Quan hệ dân sự có thể nói là quan hệ đa dạng, phong phú nhất trong đời sống. Vì thế mà Bộ luật dân sự ra đời như một công cụ thiết yếu để điều chỉnh hai loại quan hệ chính của quan hệ dân sự, đó là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Bài viết này sẽ đi vào phân tích về vật và việc phân loại vật.
Mục lục bài viết
1. Vật là gì?
Vật là một bộ phận của thế giới vật chất, theo nghĩa rộng bao gồm cả động vật, thực vật. Vật hiểu theo khái niệm vật lý tồn tại dưới trạng thái (rắn, lỏng, khí)). Hiểu theo khái niệm pháp lý, vật là tài sản và tài sản là vật hữu hình. Tuy nhiên, không phải mọi vật chất đều được coi là tài sản trong giao dịch dân sự. Vì vậy, nước suối, nước sông, nước biển, không khí trong tự nhiên…không được coi là tài sản. Nếu những vật này con người chiếm hữu được sẽ là tài sản như nước suối đóng chai, nước mưa trong bể,…
Như vậy, muốn trở thành vật trong dân sự phải thỏa mãn những điều kiện sau:
+ là bộ phận của thế giới vật chất;
+ con người chiếm hữu được;
+ mang lại lợi ích cho chủ thể;
+ có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai.
Vật trong tiếng Anh là “object”.
2. Phân loại vật theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 :
Việc phân loại vật có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập, thực hiện quyền sở hữu trong giao kết và thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại (thừa kế, mua bán, cho thuê, hoặc các hành vi pháp lý đơn phương khác). Việc phân loại vật dựa trên các tiêu chí khác nhau như tính chất của vật, đối tượng của quan hệ dân sự,…
2.1. Vật chính và vật phụ:
Điều 110
– Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng.
– Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính.
– Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, vật chính có thể là một vật hoặc nhiều vật liên kết với nhau thành một vật có công dụng chung. Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng sử dụng của vật. Vật chính được sử dụng mà không cần có vật phụ.
Ngược lại, vật phụ là vật phục vụ trực tiếp cho việc khai thác công dụng của vật chính. Ví dụ: máy ảnh là vật chính, vỏ máy ảnh là vật phụ; máy quạt là vật chính, mô-tơ của quạt là vật phụ,…
Khi chuyển giao vật chính thì bắt buộc phải chuyển cả vật phụ nhằm để khai thác công dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Ví dụ: chiếc tivi là vật chính, điều khiển tivi là vật phụ. Tuy nhiên, khi chuyển giao quyền sở hữu chiếc tivi thì các bên có thể thỏa thuận không phải chuyển giao điều khiển tivi.
2.2. Vật chia được và vật không chia được:
Điều 111 Bộ luật dân sự 2015 quy định về vật chia được và vật không chia được như sau:
– Nếu một vật khi bị phân chia mà vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu thì vật đó là vật chia được. Ví dụ: gạo, xăng, dầu,… là những vật có thể phân chia thành nhiều phần mà vẫn giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu của nó.
Đối với vật chia được thì có thể phân chia thành những phần bằng nhau hay theo những tỷ lệ do các bên thỏa thuận. Dù phân chia theo cách nào thì các phần đã phân chia đều sử dụng đúng các tính năng và công dụng ban đầu của vật.
– Còn những vật mà khi phân chia sẽ mất đi hoặc không giữ được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu thì gọi là vật không chia được (ví dụ như bàn, ghế, xe máy, tivi,…). Trường hợp phân chia tài sản là vật không chia được thì định giá thành tiến để phân chia.
2.3. Vật tiêu hao và vật không tiêu hao:
Điều 112 Bộ luật dân sự 2015 quy định về vật tiêu hao và vật không tiêu hao như sau:
– Đối với những vật qua sử dụng mà mất đi hoặc không còn giữ nguyên được hình dáng, tính chất và tính năng sử dụng ban đầu (vật có thể bị giảm về số lượng, chất lượng, trọng lượng khác) thì gọi là vật tiêu hao. Ví dụ: xà phòng qua một lần sử dụng bị giảm trọng lượng; xi măng, vôi qua sử dụng sẽ biến thành vật khác hay thực phẩm qua sử dụng sẽ mất đi,…
Đối với vật tiêu hao, chủ sở hữu có thể cho, bán (chuyển quyền sở hữu) cho người khác. Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn, bởi bản chất của hợp đồng cho thuê hay cho mượn là người thuê, người mượn có quyền sử dụng trong thời gian thuê hoặc mượn tài sản. Sau khi hết hạn hợp đồng, người thuê, người mượn phải trả lại vật cho chủ sở hữu đúng hình dạng, tính chất, tính năng sử dụng như trước khi cho thuê, cho mượn. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với tính chất của vật tiêu hao.
– Vật không tiêu hao là vật khi đã qua nhiều lần sử dụng mà vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Ví dụ: ngôi nhà, xe máy, ô tô,… Về phương diện vật lý, mọi vật khi sử dụng đều bị hao mòn. Chính vì vậy, việc phân chia vật tiêu hao và vật không tiêu hao mang tính chất tương đối, có ý nghĩa trong giao dịch dân sự, thương mại.
2.4. Vật cùng loại và vật đặc định:
Điều 113 Bộ luật dân sự 2015 quy định về vật cùng loại và vật đặc định như sau:
– Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường.
Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.
– Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí.
Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.
Trong pháp luật dân sự, việc phân chia vật cùng loại và vật đặc định dựa vào hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng của vật. Nếu vật có cùng hình dạng, tính chất, cùng tính năng sử dụng và xác định được bằng đơn bị đo lường (kg, m, lít…). Ví dụ: gạo, muối, xăng là vật cùng loại, xi măng của một nhà máy sản xuất có cùng chất lượng…
Vật đặc định là những vật có đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Những đặc điểm này để phân biệt với vật khác kể cả vật cùng loại. Vật đặc định có thể là vật độc nhất (không có vật thứ hai). Ví dụ: các loại đồ cổ quý hiếm, bức tranh cổ của danh họa nổi tiếng,…
Còn vật được đặc định hóa là các vật cùng loại mà có dấu hiệu riêng hoặc dấu hiệu do con người tạo ra như đánh dấu đồ đạc bằng những ký hiệu riêng biệt, thực phẩm được để ở những dụng cụ riêng…
Trong giao dịch dân sự, việc phân loại tài sản thành vật cùng loại và vật đặc định có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định đúng đối tượng của nghĩa vụ dân sự. Nếu là vật cùng loại thì có thể thay thế cho nhau như mất vật này dùng vật khác thay thế. Tuy nhiên, đối với vật đặc định thì khi chuyển giao vật đặc định, người có nghĩa vụ phải chuyển giao đúng vật đó cho người có quyền như đã thỏa thuận. Trường hợp vật đặc định không còn thì phải bồi thường thiệt hại.
2.5. Vật đồng bộ:
Điêu 114 Bộ luật dân sự 2015 quy định về vật đồng bộ như sau:
“Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.
Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo đó, vật đồng bộ được hiểu là tập hợp các vật có mối liên hệ với nhau để khi sử dụng có đầy đủ chức năng công dụng, giá trị thẩm mỹ… Ví dụ: bộ tranh tứ quý, bộ quần áo, bộ bàn ghế…
Tính liên kết của các vật thể hiện là các vật có công dụng liên quan đến nhau thành chỉnh thể thống nhất, nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại, thông số kỹ thuật thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật bị giảm sút.
Theo nguyên tắc, vật đồng bộ là một chỉnh thể thống nhất trong giao dịch dân sự. Vì vậy, khi chuyển giao vật đồng bộ thì người có nghĩa vụ phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận cấu thành cho người có quyền theo đúng thỏa thuận. Nếu thiếu một trong những bộ phận cấu thành vật đó hoặc các bộ phận cấu thành không đúng chủng loại, quy cách thì nghĩa vụ chuyển giao vật chưa được thực hiện xong, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật dân sự 2015.