Thực tế có nhiều trường hợp do ly hôn quá vội vàng, hai vợ chồng vẫn còn tình cảm với nhau. Vậy khi vợ chồng đã ly hôn, muốn quay lại với nhau có được không?
Mục lục bài viết
1. Vợ chồng đã ly hôn, muốn quay lại với nhau được không?
Có thể nói, hôn nhân rạn nứt có thể được xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do nguyên nhân khách quan hoặc nguyên nhân chủ quan, có thể đến từ một phía hoặc cả hai vợ chồng. Trên thực tế có nhiều trường hợp đưa ra quyết định ly hôn vội vàng khiến cho cả hai vợ chồng đều cảm thấy hối hận vì quyết định đó. Sau khi ly hôn thì họ nhận ra vợ chồng vẫn muốn tiếp tục chung sống với nhau và mâu thuẫn đã được hàn gắn. Vì thế họ có mong muốn được quay lại ở với nhau. Tuy nhiên người ta đặt ra thắc mắc: Vợ chồng đã ly hôn, muốn quay lại với nhau có được không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Căn cứ theo quy định tại Điều 57 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì có thể nói, mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng sẽ chấm dứt kể từ thời điểm có bản án hoặc quyết định ly hôn của tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Nếu như vợ chồng đã ly hôn với nhau và cả hai người đều không trong một mối quan hệ nào thì có nghĩa hai người vẫn đang còn độc thân. Trong trường hợp này thì vợ chồng hoàn toàn có thể quay lại với nhau. Tuy nhiên, họ cần xác lập lại quan hệ hôn nhân bằng cách tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật tại Điều 9 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014. Hay nói cách khác, khi xác lập lại quan hệ vợ chồng sau ly hôn, vợ chồng cần phải làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Đồng thời thì việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền phù hợp với pháp luật về hộ tịch. Khi đăng ký kết hôn sau quá trình ly hôn thì cần phải đáp ứng được những điều kiện cơ bản sau:
– Việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và pháp luật về hộ tịch;
– Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định của pháp luật sẽ không có giá trị pháp lý;
– Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn;
– Nam nữ kết hôn với nhau phải đắp ứng độ tuổi đó là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, việc đăng ký kết hôn sẽ do nam nữ tự nguyện quyết định mà không bị ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào;
– Hai bên chủ thể trong quá trình đăng ký kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự, quá trình kết hôn không vi phạm trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 5 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014, và nhà nước cũng không thừa nhận việc hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy có thể nói, nếu nam nữ đáp ứng được các điều kiện trên thì có thể đăng ký kết hôn. Đối chiếu với trường hợp vợ chồng đã ly hôn, nay có mong muốn hàn gắn và quay lại với nhau một cách tự nguyện, thì phải đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được pháp luật công nhận trên thực tế. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định nêu trên sẽ không có giá trị pháp lý. Vì vậy vợ chồng đã ly hôn vẫn có thể quay lại với nhau nếu đáp ứng được các điều kiện nêu trên, và phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn. Trong quá trình đăng ký kết hôn lại sẽ trải qua một số giai đoạn sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân cấp xã phường. Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ thì cán bộ tư pháp hộ tịch sẽ ghi vào sổ đăng ký về việc kết hôn. Nếu xét thấy hồ sơ chưa đầy đủ thì cán bộ tư pháp sẽ hướng dẫn người đi đăng ký kết hôn hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ sẽ không được tính vào thời gian giải quyết thủ tục kết hôn.
Bước 2: Cấp giấy kết hôn bản chính. Trong trường hợp xét thấy không đủ điều kiện để kết hôn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ từ chối đăng ký. Việc từ chối phải được trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Vợ chồng sống chung với nhau sau ly hôn thì có vi phạm pháp luật không?
Sau khi đã ly hôn, vợ chồng hoàn toàn có quyền quay lại với nhau, tuy nhiên theo phân tích ở trên thì phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới được pháp luật công nhận. Còn trong trường hợp đã ly hôn và quay lại chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn thì sẽ được xác định là trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng theo Điều 14 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014, hậu quả của việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ được thực hiện như sau:
– Nam và nữ có đủ điều kiện đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật mà chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ với chồng theo quy định. Quyền và nghĩa vụ đối với con cái, tài sản của các bên trong quá trình chung sống sẽ được giải quyết theo Điều 15 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014;
– Trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại Điều 14 Hôn nhân gia đình năm 2014 nhưng sau đó thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân sẽ được tính kể từ thời điểm đăng ký kết hôn đó.
Như vậy có thể nói, việc chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của vợ chồng. Bởi vì về bản chất thì khi đã ly hôn, tức là đã chấm dứt quan hệ hôn nhân, hai người được xác định là tình trạng độc thân, tùy vào từng trường hợp khác nhau, việc xác định chung sống với nhau như vợ chồng sau khi đã ly hôn sẽ được coi là hợp pháp và không hợp pháp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cả hai bên đều còn độc thân sau khi ly hôn. Pháp luật không nghiêm cấm hoặc có bất cứ một hình phạt nào khi hai vợ chồng chung sống với nhau sau khi ly hôn trong tình trạng độc thân. Vì vậy bạn có thể tiếp tục chung sống với chồng của bạn mặc dù đã ly hôn mà không bị coi là hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Thứ hai, một trong hai bên hoặc cả hai bên đều đã có vợ chồng. Nếu như một trong hai bên hoặc các bên đều đã có vợ chồng và lập gia đình mới thì việc chung sống với nhau như vợ chồng sau thời kỳ ly hôn sẽ bị coi là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Hành vi này bị nghiêm cấm theo Điều 5 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014. Thậm chí trong trường hợp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng căn cứ theo quy định tại Điều 182 của Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Các nguyên tắc xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình:
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có ghi nhận về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình như sau:
– Hôn nhân phải được xác lập dựa trên cơ sở tự nguyện và tiến bộ, hôn nhân một vợ một chồng và bình đẳng giữa vợ với chồng;
– Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc và tôn giáo khác nhau, giữa những người theo tôn giáo với những người không theo tôn giáo, giữa những người có tín ngưỡng và những người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài cần phải được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ;
– Xây dựng một gia đình ấm no và hạnh phúc, các thành viên trong gia đình phải có nghĩa vụ chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau, không được phép phân biệt đối xử giữa con cái trong gia đình;
– Nhà nước và xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ cho trẻ em, những đối tượng được xác định là người cao tuổi hoặc người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân gia đình, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của mình và thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình;
– Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa và đạo đức của dân tộc Việt Nam về hôn nhân gia đình.
Vì vậy chế độ hôn nhân gia đình cần phải được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.