Về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự được hướng dẫn như sau.
Về một số tình tiết định khung hình phạt theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em như sau:
Điều 5. Về một số tình tiết định khung hình phạt
1. “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp người phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em từ 05 lần trở lên, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự (05 lần mua bán trẻ em trở lên, 05 lần đánh tráo trẻ em trở lên hoặc 05 lần chiếm đoạt trẻ em trở lên), nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích và người phạm tội lấy các lần mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em làm nguồn sống chính. Đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng “đối với nhiều trẻ em”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “có tính chất chuyên nghiệp”.
2. “Vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp phạm tội với động cơ đê tiện, thấp hèn, ích kỷ, thể hiện sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát. Người phạm tội nhằm mục đích trả thù, hoặc để khống chế nạn nhân và gia đình, người thân của nạn nhân phục vụ cho mưu đồ của mình.
3. “Đối với nhiều trẻ em” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt từ 02 trẻ em trở lên (mua bán từ 02 trẻ em trở lên; đánh tráo từ 02 trẻ em trở lên; chiếm đoạt từ 02 trẻ em trở lên) trong cùng một lần phạm tội hoặc trong các lần phạm tội khác nhau.
4. “Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em nhằm lấy một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của trẻ em đó.
5. “Để đưa ra nước ngoài” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em để đưa nạn nhân ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, kể cả trong trường hợp nạn nhân chưa bị đưa ra nước ngoài nhưng có căn cứ xác định người phạm tội có ý định đưa nạn nhân ra nước ngoài.
6. “Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em để sử dụng vào mục đích tàn ác, dã man như: để dùng vào việc làm thí nghiệm; buộc trẻ em phải lao động cực nhọc, đi ăn xin để lấy tiền; để quay phim, chụp ảnh, vẽ tranh ảnh khiêu dâm, đồi truỵ hoặc các hành vi tương tự khác.
7. “Để sử dụng vào mục đích mại dâm” quy định tại điểm h khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán dâm (như: mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em rồi buộc các em phải bán dâm hoặc đưa các em đến các ổ mại dâm…).
8. “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điểm k khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến việc nạn nhân bị chết (nạn nhân uất ức mà tự sát; nạn nhân bị ốm, bị bệnh tật hoặc không được chăm sóc chu đáo nên đã chết);
b) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến việc nạn nhân bị mắc các bệnh truyền nhiễm, nan y như: AIDS, giang mai v.v…;
c) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến hậu quả là không xác định được nạn nhân đang ở đâu tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến việc thân nhân của nạn nhân tuyệt vọng, đau buồn mà chết hoặc tự sát hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đã được hướng dẫn trên đây, có thể còn có hậu quả phi vật chất, như gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong các trường hợp này, phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Tình tiết giảm nhẹ đối với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
– Tình tiết giảm nhẹ đối với tội cố ý gây thương tích
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí