Giữ cho phổi luôn trong tình trạng khỏe mạnh và hoạt động tốt, chúng ta cần một chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ các loại thực phẩm và bổ sung đủ các Vitamin, khoáng chất thiết yếu. Dưới đây Luật Dương gia sẽ đề cập đến 1 số vitamin tốt cho sức khỏe của phổi.
1. Những vitamin tốt cho phổi:
Lá phổi là phần vô cùng quan trọng của hệ thống hô hấp nói riêng và cơ thể nói chung. Nó luôn phải hoạt động để duy trì sự sống bằng cách cung cấp oxy cho các tế bào hoạt động và thải CO2 ra ngoài. Phổi bị tổn thương có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể. Nhiệt độ thay đổi, ô nhiễm không khí tăng, các hạt bụi nhỏ và phấn hoa xâm nhập vào hệ hô hấp dễ gây tổn thương phổi. Một số loại vitamin có thể tăng cường sức khỏe phổi, ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Có nhiều yếu tố có thể gây hại cho phổi như khói thuốc lá, các bệnh nhiễm trùng hô hấp như COPD, hen và gần đây nhất là dịch bệnh COVID-19 ở nước ta. Các yếu tố trên đều có nguy cơ làm suy giảm chức năng hoạt động bình thường của phổi. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống nghèo nàn, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi. Sau đây, những vitamin tốt cho phổi có thể kể đến như:
1.1. Vitamin D tốt cho hệ hô hấp:
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì Vitammin D cần được bổ sung giúp tăng cường khả năng tập thể dục. Họ cảm thấy khó khăn khi thực hiện bất kỳ bài tập thể dục nào trong thời gian dài vì khó thở, một bài tập ngắn cũng làm cho bệnh nhân thở khó khăn. Nếu bổ sung đủ lượng vitamin D trong bữa ăn hàng ngày sẽ cải thiện hiệu suất tập thể dục cho người bệnh.
Vitamin D là loại vitamin tốt cho phổi theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nếu bổ sung đầy đủ thì sẽ giúp cho chức năng hô hấp tốt hơn và thời gian tập thể dục kéo dài hơn. Trong một nghiên cứu được tiến hành trên hơn 10000 người trưởng thành tại Hàn Quốc, vitamin D còn giúp những bệnh nhân mắc lao cảm thấy dễ thở hơn, nhờ vào lượng vitamin D được bổ sung đầy đủ mà dung tích phổi được cải thiện. Hàm lượng vitamin D trong máu có liên quan đến chức năng của phổi, bởi vì người từng bị mắc bệnh lao có nồng độ vitamin D trong máu thấp. Do vậy, tăng cường vitamin D giúp cải thiện hiệu quả chức năng của phổi.
1.2. Vitamin C:
Vitamin này làm giảm co thắt của phế quản thường xảy ra trong hoặc sau quá trình tập thể dục. Bị co thắt phế quản do tập luyện khiến cho đường hô hấp bị viêm vì hạn chế sự lưu thông tự do của không khí đi vào phổi, những biểu hiện thường xuất hiện như thở khò khè, ho, khó thở,…
Vitamin C rất tốt cho phổi vì có thể làm giảm những phản ứng viêm cũng như khiến cho tình trạng co thắt phế quản do tập luyện xảy ra ít hơn. Có thể nói Vitamin C có vai trò như một chất kháng viêm làm giảm hiện tượng hẹp đường thở trong co thắt phế quản do tập luyện, gắng sức.
1.3. Vitamin A giúp phòng bệnh hô hấp:
Đây là loại Vitamin không chỉ tốt cho mắt mà còn hỗ trợ duy trì chức năng phổi bình thường. Vitamin A có thể phục hồi và tăng cường tái tạo niêm mạc phổi, duy trì chức năng của các tế bào màng nhầy bảo vệ phổi khỏi những tác nhân gây bệnh trong không khí. Do vậy người bệnh có những vấn đề về phổi thì nên bổ sung các loại thực phẩm già vitamin A
1.4. Vitamin B12 tốt cho hệ hô hấp:
Là vitamin tốt cho hệ hô hấp nên vitamin B12 có thể giúp cho cơ thể sản sinh những tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nếu thiếu vitamin B12 sẽ làm giảm hồng cầu hay còn được gọi là thiếu máu dẫn tới tình trạng mệt mỏi và khó thở, nhất là khi hoạt động hay vận động mạnh. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng nồng độ vitamin B12 trong máu đủ sẽ có thể cải thiện được những vấn đề hô hấp cũng như làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi
1.5. Vitamin E tốt cho hệ hô hấp:
Bổ sung đầy đủ Vitamin E giúp bảo vệ và phòng ngừa những vấn đề về rối loạn hô hấp, trong đó có cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các mô phổi được phục hồi khi cơ thể được bổ sung vitamin E đầy đủ, thậm chí xây dựng lại dung tích phổi, góp phần làm giảm các vấn đề hô hấp. Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh, phòng bệnh hô hấp, giúp bảo vệ phổi bằng cách vô hiệu hóa tác động của các chất ô nhiễm bị hít vào cơ thể.
Vitamin là những hợp chất hữu cơ hay còn gọi là vi chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể, tham gia vào cấu tạo tế bào, chuyển hóa cung cấp năng lượng cũng như tất cả các loại hoạt động sống của cơ thể. Để giữ cho phổi luôn khỏe mạnh, hoạt động tốt thì cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống hàng ngày, lối sống lành mạnh, đặc biệt là vitamin.
2. Vitamin cần bổ sung khi bị bệnh phổi:
2.1. Vitamin C:
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, có nghĩa là nó tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào. Nó cũng có đặc tính chống viêm và điều hòa miễn dịch. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ vitamin C tối ưu là điều cần thiết cho phổi khỏe mạnh. Thiếu vitamin C có thể ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống miễn dịch và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Ngược lại, duy trì mức vitamin C tối ưu giúp cải thiện chức năng phổi và bảo vệ khỏi các tình trạng ảnh hưởng đến phổi, chẳng hạn như COPD. Bổ sung vitamin C giúp làm giảm nguy cơ và thời gian nhiễm trùng đường hô hấp.
Vitamin C rất quan trọng ở người hút thuốc lá. Ở những người hút thuốc, người có lượng vitamin C cao hơn được tìm thấy có chức năng phổi tốt hơn những người có mức vitamin C thấp hơn. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ hoa quả, trái cây và rau tươi như: cam, quýt, bưởi, ổi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, cà chua, súp lơ, củ cải, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt…
2.2. Vitamin D:
Tình trạng bị thiếu hụt vitamin D là cực kỳ phổ biến ở những người mắc các bệnh ảnh hưởng đến phổi, bao gồm hen suyễn và COPD, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và ảnh hưởng đến chức năng phổi ở những người này. Thiếu vitamin D liên quan đến việc phổi bị tổn thương nghiêm trọng hơn, thời gian mắc bệnh lâu hơn và nguy cơ tử vong cao hơn ở những người nhập viện vì COVID-19. Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19.
Vitamin D là vitamin tan trong chất béo, liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Da cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 15-30 phút mỗi ngày, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)…
2.3. Magie:
Magie là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, bao gồm hỗ trợ chức năng phổi. Magie giúp giãn các tế bào cơ trơn phế quản và giảm viêm phổi, có thể giúp ích cho những người bị bệnh phổi. Ngoài ra, những người mắc một số bệnh về hô hấp có nhiều khả năng bị thiếu magiê, dẫn đến suy giảm chức năng phổi.
2.4. Omega-3:
Omega-3 có chức năng chống viêm mạnh mẽ, tác dụng hữu ích đối với các tình trạng viêm phổi như hen suyễn. Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy dùng với liều từ 3–6 gam mỗi ngày có thể giúp cải thiện các triệu chứng của một số bệnh lý hô hấp như hen suyễn. Bên cạnh đó, nồng độ cao omega-3 liên quan đến việc kiểm soát bệnh hen suyễn tốt hơn và ít phụ thuộc vào corticosteroid dạng hít. Omega 3 có nhiều trong các sản phẩm: dầu cá, dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt.
2.5. Vitamin E:
Vitamin E được chứng minh là giúp cải thiện chức năng phổi và một số triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ em và người lớn. Vitamin E có thể thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, sự phân hóa của các tế bào. Thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hạt hướng dương, các sản phẩm từ đậu nành, lúa mì, giá đỗ, rau mầm, rau chân vịt… Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra sử dụng quá nhiều vitamin E có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới khỏe mạnh. Vì vậy điều quan trọng là cần tham vấn các chuyên gia sức khỏe trước khi bổ sung vitamin E.
Bên cạnh dinh dưỡng và bổ sung các vitamin thiết yếu, các bài tập thở sẽ giúp tăng cường lượng không khí và giữ lại tại phổi lâu hơn, giúp cơ thể hấp thu đủ lượng oxy, làm giảm triệu chứng khó thở, nâng cao sức khỏe tại nhà. Trước tập, mọi người cần chọn một vị trí thoải mái, không khí trong lành.