Vô ý làm lộ bí mật công tác là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình quản lý các loại tài liệu, bí mật công tác, tuy nhiên thiếu trách nhiệm dẫn đến làm lộ bí mật đó. Vậy hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Mục lục bài viết
1. Vô ý làm lộ bí mật công tác có bị truy cứu hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 3 của Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, có khái quát về vấn đề bí mật công tác. Theo đó, bí mật công tác là một trong những tình tiết và dấu hiệu định tội. Bí mật công tác được quy định cụ thể tại Điều 361 và Điều 362 của Bộ luật hình sự năm 2015 được xem là những thông tin công tác được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là bất kỳ hình thức nào, có thể kể đến như: văn bản, bài phát biểu, hình ảnh, ghi âm, ghi hình, dự thảo văn bản … mà cơ quan và tổ chức quy định không được phép tiết lộ cho người khác biết, đồng thời các thông tin này không thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Theo đó thì có thể nói, đối với hai tội danh về hành vi cố tình làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt hoặc mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác, thì có thể nói, bí mật công tác là khái niệm để chỉ chung các loại thông tin công tác được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, đó có thể là văn bản, dự thảo văn bản, hình ảnh, bài phát biểu … mà các cơ quan và tổ chức quy định không được phép tiết lộ bí mật đó cho bất kỳ người nào khác biết, đồng thời các thông tin này cũng không thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Hành vi vô tình làm lộ bí mật công tác sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Theo đó, ngay cả khi việc làm lộ bí mật công tác là vô tình hay cố tình thì người thực hiện hành vi này vẫn hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm lộ bí mật công tác căn cứ theo quy định tại Điều 362 của Bộ luật hình sự năm 2015. Trong trường hợp bí mật công tác được xác định là bí mật nhà nước thì người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước căn cứ theo quy định tại Điều 338 của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, chủ thể của tội phạm này được quy định là những người được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng tài liệu bí mật công tác, hoặc những người được phổ biến nội dung liên quan đến bí mật công tác, cần phải đảm bảo giữ bí mật về các tài liệu và nội dung đó. Hành vi khách quan của tội phạm này có thể được thực hiện như sau:
– Hành vi làm lộ bí mật công tác;
– Hành vi làm mất tài liệu và bí mật nhà nước. Đây được xem là hành vi của người được giao tài liệu bí mật công tác để quản lý hoặc sử dụng tuy nhiên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo mật tài liệu công tác đó gây ra tình trạng thất thoát, có thể là bỏ quên hoặc đánh rơi, để người khác lấy mất … và không kể thời gian bị mất là bao nhiêu lâu.
Hậu quả của tội phạm này được quy định cụ thể như sau:
– Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các cơ quan và tổ chức;
– Hậu quả thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên;
– Hậu quả để người khác sử dụng thực hiện các tội phạm khác.
Theo đó, người nào có hành vi vô tình làm lộ bí mật công tác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo quy định tại Điều 362 của Bộ luật hình sự năm 2015 theo như phân tích nêu trên, khung hình phạt thấp nhất có thể được áp dụng đó là hình phạt cảnh cáo, cải tạo không gian giữ đến 02 năm. Hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khung hình phạt bổ sung có thể được áp dụng đó là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ ít nhất trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm.
2. Vô ý làm lộ bí mật công tác có được xem là tình tiết giảm nhẹ hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể kể đến bao gồm:
– Người phạm tội đã có hành vi ngăn chặn hoặc giảm bớt tác hại của tội phạm trên thực tế;
– Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật;
– Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
– Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
– Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi thực hiện hoạt động, thực hiện nhiệm vụ bắt giữ tội phạm;
– Phạm tội trong trường hợp bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra cho người phạm tội;
– Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do lỗi của mình gây ra;
– Phạm tội tuy nhiên chưa gây ra hậu quả thiệt hại hoặc gây ra thiệt hại không lớn trên thực tế;
– Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo quy định của pháp luật;
– Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức, không còn sự lựa chọn nào khác;
– Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi, tình trạng đó không phải do lỗi của người phạm tội gây ra;
– Phạm tội do lạc hậu, người phạm tội được xác định là phụ nữ có thai, người phạm tội được xác định là người từ đủ 70 tuổi trở lên;
– Người phạm tội được xác định là người khuyết tật nặng hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của pháp luật về khuyết tật;
– Người phạm tội là người có bệnh dẫn đến trường hợp hạn chế năng lực nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi của mình;
– Người phạm tội đã tự thú;
– Người phạm tội có hành vi thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan chức năng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình phát hiện và điều tra tội phạm, người phạm tội đã lập công chuộc tội;
– Người phạm tội được xác định là người có thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất, lao động, chiến đấu, học tập và công tác;
– Người phạm tội là cha mẹ, vợ chồng, con của những đối tượng được xác định là liệt sĩ hoặc người có công với cách mạng.
Như vậy có thể nói, lỗi vô ý phạm tội không phải là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, tòa án hoàn toàn có thể coi vô ý phạm tội là tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên tình tiết này cần phải được nhìn nhận và ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Hành vi làm lộ bí mật nhà nước bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với những hành vi sau:
– Hành vi làm lộ bí mật nhà nước, làm mất các tài liệu và vật chứa đựng bí mật nhà nước, tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Có hành vi đăng tải, phát tán các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính trái quy định pháp luật;
– Lan truyền các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước trên các phương tiện viễn thông, phương tiện thông tin trái quy định pháp luật.
Theo đó có thể nói, hành vi làm lộ bí mật nhà nước nhưng không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt với mức cao nhất là 30.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.