"Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha, Cho trong chứ hiếu mới là đạo con". Bài ca dao trên để lại cho người đọc những giá trị ý nghĩa về nội dung và nghệ thuật nó mang lại về công ơn của người làm cha, làm mẹ.
Mục lục bài viết
- 1 1. Dàn ý cho bài cảm nhận về câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”:
- 2 2. Đoạn văn về câu ca dao ” Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay nhất:
- 3 3. Đoạn văn về câu ca dao ” Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” ý nghĩa nhất:
1. Dàn ý cho bài cảm nhận về câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”:
Mở bài:
– Dẫn đề về câu ca dao và ý nghĩa sâu sắc của nó.
Thân bài:
Giải thích cách so sánh hình ảnh thú vị giữa công cha và nghĩa mẹ được so sánh với các hình ảnh tự nhiên.
Công cha như núi Thái Sơn: Biểu đạt sự trường tồn, bền bỉ và vững chãi của công cha. Hình ảnh so sánh công cha với dãy núi Thái Sơn, biểu trưng cho sự kiên cường, độ lớn và quyền uy.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra: biểu hiện của nét hiền hậu, âm thầm và không biết đến giới hạn của tình yêu thương từ phía mẹ. So sánh tình yêu của mẹ với nguồn suối không ngừng chảy ra, biểu tượng mang lại cuộc sống và nuôi dưỡng cho con cái.
Kết bài:
– Khẳng định lại ý nghĩa to lớn của câu ca dao: lòng hiếu thảo và tình yêu thương vô điều kiện từ cha mẹ.
– Nhấn mạnh sự quan trọng của công cha và nghĩa mẹ trong cuộc sống và xã hội.
2. Đoạn văn về câu ca dao ” Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay nhất:
Ca dao, tục ngữ là nơi chứa đựng những thông điệp quý giá dành cho con người. Một trong số đó là câu ca dao:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Thực chất nguyên cả bài ca dao còn 2 dòng nữa đó là “Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Nhưng hầu hết mọi người khi được nghe hoặc được đọc thì đều ấn tượng với câu ca dao đầu tiên bởi những hình ảnh so sánh rất độc đáo: “Công cha với núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ với nước trong nguồn”. Trước hết, người ta lấy hình ảnh “núi Thái Sơn”, một hình ảnh cụ thể, to lớn, là ngọn núi lịch sử với kích thước cao lớn, đồ sộ, vững chãi nhất ở Trung Quốc được sử dụng làm nguyên liệu so sánh với “công cha”, một hình ảnh trừu tượng, vô hình. Tượng tự, hình tượng “nước trong nguồn”, hình ảnh so sánh cụ thể, hữu hình, nhẹ nhàng, là dòng nước tinh khiết nhất, mát lành nhất, dạt dào không bao giờ vơi để so sánh với “nghĩa mẹ”, cũng là một hình ảnh biểu tượng trừu tượng, hữu hình. Việc dân gian sử dụng cái trừu tượng, vô hình để ví von với cái cụ thể, hữu hình, nhằm cụ thể hóa mức độ của những hình tượng trừu tượng, từ đó ca ngợi công lao của cha mẹ. Mặc dù lấy cái đối trừu tượng, vô hình để so sánh với cái cụ thể, hữu hình nhưng mỗi khi nhắc đến đều khiến người đọc phải gật gù đồng ý vì thông điệp mà cha ông ta từ xua muốn gửi gắm đến con cháu qua câu ca dao. Tình cha vững chắc, bền chặt, tình mẹ dịu dàng, ngọt ngào và trong sáng. Ân nghĩa thật to lớn, sâu nặng biết mấy. Xuất phát từ công lao đó, ông cha ta khuyên mỗi chúng ta phải làm tròn chữ hiếu để bù đắp lại công ơn trời biển của cha mẹ.
Công cha nghĩa mẹ thật vĩ đại, bởi họ là người đã sinh ra và nuôi dưỡng ta. Không có cha mẹ thì không có chúng ta. Cha mẹ lại là người nuôi dưỡng ta từ khi ta mới chào đời cho đến khi ta trưởng thành mà không quản ngại khó khăn vất vả. Cha mẹ còn dạy dỗ ta nên người, dạy cho ta biết cách cư xử sao cho lịch sự, dạy cho ta đạo lí làm người, dạy cho ta cách làm lụng, cách tự chăm sóc cho bản thân, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ… Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất, tin cậy nhất, luôn dang tay mở rộng tình thương đối với các con. Cha mẹ cùng bên nhau sống trọn đời vì con, tạo lập niềm tin tưởng và nền móng vững chắc cho con vào ngưỡng cửa của cuộc đời. Và để thể hiện tấm lòng biết ơn đó, đôi khi đến từ những hành động rất đơn giản. Chúng ta phải luôn ngoan ngoãn và nghe lời cha mẹ, làm theo những điều cha mẹ dạy. Ta phải kính trọng hiếu thảo với cha mẹ luôn cố gắng học tập thật giỏi để vui lòng cha mẹ. Có như vậy mới là “đạo con”.
Tóm lại, bài ca dao là một lời răn dạy bổ ích. Chúng ta cần phải biết làm gì để luôn nhớ tới và trân trọng công lao to lớn của cha mẹ.
3. Đoạn văn về câu ca dao ” Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” ý nghĩa nhất:
Tình cảm gia đình, tình cảm giữa cha mẹ và con cái là một thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Nó nâng đỡ tâm hồn con người để mỗi chúng ta sống tốt hơn đẹp hơn và nó được thể hiện rõ trong câu ca dao sau:
” Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Câu ca dao đó là những lời nhắn nhủ ngợi ca về công cha nghĩa mẹ vô cùng to lớn, vĩ đại và từ đó câu ca dao là lời khuyên nhủ tới chúng ta về cái bài học về lòng hiếu thảo.
Từ xưa, người Việt Nam vốn trọng đời sống tình cảm, nhất là tình cảm gia đình. Vì vậy, chắc chắn không ai không biết đến bài ca dao đã trở thành lời ru quen thuộc từ bao đời nay: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra./ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” Nói về công lao của cha mẹ đối với con cái, câu ca dao trên đã đưa ra những hình ảnh giàu sức biểu cảm để so sánh và thông qua những hình ảnh vĩ đại như là núi Thái Sơn, như nước trong nguồn mới diễn tả hết công lao to lớn ấy. Thái Sơn là một ngọn núi cao nổi tiếng ở Trung Quốc, tượng trưng cho những gì lớn lao, vĩ đại. Khi so sánh “công cha như núi Thái Sơn” ông bà ta muốn nhấn mạnh công lao của người cha trong việc nuôi dạy con cái trưởng thành. Còn hình ảnh nước trong nguồn thì thể hiện tình yêu thương vô hạn của người mẹ đối với các con.
Người xưa đã ví công cha như ngọn núi cao nhất, còn nghĩa mẹ thì lại so sánh với nước trong nguồn bất tận. Đọc kỹ bài ca dao, ta sẽ ngạc nhiên trước sự tinh tế về cái cách người xưa đã phản ánh rất chính xác đặc điểm tâm lý và cách biểu hiện tình cảm của cha mẹ đối với con cái để từ đó chọn chữ và dùng hình ảnh so sánh cho hợp lý. Vì vậy, chữ “công” để nói về “cha”, chữ “nghĩa” để nói về “mẹ”. Cũng như hình ảnh “núi Thái Sơn” và “nước trong nguồn” tuy khác xa nhau nhưng đều phù hợp với vai trò và vị trí của mỗi người.
Công sinh thành của cha mẹ rất lớn. Không có cha mẹ thì không có các con, bất cứ một anh hùng hay vĩ nhân nào cũng đều được sinh ra từ cha mẹ mình. Cha mẹ là người đã dứt ruột sinh ra các con, đã chia sẻ một phần xương thịt để có để các con có mặt trên đời. Chính vì vậy, công ơn sinh thành của cha mẹ sánh ngang với núi cao biển sâu. Cha mẹ cũng chính là người nuôi dưỡng các con từ khi mới chào đời đến lúc trưởng thành. Người mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt lành. Cha mẹ thay nhau chăm sóc con mỗi khi trái gió trở trời. Cha mẹ ra sức làm lụng để nuôi các con khôn lớn. Từ khi con còn bé xíu cho đến khi con biết đi, rồi biết đọc, biết viết, biết nấu cơm quét nhà, biết làm lụng để tự nuôi thân đâu là đâu phải là chuyện ngày một ngày hai. Các con lớn dần lên cũng là lúc cha mẹ già yếu đi, cha mẹ đã dành cho đàn con tất cả tâm huyết và sức lực của mình.Không chỉ nuôi con lớn, cha mẹ còn dạy dỗ cho các con lên người. Cha mẹ dạy con bằng chính những việc làm những hiểu biết về đời sống về đạo làm người của mình. Sau này dù được thầy cô dạy dỗ, được người đời khuyên răn nhưng cha mẹ vẫn là người đầu tiên người thầy gần gũi nhất của các con. Thật hạnh phúc thay cho những đứa con được lớn lên trong tình yêu thương, trong vòng tay cha mẹ!
Vậy làm con phải đối xử với cha mẹ như thế nào để đền đáp được chữ Hiếu? Trong đời thường, lòng biết ơn cha mẹ được thể hiện qua những lời nói và việc làm cụ thể hàng ngày như cốc nước ân cần đưa cha mẹ khi cha mẹ đi làm nắng nôi mệt nhọc, bát cháo nóng hổi dành cho cha mẹ khi cha mẹ ốm mệt, sự cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của cha mẹ, là việc không đua đòi ăn diện quần áo. Điều quan trọng nhất đối với lứa tuổi học sinh là chúng ta phải phấn đấu học tập rèn luyện trở thành người con ngoan trò giỏi thành niềm vui niềm tự hào của cha mẹ, trở thành người có ích cho gia đình cho xã hội và là chỗ dựa đáng tin cậy cho cha mẹ lúc tuổi già. Câu ca dao luôn nhắc nhở mỗi người giữ trọn đạo làm con.