Ly hôn là phương thức giải quyết khi đời sống vợ chồng không còn tiếng nói chung và muốn giải thoát cho nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp việc ly hôn sẽ bị Tòa án hạn chế, cụ thể là khi người vợ mới sinh con, đang nuôi con nhỏ thì người chồng không được quyền ly hôn đơn phương.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là ly hôn và ai có quyền được yêu cầu ly hôn?
Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn chính là việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng trên cơ sở bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định, những đối tượng sau sẽ có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, cụ thể gồm:
– Vợ hoặc chồng, hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.
– Trường hợp một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Dựa vào các quy định trên, có thể thấy đối tượng được quyền yêu cầu ly hôn là:
– Một bên vợ hoặc chồng khi có yêu cầu đơn phương ly hôn.
– Cả vợ và chồng khi có nhu cầu đồng thuận ly hôn với nhau.
– Cha, mẹ, người thân thích khác nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo trường hợp quy định trên.
2. Vợ mới sinh con, nuôi con nhỏ chồng có được ly hôn không?
Căn cứ khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014, pháp luật đặt ra quy định hạn chế việc đơn phương ly hôn của người chồng, cụ thể như sau:
Khi người vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền được yêu cầu ly hôn.
Do đó, vợ đang trong giai đoạn mới sinh con hoặc đang nuôi con nhỏ có độ tuổi dưới 12 tháng thì chồng không được phép đưa ra yêu cầu đơn phương ly hôn.
3. Làm sao để được ly hôn khi vợ mới sinh con, nuôi con nhỏ?
Theo như phân tích tại mục 2, khi vợ vừa mới sinh và đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì chồng không thể ly hôn đơn phương được. Do đó sẽ có cách giải quyết như sau:
Thứ nhất, thuyết phục vợ để cả hai vợ chồng đồng thuận ly hôn với nhau nếu như thực sự cả hai không thể tiếp tục được cuộc hôn nhân, việc ly hôn giải thoát cho cả hai là điều nên làm.
Thứ hai, phía bên người vợ đề xuất ly hôn đơn phương với chồng. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình chỉ giới hạn quyền lợi đơn phương ly hôn của người chồng khi vợ mới sinh con, đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi chứ không giới hạn quyền đơn phương ly hôn của người vợ. Do vậy, vợ có thể hoàn toàn làm đơn yêu cầu ly hôn đơn phương.
Thứ ba, nếu như người vợ không thuận tình ly hôn hoặc không đồng ý đứng ra làm đơn khởi kiện ly hôn đơn phương thì chỉ còn duy nhất một cách là người chồng đợi đến khi con trên 12 tháng tuổi thì mới có thể làm đơn khởi kiện ly hôn đơn phương.
4. Hồ sơ, thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ giải quyết ly hôn đơn phương:
– Đơn xin li hôn đơn phương.
– Bản gốc giấy chứng nhận đăng kí kết hôn.
– Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn.
– Bản sao chứng thực chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân của nguyên đơn.
– Bản sao chứng thực giấy khai sinh của các con (nếu có).
– Các tài liệu chứng minh về tài sản chung hoặc tài sản riêng vợ chồng (nếu có).
Bước 2: Nộp đơn:
Nộp đơn khởi kiện trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bị đơn.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết:
Tòa án thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí sau khi nhận đơn ly hôn đơn phương. Nguyên đơn phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
Thẩm phán sẽ thông báo thụ lý vụ án bằng văn bản cho nguyên đơn và bị đơn trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án. Và sau đó phân công thẩm phán thụ lý vụ án.
Tiến hành buổi hòa giải và công khai chứng cứ tại Tòa án.
Tiến hành xét xử sơ thẩm giải quyết ly hôn đơn phương và bản hành bản án/quyết định.
5. Mẫu đơn khởi kiện ly hôn đơn phương:
Hiện nay, đơn ly hôn đơn phương được trình bày theo mẫu đơn khởi kiện ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……….., ngày ….. tháng …. năm ………
ĐƠN KHỞI KIỆN
(v/v: Ly hôn)
Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN…………
Người khởi kiện:………..
Địa chỉ:……….
Số điện thoại: ……(nếu có); số fax:…….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ……… (nếu có)
Người bị kiện:…….
Địa chỉ………..
Số điện thoại: ………(nếu có); số fax: …….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ……. (nếu có)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có):………….
Địa chỉ………….
Số điện thoại: …………(nếu có); số fax: …….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ………. (nếu có)
Yêu cầu Tòa án nhân dân …….. giải quyết ly hôn với các nội dung sau đây:
1. Quan hệ hôn nhân:………
2. Về con chung……….
3 – Về tài sản : …………
4 –Về công nợ: ………..
Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có:
1. Chứng minh nhân dân (bản chứng thực)
2. Sổ hộ khẩu (Bản chứng thực)
3. Giấy khai sinh (Bản chứng thực)
4. Đăng ký kết hôn
5. Một số giấy tờ khác có liên quan
(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án) …………………..
Trên đây là toàn bộ những yêu cầu của tôi, đề nghị tòa án xem xét, giải quyết. Ngoài ra tôi không khiếu nại gì thêm, nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Kính mong quý Tòa xem xét giải quyết trong thời hạn luật định.
Tôi xin trân trọng cảm ơn !
NGƯỜI KHỞI KIỆN
Hướng dẫn viết đơn:
– Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào
Ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B, nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên) và địa chỉ của Toà án đó.
– Trình bày lý do, yêu cầu về việc giải quyết ly hôn đơn phương và kết quả của cuộc hôn nhân.
Ví dụ: Năm ………., chúng tôi kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có tổ chức lễ cưới theo phòng tục truyền thống, có đăng ký kết hôn tại UBND ………
Thời gian đầu cuộc sống vợ chồng với hòa thuận hạnh phúc, nhưng mấy năm về sau phát sinh mâu thuẫn nên thường cãi vã.
Vợ tôi là Nguyễn Thị A thường xuyên đi sớm về khuya, tụ tập bạn bè, thậm chí có đôi ba lần chơi cờ bạc dẫn đến thua lỗ và không có trách nhiệm với con cái cũng như gia đình nhà chồng. Vì vậy, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn trầm trọng, chúng tôi sống ly thân về mặt tình cảm từ đó đến nay.
– Trình bày rõ hai vợ chồng có mấy người con, yêu cầu được nuôi dưỡng và cấp dưỡng đối với từng người con, nhu cầu và quyết định của người con (nếu theo luật phải hỏi ý kiến của cháu bé).
Ví dụ: Trong quá trình chung sống, chúng tôi có.. con chung là cháu: …………., sinh ngày………. Do cháu từ trước đến nay do tôi chăm lo nhiều hơn và tình cảm giữa cháu và bố cũng gắn bó hơn, nay ly hôn tôi đề nghị Tòa án giao cho tôi được trực tiếp nuôi con, tôi không yêu cầu vợ tôi cấp dưỡng vì tôi có đủ khả năng chăm lo cho con có đời sống tốt và đảm bảo.
– Khi có tài sản chung, muốn phân chia tài sản như thế nào thì ghi rõ đề nghị tại mục này. Còn nếu không có thì ghi rõ không có và không yêu cầu Tòa án chia.
Theo quy định, nguyên tắc là chia đôi đối với tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nếu có. Tuy nhiên, Tòa sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố để quyết định phân chia tài sản như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng hoặc nhằm để bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
– Nếu trong quá trình sinh sống, hai vợ chồng có công nợ chung và muốn Tòa chia thì cũng nêu rõ thông tin, căn cứ và yêu cầu chia các khoản nợ đó. Nếu không có thì ghi rõ không có và không yêu cầu Tòa án chia.
– Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ban hành một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự.