Phân vùng du lịch là nhiệm vụ quan trọng của quy hoạch du lịch, thường được tiến hành trước các bước quy hoạch khác. Vùng du lịch là đối tượng để quy hoạch du lịch, nhất là đối với các dự án quy hoạch phát triển tổng thể quy hoạch du lịch ở giai đoạn đầu. Cùng tìm hiểu về vùng du lịch dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm vùng du lịch:
Hệ thống lãnh thổ du lịch không thể tồn tại nếu không có không gian. Trong không gian mà hệ thống lãnh thổ du lịch tồn tại còn có các hệ thống chức năng khác, nó có tác động tới hệ thống lãnh thổ du lịch như tổng thể lãnh thổ sản xuất, các hệ thống dân cư, giao thông liên lạc. Không gian tồn tại của môi trường nuôi dưỡng hệ thống lãnh thổ du lịch bao giờ cũng lớn hơn không gian của hệ thống lãnh thổ du lịch được coi là vùng du lịch – Vùng du lịch bao gồm hai thành phần quan hệ tương hỗ, là hệ thống lãnh thổ du lịch và không gian kinh tế – xã hội bao quanh đảm bảo cho hoạt động hữu hiệu của nó. Như vậy, vùng du lịch là một hệ thống lãnh thổ du lịch không đồng nhất, bao gồm: hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường nuôi dưỡng nó.
Hiện nay có nhiều quan điểm về vùng du lịch khác nhau. Theo Báo cáo tóm tắt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, thì vùng du lịch được quan niệm như sau: “Vùng du lịch là một hệ thống lãnh thổ kinh tế- xã hội bao gồm một tập hợp các hệ thống lãnh thổ du lịch, thuộc mọi cấp có quan hệ với nhau và các cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo cho sự hoạt động của hệ thống lãnh thổ du lịch”. Hay ví dụ như theo I.I. Pirogiohich: “Vùng du lịch nghỉ dưỡng là một hệ thống lãnh thổ kinh tế- xã hội, là toàn bộ các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc tất cả các cấp, các kiểu và các cơ sở cấu trúc thương tầng, bảo đảm chức năng của hệ thống lãnh thổ du lịch và có đặc điểm chung của ngành chuyên môn hóa du lịch và những điều kiện tinh tế- xã hội để phát triển du lịch.” Ngoài ra thì E.A Kotliarov (1978) cũng có quan điểm về vùng du lịch như sau: “Vùng du lịch được hiểu là một lãnh thổ hoàn chỉnh kết hợp với các điều kiện, đối tượng và chuyên môn hóa du lịch; không chỉ lãnh thổ để chữa bệnh, nghỉ ngơi mà còn là một cơ chế hành chính phức tạp. Nó có các xí nghiệp nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, xây dựng và các cơ sở văn hóa. Nó được hình thành do phân công lao động theo lãnh thổ trong lĩnh vực phi sản xuất.”
Trên quan điểm hệ thống, có thể coi vùng du lịch như một tập hợp hệ thống lãnh thổ được tạo nên bởi hai yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau là hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường kinh tế- xã hội xung quanh nhằm đảm bảo cho cả hai hệ thống này hoạt động hiệu quả.
Trên lý thuyết, vùng du lịch được tạo thành bởi các yếu tố tạo vùng. Mỗi vùng có những đặc trưng riêng được thể hiện qua lợi thế các nguồn lực phát triển các ngành chuyên môn hóa. Chuyên môn hóa du lịch của vùng được hình thành bởi các yếu tố về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, nhu cầu về số lượng khác du lịch. Vùng du lịch bao gồm có vùng đã hình thành và vùng đang hình thành. Các vùng du lịch đang trong quá trình hình thành thì các loại hình du lịch chuyên môn hóa chưa rõ nét. Hiện nay, vùng du lịch Việt Nam là vùng du lịch đang hình thành.
Dưới góc độ là một bộ phận trong hệ thống phân vùng du lịch, thì vùng du lịch là cấp cao nhất trong hệ thống phân vị. Đó là sự kết hợp lãnh thổ của các á vùng, tiểu vùng, trung tâm, cụm du lịch và điểm du lịch có những đặc trưng riêng về số lượng và chất lượng. Hay tổng quát lại thì vùng du lịch như một tổng thể thống nhất của các đối tượng và hiện tượng tự nhiên, nhân văn, xã hội…. bao gồm hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường kinh tế- xã hội xung quanh với chuyên môn hóa nhất định trong lĩnh vực du lịch.
2. Đặc trưng cơ bản của vùng du lịch:
Vùng du lịch có tính hệ thống. Mỗi vùng du lịch là tập hợp các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc mọi cấp, mọi kiểu và môi trường mà nó tồn tại, phát triển, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau giữa các phân hệ, các hệ thống lãnh thổ kinh tế – xã hội khác và các vùng khác.
Tính cấp bậc của vùng du lịch: Mỗi vùng du lịch có vị trí được xác định trong không gian, có quy mô lãnh thổ, nguồn tài nguyên, nhu cầu du lịch, dân cư, lực lượng sản xuất nhất định, thuộc hệ thống phân vị nhất định, có vị trí nhất định trong hệ thống phân vùng của cả nước ( vùng lớn, vùng cấp 1, vùng cấp 2 ).
Tính đặc thù của vùng du lịch: Mỗi vùng du lịch đều có những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên, điều kiện kinh tế – xã hội riêng nên ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất lãnh thổ du lịch khác nhau, hình thành nên những ngành chuyên môn hóa riêng ( phát triển những loại hình du lịch riêng ).
Tính tổ chức của vùng du lịch: Vùng du lịch là hệ thống kinh tế – xã hội và toàn bộ hệ thống du lịch nên việc phân vùng, định hướng sự phát triển ngành du lịch của vùng phải hòa nhập với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Vùng du lịch được tạo thành bởi nhiều yếu tố tạo vùng. Các yếu tố chủ yếu là nguồn tài nguyên du lịch, nguồn lao động du lịch, cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, nhu cầu và số lượng khách du lịch và các yếu tố kinh tế- xã hội. Vùng du lịch (theo cấp phân vùng lớn) bao gồm nhiều hệ thống lãnh thổ du lịch ở cấp nhỏ hơn vùng. Do đó, cần có sự tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ của các cấp và các cơ quan quản lý của địa phương.
Tính tổng hợp của vùng du lịch: Bên cạnh những tiềm năng du lịch mang tính đặc sắc để phát triển những ngành chuyên môn hóa, các vùng du lịch thường có nhiều nguồn lực và các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển của nhiều loại hình du lịch. Vì vậy, các dự án phân vùng phải góp phần phát huy tổng hợp các nguồn lực cho sự phát triển du lịch của vùng.
Tính chuyên môn hóa của vùng du lịch, đây chính là bản sắc của vùng du lịch; làm cho vùng này khác hẳn vùng kia.
3. Vai trò của vùng du lịch:
Vùng du lịch ra đời nhằm mục đích phát triển du lịch, do đó, vai trò chính của vùng du lịch đó chính là kích thích tiềm năng phát triển du lịch. Khi các vùng du lịch cùng phát triển sẽ kéo theo sự phát triển du lịch của cả hệ thống lãnh thổ.
Như ở trên đã viết, vùng du lịch được cấu thành từ các hệ thống lãnh thổ du lịch ở cấp nhỏ hơn vùng, bao trùm lên các vùng nhỏ hơn này. Vùng du lịch đóng vai trò như “nơi chứa đựng” những hệ thống lãnh thổ du lịch nhỏ hơn đó. Nhà nước phân chia thành các vùng du lịch khác nhau nhằm giúp cho việc khuyến khích phát triển vùng du lịch đó dựa trên các điều kiện đặc thù của vùng.
Vùng du lịch được xây dựng nhằm chuyên môn hóa khả năng du lịch của khu vực du lịch đó. Mỗi vùng du lịch được quy hoạch dựa trên các đặc thù riêng của vùng đó như vị trí địa lý, khí hậu, địa hình, tình hình kinh tế- xã hội, dân cư,… và quan trọng nhất là tiềm năng du lịch. Dựa trên những điều kiện thực tế đó, để phân định vùng du lịch và định hướng phát triển chuyên môn hóa vùng du lịch đó, tận dụng những lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch. Như các địa điểm có tiềm năng du lịch biển thì có thể phát triển hành vùng du lịch biển,…
Trong vùng du lịch sẽ tận dụng được cấu trúc cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nguồn lao động phù hợp với nguồn tài nguyên, nhu cầu du lịch, có sự điều tiết giữa các yếu tố trên. Đồng thời, vùng du lịch giúp gia tăng mối quan hệ giữa các thành phần trong vùng và mối quan hệ giữa các hệ thống lãnh thổ du lịch khác.
Từ việc xác định vùng du lịch giúp xác định được cơ cấu và sự phân hóa tối ưu theo lãnh thổ của vùng đó. Du lịch gắn liền với kinh tế- xã hội, khi du lịch phát triển thì sẽ kéo theo những sự phân hóa về kinh tế- xã hội. Từ sự phân hóa về kinh tế, xã hội sẽ xác định cơ cấu tổ chức lãnh thổ theo sự phân hóa đó để đảm bảo sự hài hóa.
Thông qua thực tiễn hoạt động vùng du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tìm ra những hướng đi phù hợp để phát triển vùng du lịch đó và phát triển du lịch trên toàn quốc. Đồng thời có những điều chỉnh kịp thời trong quản lý nhà nước về du lịch, có các định hướng, các chính sách phát huy lợi thế của vùng du lịch. Từ cơ sở hoạt động này phát triển du lịch vùng là làm tiền đề cho quy hoạch du lịch, lựa chọn vùng đầu tư.