Lão Hạc là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn "Lão Hạc" của Nam Cao. Một nhân vật với cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu nhưng là một người cha yêu thương con hết mực. Bài viết dưới đây cung cấp cho độc giả đoạn văn về nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của Lão Hạc.
Mục lục bài viết
- 1 1. Dàn ý phân tích nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của Lão Hạc:
- 2 2. Viết đoạn văn về nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của lão Hạc ngắn gọn:
- 3 3. Viết đoạn văn về nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của lão Hạc súc tích:
- 4 4. Viết đoạn văn về nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của lão Hạc hay nhất:
- 5 5. Viết đoạn văn về nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của lão Hạc sâu sắc:
1. Dàn ý phân tích nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của Lão Hạc:
Mở bài:
– Giới thiệu đôi nét về tác giả Nam Cao: Sinh ra và lớn lên ở miền quê nên trong văn của ông thường nhắc tới những người nông dân. Qua văn của Nam Cao hình ảnh người nông dân Việt Nam Trước và sau cách mạng tháng Tám 1945 hiện lên rõ nét, chân thực nhất.
– Truyện ngắn “Lão Hạc” là một truyện ngắn hay mà nhà văn Nam Cao đã viết tặng người nông dân. Qua tác phẩm này tác giả muốn tố cáo tội ác của chế độ phong kiến.
Thân bài:
– Phác họa về hình ảnh Lão Hạc một người đàn ông hơn 60 tuổi cũng như bao người đàn ông nông dân Việt Nam
– Hoàn cảnh gia đình của nhân vật Lão Hạc như thế nào? Ông có những đặc điểm tính cách như thế nào?
Cuộc sống đói khổ lão ăn khoai, ăn hết khoai lão ăn củ chuối cái gì có thể ăn mà không chết thì lão ăn. Nhưng lão vẫn cầm cự được dù cái đói cái khổ luôn bủa vây xung quanh lão
– Phân tích tình cảm của Lão Hạc dành cho con chó của mình như thế nào? Lão thường gọi con chó bằng những tình cảm thương mến như cha đối với con.
Lão Hạc là mẫu người chuẩn mực về đạo đức trong xã hội lúc bấy giờ. Một xã hội tha hóa về đạo đức và lối sống người ta thờ ơ với nỗi đau của người xung quanh mình.
Hình ảnh Lão Hạc trong tác phẩm của Nam Cao – Phản ánh tội ác của xã hội, một xã hội mà bọn cường hào ác bá, bọn địa chủ chỉ nhăm nhăm vơ vét cho bản thân mình tìm cách cướp đoạt của người dân khốn khổ để thỏa mãn mình.
– Phân tích nguyên nhân cái chết của Lão Hạc, cần nói rõ được cái chết của lão là do xã hội xô đẩy lão đến bước đường cùng. Tố cáo tội ác của chế độ một lần nữa.
– Phân tích về con đường tìm cách chết của Lão Hạc trước lúc chết lão đi tìm bả chó lão tìm đến Binh Tư một tên chuyên trộm cắp vặt của người khác, để xin bả chó tự giải thoát mình.
– Khái quát nhân vật Lão Hạc cũng là người cha điển hình trong văn học Việt Nam bởi lão là người yêu thương con trai mình hết mực. Lão làm gì thì làm vẫn luôn nhớ tới đứa con đang ở nơi xa.
– Lão Hạc còn là người có lòng tự trọng, tự tôn rất cao, cũng là người biết tiên đoán mọi việc trước khi chết lão còn sang nhà thầy giáo gửi gắm thư từ giấy tờ nhà và tiền bạc.
– Tác giả Nam Cao đã viết một cách rất chân thành, mộc mạc, chính lối viết giản dị mộc mạc đó đã xây dựng hình tượng Lão Hạc vừa gần gũi người dân vừa không kém phần bi tráng. Bi tráng trong cốt cách của nhân vật, còn giản dị trong lối sống. Từ ngữ nhà văn sử dụng trong tác phẩm sinh động, ấn tượng, giàu tính tạo hình và hết sức gợi cảm.
Kết bài:
Qua nhân vật lão Hạc, nhà văn muốn lên án tội ác của chế độ cũ của chiến tranh đã làm con người Việt Nam khi đó một cổ hai tròng quá đáng thương.
Đồng thời nó cũng thể hiện cái nhìn nhân sinh quan của tác giả với cuộc sống đó là một cái nhìn giàu lòng nhân văn, nhân đạo biết chia sẻ với nỗi khốn khổ của người dân xung quanh mình.
2. Viết đoạn văn về nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của lão Hạc ngắn gọn:
Lão Hạc sở dĩ chết là bởi đã nhường hết của cải gia sản cho con. Ở trong con người lão chất chứa một tình thương yêu con cao cả, cũng bởi tình yêu ấy đã dồn lão Hạc vào bước đường cùng, đi đến cái chết trong nỗi bất lực. Vì vậy nên lão quyết không đụng vào khoản tiền bao năm tích cóp chỉ để dành cho con lấy vợ, lão kiếm được cái gì ăn nấy, đi đến lúc không có cái gì nữa mà ăn, có lẽ cũng là lúc cái chết đang lấp ló ở trong óc lão, lão sang nhà ông giáo xin gởi nhờ chút tài sản cho con lão. Xong xuôi hết mọi chuyện, lão Hạc bước đến hồi cuối của đời lão với việc xin ít bả chó để ăn. Qua tác phẩm người ta còn cảm nhận được lòng thương yêu con vô cùng đáng quý của lão Hạc, thương con đến nỗi sẵn sàng đánh đổi chính mạng sống của mình, để con có được một cuộc sống hạnh phúc.
3. Viết đoạn văn về nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của lão Hạc súc tích:
Lão Hạc – một người đàn ông hiền lành, nhân cách cao đẹp đã phải đón nhận một cái chết vô cùng đau đớn. Cái chết của lão xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Trước hết là bởi vì lão không muốn sống tiếp nữa, lão lo sợ rằng một mai sẽ phải đụng vào đống tài sản mà lão tích cóp suốt đời để dành tặng con trai. Và tiếp theo nữa là lão chết vì lão thấy xấu hổ, hối hận khi đã bán mất đi cả con vật mà mình yêu thương nhất. Qua cái chết của lão Hạc, người ta còn thấy được ở lão là một người cha đầy tình thương yêu con trai, chấp nhận đánh đổi chính mạng sống của mình chỉ mong con trai có được một cuộc sống tốt đẹp nhất. Không chỉ thế, lão Hạc là một con người có nhân cách cao đẹp, giàu lòng nhân ái. Cái chết của lão cũng chính là một cách mà lão giải thoát cái khổ của lão.
4. Viết đoạn văn về nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của lão Hạc hay nhất:
Cái chết của lão Hạc đã để lại trong lòng người đọc không biết bao nhiêu xót thương, một niềm cảm thông sâu sắc. Lão đi đến xin Binh Tư ít bả chó và nói rằng có con chó thường xuyên đến vườn nhà lão, một lý do đã khiến cho Binh Tư tưởng lầm lão là một con người vô cùng độc ác. Vậy nhưng hoá ra lão ăn thịt chó rồi tự kết liễu cuộc sống nhiều đau khổ của mình. Lão đã tìm đến cái chết còn hơn là sống trong hoàn cảnh đầy rẫy khổ đau, dằn vặt, bị đẩy vào bước đường cùng. Lão chết một cách vật vã, quằn quại đớn đau về thân xác nhằm chuộc lỗi với cậu Vàng. Chỉ có bằng cách duy nhất thế này lão mới không phải đụng đến khoản tiền bao năm tích cóp của đời lão để dành cho con trai. Cái chết của lão khiến ta nhận thấy một tình phụ tử hết sức thiêng liêng, cao quý. Lão chết vì đánh đổi lấy mạng sống cho thằng con trai đang làm đồn điền cao su, bởi lão còn sống ngày nào là lão còn dám suy nghĩ về miếng cơm, suy nghĩ về đồng tiền, dám đụng đến khoản tiền để dành cho con trai. Từ trước đến giờ, việc bố mẹ hi sinh của cải, sức khoẻ, tính mạng của mình để đánh đổi lại cho con một cuộc sống tốt đẹp nhất là không hiếm, nhưng lại cao quý được như lão Hạc mới thực là hiếm. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng quý: lão dù nghèo khổ nhưng vô cùng trong sạch, không hề từ chối bất cứ một sự trợ giúp nào từ vị ông giáo. Cái chết của lão đã nói đến hoàn cảnh hết sức khốn khổ của một người nông dân trước cách mạng: nghèo nàn, bệnh tật, đói khát, túng thiếu, v.v. Đồng thời, cái chết của lão cũng là lời tố cáo một hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến tàn khốc, dã man, đẩy những người lao động nghèo vào cuộc sống khổ cực, tối tăm. Nam Cao đã rất tài tình khi khai thác thành công hình tượng cái chết của lão Hạc nhằm làm bật lên giá trị hiện thực – nhân đạo của truyện.
5. Viết đoạn văn về nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của lão Hạc sâu sắc:
Cái chết của lão Hạc không phải bởi một lý do lãng xẹt, đen tối nào cả, mà đó lại là cái chết cao đẹp nhằm mang lại một tương lai tốt đẹp cho con trai của mình. Lão đã vô cùng cố gắng để sống từ ngày này sang ngày nọ, lão tìm thấy gì ăn nấy, hôm thì ăn khoai, hôm nải chuối, hôm sung luộc, hôm rau má, bữa nào đói lại có bữa trai, bữa ốc. Nhưng cuối cùng lão cũng chẳng thể nào tìm được cái gì mà ăn. Bi kịch của một đời người là như thế đó. Nếu nói rằng lão không muốn sống tiếp thì chả có lý gì lão lại tìm đủ cách mà ăn như thế. Lão đã tự sát ngay sau khi đã nhờ ông giáo trả lại mảnh đất cho con trai khi trở về. Dường như trong cuộc sống cực khổ, mỏi mòn ấy, lão lại cứ chờ đứa con trai trở về tới bên lão, lão muốn thấy mặt con trai. Nhưng chờ hoài, chờ mãi, cuối cùng lão cũng đã suy kiệt, không đủ sức mà tham gia vào cuộc sống kiếm tiền nuôi sống bản thân, không có cái ăn, lão buộc phải tìm đến cái chết. Lão không hề nhờ vào một sự trợ giúp cho dù là nhỏ nhất từ ông giáo. Đến ngay cả đồng tiền làm đám ma, lão cũng bán luôn cả người bạn đời cậu Vàng thân thiết, sau đó đưa cho ông giáo già làm đám tang cho mình. Cơ cực, khốn cùng đến mức như vậy, cái chết của lão cũng chính là lời kết tội đanh thép đối với một xã hội thực dân nửa phong kiến xấu xa, đua nhau bóc lột nhân dân ta, xô đẩy họ vào một cuộc sống hết sức tối tăm, cùng cực, khốn khổ.