Nguồn chứng cứ là một trong những yếu tố hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết sao cho đảm bảo quyền lợi của cá nhân tổ chức đang yêu cầu giải quyết tranh chấp. Để có thể được sử dụng làm chứng cứ thì cũng phải đảm bảo những điều kiện nhất định. Vậy vi bằng có thể được xem là chứng cứ hay không?
Mục lục bài viết
1. Vi bằng có thể được xem là chứng cứ hay không?
Lập vi bằng không còn thuật ngữ quá xa lạ đối với các cá nhân khi mong muốn ghi nhận sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc. Căn cứ theo Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì nội dung quy định cụ thể về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng như sau:
– Cá nhân có thể thực hiện lập vi bằng đó là các cá nhân đáp ứng các điều kiện để trở thành Thừa phát lại, haotj động này với mục đích là ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.
– Cũng trong nội dung quy định này thì cá nhân khi lựa chọn lập vi bằng thì giá trị của văn bằng này sẽ không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác;
– Đặc biệt pháp luật đã khẳng định: vi bằng là nguồn chứng cứ quan trọng để các bên có tránh chấp có thể cung cấp thêm cho Tòa án xem xét, việc này hỗ trợ cho quá trình giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; Đồng thời là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
– Khi tiếp nhận vi bằng được cung cấp với vai trò là bằng chứng thì khi đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.
Bên cạnh đó, tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng đã có các nội dung quy định về nguồn của chứng cứ bao gồm:
+ Cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử để cung cấp làm chứng cứ hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của mình;
+ Vật chứng cũng là một trong các nguồn chứng cứ;
+ Bên cạnh đó, lời khai của đương sự cũng có thể sử dụng làm nguồn chứng cứ;
+ Pháp luật cũng ghi nhận cả lời khai của người làm chứng, cũng như trong một số trường hợp mà có tiến hành giám định thì kết luận giám định cũng có giá trị sử dụng;
+ Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
+ Có thể kể đến kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
+ Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
+ Văn bản được các bên lập với nhau và đem đi công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền;
+ Cuối cùng là các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, việc cá nhân lập vi bằng cũng có thể được đem ra sử dụng như nguồn chứng cứ xác thực quyền lợi của mình đang bị vi phạm. Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền sẽ căn cứ dựa trên văn bằng này và các loại chứng cứ khác để giải quyết vụ việc dân sự và cả vụ việc hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện để được chấp thuận là chứng cứ trong vụ án dân sự?
Mặc dù pháp luật đã ghi nhận các nguồn chứng cứ được cho là hợp pháp hỗ trợ cho quá trình giải quyết những tranh chấp nhưng không phải những nguồn chứng cứ này khi được giao nộp cũng sẽ được sử dụng. Bởi, để sử dụng những nguồn này thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét đến nguồn gốc, cách thức thu thập, và nhiều yếu khác. Chính vì vậy, để thống nhất điều kiện được coi là chứng cứ thì pháp luật đã có quy định cụ thể tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
– Để được coi là chứng cứ thì những điều này phải có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định;
– Quan trọng nhất là được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Như vậy, vi bằng được xem là một trong những nguồn của chứng cứ nhưng để được đưua sử dụng vào trong quá trình giải quyết thì cũng cần có những điều kiện đã phân tích trong bài.
3. Để lập vi bằng thì cần thực hiện những bước nào?
Nội dung liên quan đến thủ tục lập vi bằng sẽ được ghi nhận tại Điều 39 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, theo đó:
– Thừa phát lại khi nhận yêu cầu lập vi bằng thì phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Những nội dung thể hiện trong vi bằng phải ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng;
+ Yêu cầu đối với người yêu cầu thì phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp;
+ Trách nhiệm của Thừa phát lại khi lập vi bằng đó là ghải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng;
+ Để hoàn tất được thủ tục này thì vi bằng cần phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
– Khi đã lập thành công vi bằng thì cần gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng; Bên cạnh đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
– Sở Tư pháp khi tiếp nhận và ghi vào sổ đăng ký vi bằng sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;
– Liên quan đến quy định về chi phí để lập vi bằng:
Theo quy định tại Điều 64 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì cá nhân cần lưu các nội dung sau:
+ Hoạt động xác nhận chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc;
+Theo quy định thì chi phí để lập vi bằng sẽ được Văn phòng Thừa phát lại quy định và niêm yết công khai chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính.
Ngoài việc dựa trên cơ sở chi phí đã niêm yết, người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận thêm về chi phí thực hiện theo công việc hoặc theo giờ làm việc và các khoản chi phí thực tế phát sinh bao gồm: Chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác (nếu có).
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
– Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
THAM KHẢO THÊM: