VietGAP (Viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices) là một tiêu chuẩn hay quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành đối với từng nhóm sản phẩm, từng sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi. Để hiểu thêm về chủ đề này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. VietGAP là gì?
Căn cứ theo quy định vào khoản 2 Điều 2 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 06/2018/TT-BNNPTNT đã đưa ra cách hiểu về VietGAP như sau:
GAP là viết tắt của Good Agricultural Practices, Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, là tập hợp các tiêu chí do tổ chức, quốc gia, nhóm quốc gia ban hành hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động. VietGAP (Viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices) là một tiêu chuẩn hay quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành đối với từng nhóm sản phẩm, từng sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trong đó: Gap (Good Agricultural Practices) là bao gồm các tiêu chí do tổ chức, quốc gia hay nhóm quốc gia ban hành nhằm hướng dẫn cho người sản xuất áp dụng để bảo đảm cho sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Chứng nhận VietGAP là những hoạt động đánh giá và xác nhận của tổ chức chứng nhận VietGAP đối với các sản phẩm được sản xuất phù hợp với các tiêu chí và yêu cầu của VietGAP.
Cũng theo quy định tại các Thông tư hướng dẫn nêu trên, chứng nhận VietGAP được xem là hoạt động đánh giá, xác nhận của tổ chức chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm được sản xuất phú hợp với VietGAP.
2. Điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGap:
Để đạt được chứng nhận VietGAP theo Tiêu chuẩn quốc gia số TCVN 11892-1:2017 về Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) – Phần 1, trồng trọt, các tổ chức sản xuất cần đạt được 4 điều kiện sau thì mới có thể được cấp Giấy chứng nhận VietCAP:
Về kỹ thuật sản xuất: Đây được xem xét là điều kiện đầu tiên để được cấp chứng nhận VietGAP, bao gồm các tiêu chí: Phương thức canh tác, thu hoạch, những tiêu chuẩn về hạt giống, con giống, nguồn nước và nguồn đất.
Về môi trường làm việc: Môi trường làm việc cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn lao động theo quy định nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng sức lao động và bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe người lao động.
Về an toàn thực phẩm: Các cơ sở sản xuất cần đảm bảo chất lượng thực phẩm trong toàn bộ các khâu canh tác không bị ô nhiễm, không sử dụng các chất bảo quản, không chứa dư lượng kháng sinh và chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép theo quy định của pháp luật.
Về nguồn gốc sản phẩm: Toàn bộ sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc để đảm bảo chất lượng và giúp cho việc kiểm tra xuất xứ của sản phẩm.
3. Các hình thức đánh giá chứng nhận VietGAP:
Việc đánh giá chứng nhận VietGAP sẽ do tổ chức chứng nhận VietGAP đảm nhận và được nhà nước có thẩm quyền chỉ định. Căn cứ theo Điều 14 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT đã đưa ra các quy định về hình thức đánh giá chứng nhận VietGAP gồm:
– Đánh giá lần đầu: Áp dụng sau khi các cơ sở sản xuất ký kết hợp đồng chứng nhận VietGAP
– Đánh giá hành động khắc phục: Áp dụng sau khi đã được đánh giá nhưng vẫn chưa đủ điều kiện được cấp hoặc duy trình hoặc mở rộng giấy chứng nhận VietGAP
– Đánh giá lại: Áp dụng với cơ sở sản xuất yêu cầu được cấp lại giấy chứng nhận VietGAP
– Đánh giá giám sát định kỳ: Sau khi được cấp giấy chứng nhận VietGAP: Các cơ sở sản xuất sẽ được đánh giá giám sát định kỳ (Có báo trước) hoặc đột xuất (Không báo trước) và số lần đánh giá giám sát sẽ do tổ chức chứng nhận quyết định tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể để đảm bảo việc duy trì VietGAP của cơ sở sản xuất.
Lưu ý: Việt đánh giá đột xuất chỉ được thực hiện đối với một trong các trường hợp sau:
– Khi có khiếu nại về việc cơ sở sản xuất đã không tuân thủ theo các quy định của VietGAP.
– Khi có phát hiện các sản phẩm được chứng nhận VietGAP không còn đảm bảo được chất lượng và an toàn thực phẩm.
– Khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước.
4. Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận VietGAP:
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận VietGAP:
– Giấy đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP
– Sơ đồ hoặc bản đồ phân lô khu vực sản xuất; Bản thuyết minh về thiết kế, vị trí mặt bằng khu vực sản xuất bố trí và khu xử lý sau thu hoạch, sơ chế, bảo quản
– Kết quả kiểm tra nội bộ theo mẫu Phụ lục 03
– Nội dung quy trình sản xuất, sơ chế sản phẩm
– Giấy chứng nhận tập huấn kỹ thuật cho người lao động do Tổ chức đơn vị có thẩm quyền cấp;
– Các giấy tờ khác như: Kết quả phân tích; Bảng kê khai điều kiện sản xuất và sơ chế rau, củ quả và chè an toàn; bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp;
Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận VietGAP:
Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 7 trong Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT gồm các giấy tờ:
Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP theo mẫu được cung cấp trong Thông tư.
Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư (Bản sao có công chứng hoặc bản photo có kèm bản gốc để đối chiếu).
Sổ tay chất lượng được ban hành phù hợp với TCVN 7451: 2014, gồm có: Bản hướng dẫn hồ sơ đăng ký; trình tự, thời gian đánh giá, cấp, cấp lại, gia hạn, mở rộng phạm vi của giấy chứng nhận VietGAP; công tác giám sát sau chứng nhận; cảnh cáo, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận VietGAP; tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan khác.
Mẫu giấy chứng nhận VietGAP của tổ chức sản xuất có nội dung theo hướng dẫn tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT.
Danh sách các chuyên gia đánh giá theo mẫu được quy định tại Phụ lục IV của Thông tư kèm theo một bản sao của bằng hoặc chứng chỉ đào tạo dùng để chứng minh đáp ứng đủ các điều kiện quy định trong Khoản 1, 2 Điều 6 trong Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT.
Kết quả hoạt động chứng nhận đã được thực hiện trong lĩnh vực muốn đăng ký (Nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện cho các cơ quan cung cấp chứng nhận VietGAP được chỉ định quy định tại Điều 4 trong Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT.
Tổng cục Thủy sản: cấp chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực thủy sản
Cục Chăn nuôi: cấp chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi
Bước 3: Sau khi cơ quan chỉ định đã tiếp nhận hồ sơ sẽ xem xét và hướng dẫn tổ chức sản xuất bổ sung hoàn thiện hồ sơ (Nếu cơ sở sản xuất nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ (Nếu cơ sở sản xuất nộp qua bưu điện).
Bước 4: Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi hồ sơ hoàn thiện được nộp, cơ quan chỉ định sẽ thành lập đoàn đánh giá từ 3 đến 5 thành viên và tiến hành việc đánh giá theo đúng quy định tại Điều 9 trong Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT.
Bước 5: Sau khi đã đánh giá xong, đoàn đánh giá sẽ gửi báo cáo đánh giá về lại cho cơ quan chỉ định. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được báo cáo đánh giá, cơ quan chỉ định sẽ xem xét và đưa ra quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP.
5. Giấy chứng nhận VietGap có hiệu lực trong bao lâu?
Theo Điều 17 trong Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT có quy định giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực tối đa 02 năm kể từ ngày cấp và được gia hạn tối đa 3 tháng đối với trường hợp cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận nhưng không có nhu cầu tiếp tục đăng ký cấp lại sau khi hết hạn.