Để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên hầu hết mọi lĩnh vực. Tùy thuộc vào từng mức độ vi phạm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành xử phạt. Trong đó, vi phạm hành chính là hành vi thường xảy ra nhất hiện nay.
Mục lục bài viết
1. Vi phạm hành chính là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vi phạm hành chính là những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức do ý chí chủ quan hoặc một số lý do khách quan khác. Căn cứ theo Văn bản hợp nhất
“Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.”
Và việc xử lý vi phạm hành chính là việc mà người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, vi phạm hành chính là các hành vi do lỗi cố ý hay vô ý của các cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi bị cấm, và việc vi phạm này sẽ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử phạt tại chỗ hoặc gửi
Vi phạm hành chính dịch sang tiếng Anh có nghĩa là: Administrative Violations
Các cụm từ liên quan:
- Xử lý vi phạm hành chính: Handle administrative Violations
- Phạt tiền: Pecuniary
- Phạt cảnh cáo: Caution
2. Đặc điểm của vi phạm hành chính:
Các hành vi này có thể được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức vi phạm quy định theo lỗi cố ý hoặc vô ý về các quy định quản lí nhà nước mà không phải tội phạm và sẽ bị xử lí vi phạm theo quy định.
– Thứ nhất, vi phạm hành chính là hành vi trái pháp luật xâm hại các quy tắc quản lí nhà nước.
Các hành vi trái pháp luật quản lí hành chính được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động, tức là chủ thể thực hiện những hành vi mà pháp luật ngăn cấm hoặc không thực hiện các hành vi bắt buộc phải thực hiện. Sẽ không có vi phạm hành chính nếu không có hành vi trái pháp luật xâm phạm các quy tắc này. Nhiều cá nhân cho rằng chỉ cần mình không thực hiện những hành vi pháp luật cấm là đã chấp hành tôt pháp luật, đây là một cách nghĩ sai lầm, vì có nhiều hành vi ở trong tình huống đó bắt buộc bạn phải làm nếu không sẽ bị xử phạt theo đúng với quy định của pháp luật.
– Thứ hai, tính có lỗi của hành vi vi phạm hành chính, do chủ thể có năng lực trách nhiệm hành chính thực hiện.
Đây là yếu tố quan trọng trong yếu tố xác định mặt chủ quan của hành vi, thể hiện ý chí của người thực hiện. Lỗi trong vi phạm hành chính được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
+ Lỗi cố ý thể hiện ở nhận thức của chủ thể có hành vi biết được tính chất nguy hại của hành vi của mình, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện và mong muốn điều đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
+ Lỗi vô ý thể hiện ở chủ thể thực hiện hành vi không nhận thức được tính chất nguy hại của hành vi đó mặc dù có thể hoặc cần phải nhận thức được hoặc nhận thức được nhưng cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hậu quả.
– Thứ ba, vi phạm hành chính phải bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Luật xử lí vi phạm hành chính là khung pháp lí cơ bản và chi tiết trong việc điều chỉnh việc xử lí vi phạm hành chính. Trong nguồn luật này đặt ra các nguyên tắc xử lý vi phạm; các biện pháp xử lý vi phạm; các đối tượng bị xử lý vi phạm;…
Việc xử lý vi phạm hành chính được cụ thể hóa ở các văn bản pháp luật khác quy định từng lĩnh vực cụ thể khác nhau như: giao thông đường bộ; hàng hải; an ninh trật tự, an toàn xã hội; dầu khí, kinh doanh dầu khí;…
Một hành vi vi phạm hành chính sẽ bao gồm các đặc điểm trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ dựa vào các đặc điểm nêu trên để định khung hình phạt phù hợp với từng hành vi. Dù cho hành vi vi phạm xuất phát từ bất kì lý do gì nhưng đã gây thiệt hại và có tính chất nguy hiểm cho xã hội thì đều sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
3. Các hình thức xử lý vi phạm hành chính:
Hiện nay việc xử lý vi phạm hành chính sẽ bao gồm các hình thức xử lý như sau:
– Phạt cảnh cáo;
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
– Phạt tiền;
Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Văn bản hợp nhất
Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.
– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Đình chỉ hoạt động là áp dụng một khoản thời gian cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính khi thuộc các trường hợp đình chỉ theo quy định.
– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện đã được sử dụng để vi phạm hành chính;
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
– Trục xuất
Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó hình phạt cảnh cáo và phạt tiền được quy định là hình phạt chính. Còn các hình phạt còn lại có thể được quy định là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung.
4. Các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính:
Thứ nhất, đối với nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;
- Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thứ hai, đối với nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:
- Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định sau đây:
- Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
- Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;
- Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
- Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
- Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
- Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đều phải tuân theo các nguyên tắc do pháp luật đề ra. Trong trường hợp cá nhân hay tổ chức tiến hành xử phạt và áp dụng biện pháp xử lý không đúng với quy định sẽ phải chịu trách nhiệm do chính hành vi của mình. Đồng thời việc quy định các nguyên tắc cũng giúp cho các đối tượng vi phạm biết được hậu quả pháp lý khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật từ đó sẽ có những hành vi phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết:
- Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính;