Nguồn lao động luôn là yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, nguồn lao động rất dồi dào, phong phú nhưng chất lượng nguồn lao động còn nhiều hạn chế. Bài viết sau đây sẽ lý giải lý do tại sao nguồn lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động, mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Vì sao nguồn lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế:
Vì sao nguồn lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế:
A. Nguồn lao động chưa thực sự cần cù chịu khó
B. tính sáng tạo của lao động chưa thực sự cao.
C. người lao động phần lớn còn thiếu kinh nghiệm.
D. công tác đào tạo lao động chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Đáp án: D.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế của nguồn lao động hiện nay. Trước hết, ở cấp độ vĩ mô, “đột phá” trong phát triển nguồn lao động chưa được thực hiện thông qua một chiến lược phát triển nguồn lao động quốc gia với hệ thống các chính sách, kế hoạch, chương trình hoạt động, bộ chỉ tiêu giám sát và đánh giá dựa trên những nguồn lực hiện có để đạt được cải thiện về cả số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực của quốc gia.
Trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc CMCN 4.0 diễn ra nhanh và mạnh mẽ trên toàn thế giới, cần làm tốt hơn công tác dự báo nhu cầu lao động, xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới. Vì vậy cần có những chính sách chuyên biệt trong việc đãi ngộ, nuôi dưỡng và thu hút nguồn lao động chất lượng cao được đào tạo trong nước và nước ngoài, thu hút và khuyến khích nguồn lao động trình độ cao từ các nước phát triển và du học sinh trở về để giải quyết các “bài toán” phát triển của Việt Nam. Trên quan điểm cung – cầu lao động, thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh dần theo thời gian để cân bằng thông qua mức tiền công, nhưng quá trình điều chỉnh này sẽ không phải tức thì vì liên quan đến thời gian đào tạo.
Trong một nền kinh tế với mức thu nhập đang ở mức trung bình thấp, người lao động gặp nhiều khó khăn về tài chính để đầu tư vào các chương trình đào tạo dài hạn, khi các doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư vào đào tạo nhân viên một cách cơ bản thì Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo phát triển nguồn lao động, đặc biệt khi lao động trong nền kinh tế hiện nay chủ yếu là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở khu vực không chính thức. Chính phủ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng chiến lược, cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động, nhưng trong kế hoạch thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân. Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.
Khi đó, hai động lực của tăng trưởng năng suất lao động quốc gia là tăng năng suất lao động nội ngành và dịch chuyển lao động giữa các ngành sẽ tương tác với nhau để duy trì một tốc độ tăng trưởng năng suất nhanh và bền vững hơn.
2. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động:
Cần liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp
– Hợp tác giữa Nhà trường – Doanh nghiệp để nâng cao chất lượng cũng đã được bàn nhiều. Trong những năm gần đây, vấn đề trường đại học “bắt tay” doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng được coi trọng với nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, vừa giúp sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay các yêu cầu của doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian phải đào tạo thêm, đào tạo lại.
Việc doanh nghiệp cùng tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và đánh giá người học, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đưa sinh viên đến các doanh nghiệp thực tập và sử dụng sinh viên tốt nghiệp là bước đi cụ thể trong việc thực hiện triết lý giáo dục và khẳng định trách nhiệm của trường đại học đối với người học và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội. Liên kết chặt chẽ hơn giữa trường đại học và doanh nghiệp chính là phương thức giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn, qua đó chỉ rõ trách nhiệm của các trường cũng như doanh nghiệp để quá trình liên kết này ngày càng đi vào thực chất và có hiệu quả.
Trường đại học cần dịch chuyển quá trình đào tạo từ tiếp cận nội dung sang đào tạo theo tiếp cận năng lực với định hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp, trường đại học cần xác định vai trò là đơn vị chủ trì, doanh nghiệp đóng vai trò là đơn vị phối hợp, chịu trách nhiệm tham gia tổ chức, quản lí, phục vụ cho quá trình đào tạo, sử dụng sản phẩm đào tạo… Sự liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp cần được thực hiện theo các cơ chế linh hoạt và mềm dẻo, mang lại lợi ích thiết thực, mang lại giá trị lâu dài cho các bên tham gia trên con đường hiện thực hóa triết lý “muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
Chủ động đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số
– Việt Nam được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số đến mức độ nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu nhân lực trong thời kỳ chuyển đổi số, và chính trên khía cạnh này chúng ta đang thua kém các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực.
Trong quá trình này, sự đổi mới của hệ thống giáo dục – đào tạo, với việc thay đổi từ cách thức quản lý giáo dục, phương pháp dạy, giáo trình dạy và cả những môn học mới gắn chặt với số hóa đóng vai trò quan trọng. Kỹ năng số phải được cập nhật trước tiên cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, và cần được giới thiệu tới lứa tuổi trẻ hơn, từ cấp mầm non và nâng dần mức độ cho các lứa tuổi và cấp độ học cao hơn.
Ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở cho tất cả người dân để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục thông qua công nghệ số.
3. Bài tập về nguồn lao động Việt Nam:
Câu 1: Đặc điểm nào sau đây đúng với nguồn lao động nước ta:
A. Dồi dào, tăng nhanh
B. Tăng chậm
C. Hầu như không tăng
D. Dồi dào, tăng chậm
Nguồn lao động ở nước ta có đặc điểm: rất dồi dào, đang tăng nhanh, cần cù và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Đáp án: A.
Câu 2: Thế mạnh của lao động Việt Nam là:
A. Có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
B. Có khả năng tiếp thu khoa học kĩ thuật.
C. Chất lượng nguồn lao động đang được cải thiện.
D. Cả A, B, C, đều đúng.
Mặt mạnh của lao động Việt Nam là có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông – lâm – ngư – nghiệp, có khả năng tiếp thu khoa học kĩ thuật và chất lượng nguồn lao động đang ngày càng được cải thiện.
Đáp án: D.
Câu 3: Mỗi năm bình quân nguồn lao động nước ta có thêm:
A. 0,5 triệu lao động
B. 0,7 triệu lao động
C. Hơn 1 triệu lao động
D. gần hai triệu lao động
Nguồn lao động của nước ta được bổ sung hàng năm và trung bình hơn 1 triệu lao động mỗi năm.
Đáp án: C.
Câu 4: Nguồn lao động nước ta còn có hạn chế về:
A. Thể lực, trình độ chuyên môn và tác phong lao động.
B. Nguồn lao động bổ sung hàng năm lớn.
C. Kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.
D. Khả năng tiếp thu khoa học – kỹ thuật.
Nguồn lao động nước ta còn có hạn chế về thể lực, trình độ chuyên môn và tác phong lao động chuyên nghiệp trong thời đại công nghiệp hóa.
Đáp án: A.
Câu 5: Cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng:
A. Giảm tỉ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp, tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng.
B. Tăng tỉ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp, tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ giảm.
C. Giảm tỉ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp, tỉ trọng ngành dịch vụ tăng.
D. Tăng tỉ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp, tỉ trọng ngành dịch vụ tăng.
Cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế đang có sự chuyển dịch tích cực dưới sự tác động của quá trình CNH-HĐH, theo hướng giảm tỉ trọng lao động trong ngành nông- lâm- ngư nghiệp và tăng tỉ trọng lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ.
Đáp án: A.
Câu 6: Để giải quyết vấn đề việc làm không cần có biện pháp nào?
A. Phân bố lại dân cư và lao động.
B. Đa dạng các hoạt động kinh tế ở nông thôn.
C. Đa dạng các loại hình đào tạo.
D. Chuyển hết lao động nông thôn xuống thành thị.
Một số biện pháp giải quyết vấn đề việc làm ở nước ta hiện nay là: Phân bố lại dân cư và lao động, đa dạng các hoạt động kinh tế ở nông thôn, đa dạng các loại hình đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Đáp án: D.
THAM KHẢO THÊM: