Ngày nay việc ly hôn đã và đang diễn ra khá phổ biến bởi nhiều cặp vợ chồng khi lập gia đình cảm thấy cuộc sống hôn nhân bế tắc và không tìm thấy tiếng nói chung với nhau. Do đó khi ly hôn nhiều vợ chồng vẫn còn thắc mắc liên quan đến việc khoản nợ chung ngân hàng của hai vợ chồng sẽ được giải quyết như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Vợ chồng đang nợ ngân hàng có được ly hôn không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 51
Việc ly hôn là ý chí, nguyện vọng của mỗi cặp vợ chồng khi cuộc hôn nhân không đạt được mục đích chung, không thể tiếp tục phát triển bền vững thì vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật mà không có yêu cầu cụ thể về vấn đề đang nợ ngân hàng mà không được ly hôn. Theo đó, tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện hành thì chỉ có người chồng không được quyền yêu cầu Toà án ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, ly hôn được xác định là quyền của vợ chồng khi không còn muốn chung sống cùng nhau nữa. Do đó việc vợ chồng đang nợ ngân hàng thì vẫn được quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật. Khoản nợ ngân hàng được xác định là khoản nợ chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và được phân quyền thực hiện toàn tất nghĩa vụ thanh toán theo bản án/ quyết định của Toà án.
2. Vợ chồng nợ ngân hàng sau khi ly hôn sẽ chia như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thù vợ, chồng có trách nhiệm liên đới với nhau đối với các nghĩa vụ về tài sản chung, công nợ chung theo quy định tại Điều 37 Luật này.
Theo đó, theo quy định tại Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì quyền và nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với bên thứ ba vẫn còn hiệu lực sau khi ly hôn trừ trường hợp vợ chồng và bên thứ ba đó có thoả thuận khác. Như vậy, theo quy định này thì có thể hiểu nghĩa vụ thanh toán khoản nợ ngân hàng của hai vợ chồng vẫn còn hiệu lực khi hai vợ chồng ly hôn.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 7
Do hiệu lực của nghĩa vụ thanh toán khoản nợ chung vẫn còn nguyên nên cả hai vợ chồng đều có nghĩa vụ như nhau đối với việc trả khoản nợ chung đó. Trừ trường hợp cả hai vợ chồng có thoả thuận khác về nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Có thể là thoả thuận về việc chỉ chồng hoặc chỉ có người vợ là người có nghiã vụ thanh toán khoản nợ với ngân hàng và có sự đồng ý của ngân hàng đó.
Trong trường hợp yêu cầu Toà án giải quyết công nợ chung với ngân hàng mà hai vợ chồng không thoả thuận được nghĩa vụ của các bên về việc trả nợ sau khi ly hôn thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc phân chia, chỉ định việc thực hiện nghĩa vụ đó. Theo đó, khi Toà án giải quyết, phân chia nghĩa vụ thanh toán cho hai vợ chồng khi ly hôn sẽ áp dụng nguyên tắc chia đôi nghĩa vụ nhưng có tính đến các yếu tố khác theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể các yếu tố được xét đến khi phân chia như sau:
– Thứ nhất, yếu tố hoàn cảnh gia đình của vợ, của chồng. Việc xét đến hoàn cảnh gia đình của vợ và của chồng là để đánh giá được việc sau khi ly hôn thì người vợ hoặc người chồng có đầy đủ năng lực hành vi, tài sản để thực hiện nghĩa vụ, khả năng lao động để tạo ra thu nhập để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hay không? Bên cạnh đó, xét về hoàn cảnh gia đình cũng là xét đến khả năng, hoàn cảnh của những thành viên khác trong gia đình có thể hỗ trợ vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ thanh tán không. Theo đó, Toà án có thể nắm bắt được tình hình của các bên, bên nào gặp khó khăn hơn thì sẽ được phân chia trả nợ ít hơn so với bên mạnh hơn về hoàn cảnh để cho bên gặp khó khăn có thể duy trì và ổn định cuộc sống của họ;
– Thứ hai, xét đến yếu tố về công sức đóng góp của vợ, của chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Yếu tố này thường được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà ít khi xét đến yếu tố này khi phân chia công nợ chung của hai vợ chồng. Đối với trường hợp này thì có thể hiểu là vợ hoặc chồng nếu ai sử dụng khoản nợ nhiều hơn, mục đích sử dụng nhiều hơn thì sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả khoản nợ nhiều hơn người còn lại;
– Thứ ba, yếu tố bảo vệ lợi ích chính đáng của vợ và chồng trong việc sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp của mỗi bên để có thể bảo đảm điều kiện tiếp tục lao động tạo ra thu nhập. Theo đó việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong việc sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để tạo ra thu nhập thì không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của mỗi bên và con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Việc phân chia nghĩa vụ trả nợ chung phải xét đến yếu tố này để bảo đảm điều kiện sống tối thiểu cho cả vợ, chồng và con chung;
– Thứ tư, xét đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong việc vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng khiến cho quan hệ hôn nhân đang bình thường dẫn đến ly hôn. Chẳng hạn như một trong hai bên có hành vi bạo lực gia đình, có hành vi không quan tâm, chăm sóc với những thành viên khác trong gia đình hay thậm chí là có hành vi ngoại tình thì sẽ bị xử lý, yêu cầu thanh toán khoản tiền lớn hơn so với bên không vi phạm. Việc phân chia như vậy cũng được hiểu như một biện pháp xử lý khi một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ mà pháp luật về Hôn nhân và gia đình quy định.
Lưu ý trong trường hợp vợ hoặc chồng thực hiện gia dịch nợ ngân hàng phát sinh từ một phía không vì nhu cầu của gia đình thì khoản nợ ngân hàng đó được xác định là công nợ riêng của người làm phát sinh gia dịch theo quy định tại Điều 45 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy, nếu công nợ nào được xác định là công nợ chung thì xác định đây là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân.
3. Nếu vợ chồng có yêu cầu Toà án phân chia công nợ ngân hàng chung trong thời kỳ hôn nhân thì phải chuẩn bị những gì?
Việc yêu cầu Toà án giải quyết công nợ chung thường được các cặp vợ chồng thực hiện khi nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn tại Toà án khi thực hiện ly hôn đơn phương. Theo đó, vợ hoặc chồng (nguyên đơn) có nguyện vọng đơn phương ly hôn sẽ nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn tại Toà án nhân dân cấp quận/huyện nơi chồng hoặc vợ (bị đơn) đang cư trú, làm việc. Theo đó, hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn khởi kiện đơn phương ly hôn. Trong đơn thể hiện luôn cả nội dung yêu cầu Toà án giải quyết vấn đề phân chia tài sản chung, công nợ chung khi ly hôn;
– Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao công chứng, chứng thực của Căc cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của cả hai vợ chồng;
– Các tài liệu chứng tài sản chung, công nợ chung cần Toà án phân chia như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đát, quyền sở hữu nhà ở và sản khác gắn liền trên đất; sổ tiết kiệm; hợp đồng vay,….
Theo đó, khi vợ chồng có yêu cầu phân chia tài sản hay công nợ chung thì phải trình bày cụ thể nguyện vọng trong đơn khởi kiện ly hôn và các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh công nợ, tài sản chung.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ban hành ngày 06/1/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.