Vi phạm đạo đức là gì? So sánh vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức?

Quan hệ xã hội được thiết lập trên nền tảng của pháp luật và đạo đức - hai yếu tố này luôn đi kèm với nhau. Pháp luật và đạo đức luôn có sự tác động qua lại với nhau, bổ trợ cho nhau để nhằm mục đích điều chỉnh hành vi của con người trong đời sống xã hội:

1. Vi phạm đạo đức là gì?

Đạo đức là một từ Hán Việt, từ xa xưa được dùng để chỉ tính cách cũng như giá trị của một con người. Đạo là con đường, đức là tính tình tốt đẹp. Nói một người có đạo đức là ý chỉ người đó có sự dày công rèn luyện lối sống chuẩn mực, đời sống tâm hồn, tinh thần trong sáng, đẹp đẽ.

Chuẩn mực đạo đức được hiểu là tổng hợp các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với mỗi cá nhân hay nhóm xã hội, trong đó xác định những quan điểm, quan niệm chung về cái Đúng – cái Sai; cái Tốt – cái Xấu; Chân – thiện – mỹ; công bằng – bất công;… xác định ít nhiều sự chính xác về tính chất, mức độ, phạm vi, giới hạn của cái có thể, cái được phép, cái không được phép hay cái bắt buộc phải thực hiện trong hành vi xã hội của mỗi người, nhằm đảm bảo sự ổn định, giữ gìn trật tự, kỉ cương của xã hội

Ngoài ra, mở rộng hơn đạo đức từ trước đến nay tồn tại từ rất lâu, trong các giai đoạn của lịch sử. Đạo đức là nền tảng, cội nguồn của sự phát triển rộng hơn của cả cộng đồng, của cả dân tộc.

Và từ khái niệm, phân tích về đạo đức như trên, suy luận ra vi phạm đạo đức là những hành vi đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức, không tuân thủ theo những quy tắc đạo đức xã hội, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc, của đất nước Việt Nam từ trước đến nay.

2. Vi phạm pháp luật là gì? 

Vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi làm trái quy định của pháp luật, có yếu tố lỗi và do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện. Từ đó hậu quả của vi phạm pháp luật xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Hiện nay, theo pháp luật hiện hành có những loại vi phạm pháp luật, bao gồm:

– Vi phạm pháp luật về hình sự:

Vi phạm pháp luật về hình sự hay còn gọi là tội phạm. Theo Khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015, quy định về tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

– Vi phạm pháp luật hành chính:

Vi phạm pháp luật hành chính được hiểu là hành vi trái với quy định của pháp luật về các quy định trong quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Và theo quy định của pháp luật hành vi có lỗi này sẽ phải bị xử lý vi phạm hành chính và áp dụng những biện pháp bổ sung khác.

– Vi phạm pháp luật dân sự:

Vi phạm pháp luật dân sự là hành vi trái pháp luật do người có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm phạm đến các quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân gồm quan hệ nhân thân gắn liền với tài sản, quan hệ nhân thân phi tài sản. Chủ thể vi phạm thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trong một mối quan hệ pháp luật dân sự

– Vi phạm kỷ luật:

Là hành vi vi phạm những nội quy, điều lệ mà đơn vị cơ quan, tổ chức đặt ra. Ví dụ trong nội quy của công ty đưa ra quy định thứ hai đầu tuần một văn phòng làm việc sẽ mặc đồng phục sơ mi trắng nhưng có người lại mặc áo phông không cổ. Việc đó được coi là vi phạm kỷ luật của công ty, văn phòng.

3. So sánh vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức?

Điểm giống nhau: 

– Vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức đều là hành vi làm trái, đi ngược lại chuẩn mực, quy tắc xử sự chung

– Hành vi vi phạm đó đều xuất phát từ việc có lỗi của chủ thể thực hiện hành vi

Điểm khác nhau: 

Chủ thể thực hiện: 

– Vi phạm đạo đức: có thể là mọi chủ thể, không phân biệt tuổi tác hay trách nhiệm pháp lý

– Vi phạm pháp luật: chủ thể phải là người có năng lực trách nhiệm pháp lý, có nhận thức rõ  và phải biết hành vi của mình là sai nhưng vẫn thực hiện. Đặc biệt trong lĩnh vực hình sự còn quy định cụ thể về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tùy từng tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

Khách thể xâm phạm:

– Vi phạm đạo đức: hành vi này xâm phạm đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của một cộng đồng, dân tộc

– Vi phạm pháp luật: hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước; xâm phạm đến các quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự

Chế tài xử lý:

– Vi phạm đạo đức: quan trọng nhất là từ lương tâm, nhận thức của mỗi cá nhân. Bởi vì vi phạm đạo đức nếu không có dấu hiệu đủ là hành vi vi phạm pháp luật thì Nhà nước không có chế tài xử theo luật. Mà hành vi vi phạm đạo đức chịu sự điều chỉnh của chính Tòa án lương tâm trong mỗi con người

– Vi phạm pháp luật: người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu các hình phạt, biện pháp xử lý gồm: xử lý vi phạm hành chính tức là phạt tiền và áp dụng các biện pháp xử lý bổ sung; truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tiền, phạt án tù…)

Cơ quan xử lý hành vi vi phạm:

– Vi phạm đạo đức: vì không có chế tài xử lý nên sẽ không có cơ quan quản lý

– Vi phạm pháp luật: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tương ứng trong các lĩnh vực vi phạm pháp luật là dân sự, hành chính hay hình sự

Phân loại hành vi vi phạm: 

– Vi phạm đạo đức: không có

– Vi phạm pháp luật: phân loại gồm các hành vi vi phạm sau:

+ Vi phạm hình sự

+ Vi phạm dân sự

+ Vi phạm hành chính

+ Vi phạm kỷ luật

4. Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật:

Đạo đức được coi là nền tảng, là cội nguồn của cách ứng xử cũng như chuẩn mực của mỗi cá nhân, công đồng, dân tộc. Có thể thấy pháp luật được ban hành dựa trên những chuẩn mực đạo đức, những tập quán lặp đi lặp lại được con người chấp nhận và thừa nhận. Mối quan hệ của pháp luật và đạo đức là mối quan hệ hữu cơ, bổ sung và bổ trợ cho nhau để tạo nên sự điều chỉnh mạnh mẽ đối với hành vi của con người.

Cả đạo đức và pháp luật là công cụ để đảm bảo lợi ích của con người, có tác dụng điều chỉnh quan hệ xã hội, giáo dục con người hướng đến việc thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội

Bên cạnh sự thống nhất trong mục đích chung thì giữa đạo đức và pháp luật vẫn có những điểm khác biệt. Pháp luật được thể hiện dưới dạng là luật được ban hành, các nghị định, các quyết định,… Và cơ quan xây dựng nên các quy định của luật là cả bộ máy lập pháp, là cơ quan nhà nước ban hành. Còn đạo đức không có bất kỳ biện pháp bảo đảm thực hiện nào từ phía cơ quan Nhà nước và chưa mang tính nghiêm khắc, răn đe như quy định khi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải vì thế mà sự điều chỉnh của đạo đức lại không đạt được hiệu quả cao. Nhiều khi trong các tình huống, sự việc, đạo đức đóng vai trò rất lớn trong việc giáo dục, cảm hóa con người. Tòa án lương tâm là thứ vô hình nhưng mang sức mạnh vô cùng to lớn, đánh thẳng vào phần “Người” của mỗi cá nhân và làm họ thức tỉnh cái gì đúng, cái gì sai; cái gì được làm và không được làm.

Đạo đức có sự tác động trở lại với pháp luật. Đạo đức là nền tảng dựng xây nên các quy định của pháp luật. Bởi đạo đức là yếu tố không thể thiếu của mỗi con người và của một xã hội, dân tộc. Do đó có thể thấy, chuẩn mực đạo đức có vai trò làm định hướng cho các nhà lập pháp trong việc xác định tội danh hay đưa ra các quy định về pháp luật một cách đúng đắn và hợp lý nhất.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )