Trong bài thơ Mây và sóng của Ta-go với việc xây dựng lên một cuộc đối thoại giữa một cậu bé với những người ở trên mây và sóng đã cho thấy được tình cảm mẹ con thiêng liêng, cao quý của cậu bé đối với mẹ của mình. Dưới là những đoạn văn mẫu Cảm nhận về tình mẫu tử qua bài Mây và sóng. Mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Viết đoạn văn cảm nhận về tình mẫu tử qua bài Mây và sóng hay nhất:
Mẫu số 1:
Trong trái tim của mỗi con người tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao. Nhà thơ nổi tiếng Ấn Độ Ta-go đã thể hiện tình cảm thiêng liêng ấy qua những câu chuyện của một cậu bé kể về mẹ. Ở trong câu chuyện về mây rủ đi chơi xa, cậu bé luôn có khao khát được bay lên để được nhìn ngắm bình minh và ngắm nhìn vầng trăng trên bầu trời cao. Nhưng khi cậu bé nhận câu trả lời khi đến tận cùng của trái đất và đưa tay lên bầu trời thì cậu sẽ được nhấc bổng lên trên tận tầng mây. Cậu bé lúc này đã nghĩ đến mẹ của mình vì cậu nhận ra không thể vì theo đuổi thú vui của bản thân mà rời xa mẹ. Thay vào đó cậu bé đã chơi một trò chơi với mẹ là “Con là mây và mẹ sẽ là trăng”. Thay vì được theo đuổi thú vui đi xa đến tận chân trời góc bể, cậu bé đã lựa chọn được ở lại bên cạnh mẹ trong mái nhà ấm áp để cùng mẹ khám phá về thiên nhiên trời cao xanh thẳm. Chỉ cần nơi nào có mẹ thì nơi ấy con sẽ có được hạnh phúc và niềm vui. Và rồi khi cậu đứng trước biển cả bao la rộng lớn, cậu lại muốn mình trở thành con sóng, đi xa bờ biển và khám phá những điều mới lạ mà đại dương bao la mang đến. Nhưng cậu bé chợt nhận ra rằng vào buổi chiều mẹ luôn mong muốn mình sẽ ở nhà. Điều đó vừa là tình yêu tha thiết của người con dành cho đấng sinh thành vừa là trách nhiệm của người con khi nhớ đến lời dặn dò của mẹ. Cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, cậu cũng luôn mong rằng mẹ sẽ là bến bờ hay vầng trăng dịu mát để cho con có thể trở về trong vòng tay đầy tình yêu thương và ấm áp của mẹ. Không những vậy để cho con thủ thỉ những điều hay, những câu chuyện nhỏ, để được mẹ lắng nghe những lời thủ thỉ đó và sẻ chia tất cả đối với con. Đôi khi hạnh phúc bắt đầu bằng những điều gần gũi, giản dị, quen thuộc và thân thương đến như thế. Người đọc có thể thấy tác giả cũng muốn nhắn nhủ một chân lí không thể nào thay đổi được là không có điều gì có thể làm cho tình mẫu tử thay đổi được, đó chính là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và tồn tại vĩnh hằng.
Mẫu số 2:
Quả thực bài thơ “Mây và Sóng” của Ta-go đã đem đến cho người đọc về bài học sâu sắc thông qua tình mẫu tử thiêng liêng. Trong cuộc sống của con người tình mẫu tử là tình cảm vô cùng thiêng liêng cao đẹp. Một tiếng “mẹ” tưởng chừng đơn sơ ấy nhưng lại mang trong mình vô cùng ý nghĩa. Mẹ đã là người đã sinh ra con, đem lại cho con sự sống, và hơn tất cả mẹ còn là người nuôi dưỡng con, dạy dỗ con khôn lớn lên người bằng tất cả tình cảm yêu thương sâu đậm nhất của mẹ. Hãy thử hỏi rằng, ở trên thế gian này, còn điều gì quý giá hơn sự hi sinh của mẹ dành cho con? Trong suốt quãng thời gian chín tháng mẹ mang nặng đẻ đau, mong ngóng ấp ủ từng ngày chờ đến ngày con chào đời và ngắm nhìn thế giới bên ngoài, mẹ đã mang cả trái tim của mình hòa quyện vào từng nhịp thở của con. Và rồi, khi con sinh con ra, người mẹ càng phải trách nhiệm hơn khi phải gánh gồng thêm trên vai mình về một mối lo cơm áo gạo tiền lo cho cuộc sống của con được đầy đủ nhất có thể. Năm tháng cứ trôi qua, nỗi vất vả nặng dần trên đôi vai của mẹ, cùng với đó là tình yêu thương say đắm ngày càng trở nên lớn lao hơn bao giờ hết và tình cảm ấy không bao giờ vơi cạn. Mẹ luôn là người yêu thương, quan tâm, lo lắng cho đ con. Trong mắt mẹ con luôn là đứa trẻ bé bỏng chưa bao giờ lớn cả cần được mẹ yêu thương vỗ về. Chính vì vậy, mẹ dành cả cuộc đời của mình để hi sinh vì con mà không một lời oán trách. Mẹ đã hi sinh hết tất cả cuộc đời của mẹ để dành cho con những điều tuyệt vời nhất. Con chính là tất cả đối với mẹ, là nguồn sống và là động lực để cho mẹ cố gắng gồng gánh vất vả, chông gai của cuộc đời. Mẹ sẵn sàng làm hết tất cả miễn sao đổi lại được niềm vui cho con là mẹ đã cảm thấy hạnh phúc và yên lòng rồi. Cảm nhận được sự tình cảm yêu thương của mẹ, mỗi chúng ta cần phải có bổn phận hiếu thảo phụng dưỡng với cha mẹ, đó là đạo làm con mà mỗi chúng ta luôn phải ghi nhớ.
2. Đoạn văn cảm nhận về tình mẫu tử qua bài Mây và sóng ý nghĩa nhất:
Ta-go là một trong những nhà thơ hiện đại lớn nhất của nền thơ ca Ấn Độ. “Mây và sóng” là tác phẩm đã thể hiện lên tài năng của ông. Bài thơ đã thể hiện một tình mẫu tử thiêng liêng cao quý của hai mẹ con, thông qua hình ảnh của cuộc đối thoại giữa em bé với những người bạn ở trên mây và trong sóng. Đối với trẻ thơ các em luôn có khao khát muốn được khám phá thế giới xung quanh bao la rộng lớn, muốn được đi chơi xa. Khi được mời gọi đi “chơi với bình minh vàng/chơi với vầng trăng bạc” từ chơi từ những người trên mây “trên mây có người gọi”, em bé đã thể hiện sự háo hức muốn đi của mình bằng cách hỏi cách thức để được du hành. Sau khi em bé nhận được câu trả lời rằng để được đi chơi và khám phá thế giới thì “hãy đi đến tận cùng trái đất”, lúc đó em bé lại nghĩ về mẹ của mình. Em đã nghĩ mọi cách để từ chối vì nghĩ rằng mình không thể xa mẹ. Và em bé đã chọn ở lại với mẹ và chơi những trò chơi thú vị hơn cùng với mẹ: “con là mây và mẹ sẽ là trăng”. Thay vì đi chơi và khám phá ở những nơi xa xôi thì em bé lại chọn về bên mẹ và khám phá những điều hay ở ngay trong chính ngôi nhà mình sinh sống. Những nơi nào có mẹ thì ở những nơi đó đều có niềm vui và niềm hạnh phúc. Khi đứng trước biển, em bé lại được người trong sóng gọi mời em đi chơi, đi ngao du nơi này nơi nọ, điều đó đã khiến em hết sức tò mò cũng như hứng thú. Và khi em biết phải xa mẹ của mình để “đi tới rìa biển cả” thì em đã lựa chọn là nghe theo lời của mẹ và để không muốn mẹ phải buồn. Và em đã trở lại với vòng tay của mẹ và cũng cùng mẹ chơi những trò chơi về con sóng và bến bờ kì lạ. Qua đó cho thấy rằng tình yêu của em bé đối với mẹ là vô cùng tha thiết. Em đã chọn được sà vào lòng mẹ, được ôm mẹ, được chơi trò chơi cùng mẹ và khám phá những thú vui ngay trong nhà mình và em đã chọn bỏ qua hết tất cả những thú vui ở ngoài kia để làm việc đó. Điều đó cho ta thấy sức mạnh của tình mẫu tử sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sự cám dỗ của cuộc đời. Qua tác phẩm này, bằng những đoạn đối thoại và lời kể của em bé kết với những hình ảnh đẹp và ý nghĩa khi nói về thiên nhiên Ta-go đã ca ngợi về tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý và bất diệt của con người, không gì có thể thay đổi được.
3. Đoạn văn cảm nhận tình mẫu tử qua bài Mây và sóng ngắn gọn nhất:
Trong tác phẩm “Mây và sóng” của Ta-go với việc nhà văn dựng lên một cuộc đối thoại giữa một em bé với những người ở trên mây và sóng đã cho ta thấy được tình cảm mẹ con thiêng liêng, cao quý của em bé đối với mẹ của mình. Mở đầu là tiếng mời chào, vẫy gọi của người trên mây với em bé cùng mình đi ngao du để cùng nhau ngắm bình minh vàng và vầng trăng bạc. Khi được vẫy gọi em bé vô cùng vui mừng và háo hức muốn được đi cùng để chơi và khám phá thế giới. Nhưng em đã từ chối ngay lập tức khi em biết phải phải rời xa mẹ để đi tới nơi “tận cùng của trái đất”. Em bé không muốn rời xa mẹ của mình dù cho đó có là việc khiến em thích thú và muốn được đi như thế nào chăng nữa. Em bé đã trở về nhà với vòng tay mẹ, rồi chơi trò chơi “con là mây, và mẹ sẽ là trăng” cùng với mẹ và cùng mẹ khám phá những điều mới lạ trong chính ngôi nhà của mình. Rồi đến lần thứ hai khi em bé nhận được lời gọi mời từ những “người trong sóng” cùng đi ngao du “nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”. Khi nghe lời mời gọi em bé cũng vui mừng và thích thú vô cùng. Nhưng khi em biết phải đi tới “rùa biển cả” đồng nghĩa với việc phải rời xa mẹ của mình thì mới tới đó được thì em đã từ chối lời mời của những người trong sóng, vì em không muốn mẹ buồn lòng: “buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà”. Em bé đã trở về nhà, xà vào vòng tay của mẹ và cùng mẹ chơi trò chơi thú vị “con là sóng, và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ”, “con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”. Đối với em, những nơi có mẹ thì nơi đó đều có niềm vui và hạnh phúc. Dó đó mà em luôn từ chối mọi lời vẫy chào, mời gọi ngao du khám phá đầy hấp dẫn ngoài kia để trở về cùng mẹ, chỉ muốn được “ôm mẹ”, ” vỡ tan vào lòng mẹ”. Qua đó cho thấy em bé yêu mẹ mãnh liệt đến nhường nào. Thông qua cuộc đối thoại này nhà thơ Ta-go đã cho chính ta thấy tình yêu mà em bé với mẹ, cũng như tình mẫu tử thiêng liêng và tha thiết mãnh liệt đến nhường nào. Và thứ tình cảm ấy luôn ở trong mỗi con người chúng ta.