Vợ phải làm gì khi phát hiện chồng ngoại tình cho đúng pháp luật? Phương án xử lý hành vi khi chồng ngoại tình, tố cáo chồng ngoại tình?
Hiện nay, với điều kiện kinh tế và xã hội ngày càng phát triển thì vấn đề về ngoại tình đang diễn ra rất phổ biến. Một vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm ở đây là đối với hành vi ngoại tình này có được coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không. Và cách thức xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ tư vấn cụ thể về vấn đề này
Căn cứ pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình 2014
Mục lục bài viết
1. Nghĩa vụ của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân:
Hôn nhân là một sự hợp nhất được công nhận về mặt văn hóa giữa những người, được gọi là vợ chồng. Hôn nhân tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ giữa họ, cũng như giữa họ và con cái của họ, và giữa họ và gia đình của người kia.
Theo quy định của
Ngoại tình là hành vi khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này.
Một cách hiểu khái quát nhất, ngoại tình thường chỉ nói về quan hệ tình yêu nói chung, từ cấp độ thấp nhất là có tình cảm với nhau cho đến mức độ cao hơn là chung sống với nhau như vợ chồng. Khi một người đang tồn tại quan hệ hôn nhân mà có quan hệ tình cảm hoặc chung sống với người khác thì đó chính là hành vi ngoại tình.
Trường hợp hai người có quan hệ ngoài hôn nhân mà có hành vi quan hệ tình dục với nhau cũng được coi là hành vi ngoại tình.
Ngoại tình trên thực tế để lại nhiều hậu quả tiêu cực, đặc biệt đó là nguyên nhân chủ yếu làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Ngoại tình có vi phạm pháp luật không? Cần khẳng định rằng việc ngoại tình chắc chắn vi phạm pháp luật. Cụ thể, về tình nghĩa của vợ chồng, khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
“Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”.
Như vậy, vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chung thủy với nhau. Việc một bên nào đó có mối quan hệ tình cảm hay chung sống với người khác trong khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân thì đó là hành vi vi phạm quy định này. Và ngoại tình chính là một trong những hành vi vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu trên. Và hành vi đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vậy nếu trong trường hợp người chồng có quan hệ ngoại tình thì người vợ cần phải xử lý như thế nào?
2. Vợ phải làm gì khi phát hiện chồng ngoại tình cho đúng pháp luật:
Giữ gìn hạnh phúc gia đình phải là từ hai phía, nhưng nếu những ai không may gặp phải người chồng muốn “ăn cả cơm lẫn ăn phở” thì cần phải bình tĩnh, điều đầu tiên người vợ phải làm khi biết chồng ngoài tình là kiểm soát bản thân. Nếu mất bình tĩnh, người vợ sẽ không đủ sáng suốt để nhìn nhận mọi việc và có hành động ngu ngốc, tìm nguyên nhân dẫn đến việc chồng ngoại tình để hai vợ chồng có cách thức tháo gỡ và thẳng thắn với nhau, tuyệt đối không đi đánh ghen. Bởi vì thực tế, việc đánh ghen chỉ để nhằm hả cơn giận.
Nếu quá tay, người vợ có thể sẽ phải đối mặt với pháp luật, vô tình họ từ một người bị hại trở thành người có tội. Nếu có thể hãy tha thứ, đây là việc làm khó khăn với bất kì người phụ nữ nào. Khi phát hiện bị phụ bạc, bất cứ ai cũng nghĩ rằng khó thể tha thứ, nhưng khi bình tĩnh lại hãy cân nhắc xem có nên tiếp tục cuộc hôn nhân. Hãy suy nghĩ về con cái, gia đình, về những gì người chồng đã đối xử với vợ trong suốt thời gian trước đó. Sau khi phát hiện chồng ngoại tình, bản thân phụ nữ đã làm nhiều cách nhưng vẫn không thể quên được lỗi lầm đó thì có nghĩa đó là vết thương quá lớn. Và khi đó họ có thể thực hiện theo các cách sau:
2.1. Báo cho cơ quan có thẩm quyền:
– Báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành chính như: công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã, công chức Phòng tư pháp cấp huyện để lập biên bản xử lý hành chính đối với hành vi của chồng, cùng với người tình của chồng (trừ trường hợp người này chưa có chồng, chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn với chồng bạn nhưng không biết chồng bạn đang có vợ). Bởi vì:
Căn cứ vào Điều 2 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:
“Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
1.Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.”
Theo đó, người chồng đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được Nhà nước ta bảo vệ.
Mức phạt đối với hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng:
Căn cứ Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CPquy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;”
2.2. Xử lý hình sự:
Hành vi ngoại tình có thể phạm vào tội vi phạm chế độ một vợ một chồng quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi của người chồng có quan hệ ngoại tình thì người vợ phải chứng minh được người chồng phải một trong các hành vi sau:
– Có hành vi kết hôn trái phép với người khác trong khi người phạm tội đang có vợ hoặc có chồng một cách hợp pháp hoặc được xác định là hôn nhân thực tế và quan hệ hôn nhân đó còn đang tồn tại hoặc tuy chưa có vợ, có chồng mà kết hôn trái pháp luật với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ hợp pháp.
Việc kết hôn trái pháp luật thể hiện qua việc dùng thủ đoạn khai báo gian dối là chưa có vợ hoặc chưa có chồng, hoặc mua chuộc cán bộ có thẩm quyền để tiến hành việc kết hôn nhằm xác lập quan hệ hôn nhân mới giữa nam, nữ trong khi chính họ đang có vợ hoặc chồng.
– Có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác. Nếu không thuộc trường hợp kết hôn nếu ở trên thì hành vi chung sống như vợ chồng với người khác cũng cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Hành vi trên được thể hiện ở chỗ đôi nam, nữ mà một hoặc cả hai bên đang có vợ hoặc chồng nhưng lại chung sống với nhau không đăng ký kết hôn và coi nhau như vợ chồng một cách công khai (như ở chung một nhà, công khai mối quan hệ vợ chồng với hàng xóm, cha mẹ, bạn bè, có tài sản chung, con chung).
Tuy nhiên thực tế về việc xác định dấu hiệu này không dễ dàng vì phần đông việc chung sống ở dạng này thường diễn ra một cách lén lút, bí mật, trừ một số trường hợp khá đặc biệt có sự đồng ý của vợ hoặc chồng cho lấy thêm vợ hoặc chồng khác.
Dấu hiệu khác: hành vi nói trên phải làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Như vậy, bạn có thể khởi kiện hoặc tố cáo khi có bằng chứng cho thấy chồng và nhân tình “chung sống như vợ chồng”.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết ly hôn thì người vợ có lợi thế hơn. Cụ thể:
a. Quyền yêu cầu ly hôn
Khi người chồng ngoại tình, người vợ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn (Căn cứ vào khoản 1, Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014), ngay cả khi người chồng không đồng ý ly hôn. Bởi vì, người chồng đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình, không chung thủy trong quan hệ hôn nhân.
b. Được lợi thế khi chia tài sản chung:
Khi ly hôn, tài sản sẽ được phân chia theo thỏa thuận của vợ chồng. Nếu vợ chồng không thỏa thuận thì được chia theo quy định của pháp luật. Khi đó, về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có xem xét đến lỗi của các bên dẫn đến ly hôn.
Như vậy, việc chồng ngoại tình sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ chia tài sản chung, người vợ được tính thêm vào tỉ lệ chia tài sản chung. Căn cứ điểm d Khoản 4 Điều 7
d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
c. Có lợi thế trong việc giành quyền nuôi con khi ly hôn
Khi ly hôn, nếu việc nuôi con hai vợ chồng không thỏa thuận được, thì sẽ do tòa án quyết định căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Do đó, nếu vợ chứng minh được trong quá trình chồng ngoại tình không chăm sóc tốt con, thường xuyên vắng nhà, không quan tâm con… thì nó sẽ là căn cứ để bạn có ưu thế giành quyền nuôi con.
Như vậy, khi chồng ngoại tình bạn có thể thực hiện những điều trên để đảm bảo quyền lợi của mình.