lỗi của bị hại để giúp cho Tòa án xác định phần thiệt hại do lỗi của bị hại gây ra. Cơ quan thẩm quyền cần tiếp tục đánh giá hiệu quả, tính khả thi của việc xác định mức độ, tỷ lệ lỗi của bị hại từ đó xác định phần thiệt hại do lỗi của người bị hại gây ra, tiếp thu ý kiến phản hồi từ các cá nhân, tập thể liên quan trong xã hội để kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định còn phát sinh vướng mắc của Bộ luật dân sự 2015.
Thứ tư, cần có quy định nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người bị xâm hại sức khỏe nặng mà họ mất khả năng lao động, không có thu nhập và thực tế trước khi bị xâm phạm họ đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Với những vướng mắc nêu trên, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung điều 590 của BLDS về khoản tiền cấp dưỡng và nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn thay thế Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán; đồng thời bổ sung hướng dẫn những vấn đề bất cập nêu trên.
Giải quyết bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm là vấn đề quan trọng nhằm kịp thời bù đắp những thiệt hại cho bị hại hoặc người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bị hại do hành vi vi phạm pháp luật của người khác gây ra. Đây là chế định vừa có ý nghĩa về vấn đề lập pháp và ý nghĩa về xã hội, do đó cần có quy định chặt chẽ để đảm bảo cho việc áp dụng vào thực tiễn để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng mới được chính xác, khách quan và công bằng.