Trong ngày cưới bố mẹ các bên tặng cho vàng, của hồi môn như là một món quà mừng cưới. Vậy theo quy định hiện nay thì vàng cưới, của hồi môn có bị chia khi ly hôn hay không? Tìm hiểu cùng Luật Dương Gia nhé
Mục lục bài viết
1. Vàng cưới, của hồi môn có bị chia khi ly hôn hay không?
1.1. Vàng cưới, của hồi môn được cha mẹ cho chung:
Em chào Luật sư, năm 2017 em có lấy chồng. Trong ngày cưới, bố mẹ em có tặng cho chung 2 vợ chồng mười cây vàng và 2 sổ đỏ. Hiện nay, vì không còn thấy phù hợp và không tìm được tiếng nói chung nên vợ chồng em quyết định ly hôn. Vậy số vàng cưới và 2 sổ đỏ của bố mẹ em cho thì có cần phải chia cho chồng không ạ? Em cảm ơn ạ! Mong Luật sư giải đáp giúp em ạ.
Chào em, chúng tôi gửi em câu trả lời sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
– Tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản số tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và những thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
– Quyền sử dụng đất mà vợ và chồng có được sau khi kết hôn cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng hoặc được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
– Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để đảm bảo cho nhu cầu của gia đình và thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
– Nếu trường hợp không có các căn cứ để chứng minh về tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, dẫn chiếu đối với trường hợp trên thì nếu trường hợp ly hôn thì vàng cưới, của hồi môn được cha mẹ cho chung để làm vốn kinh doanh thì sẽ là tài sản chung. Khi ly hôn thì phần này cả hai vợ chồng đều được chia.
1.2. Vàng cưới, của hồi môn trong thời kỳ hôn nhân nhưng cho riêng:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng sẽ thuộc quyền sở hữu của riêng người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã được nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Đối với trường hợp có sự sáp nhập, hoặc trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì sẽ được thanh phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Trong đó, căn cứ theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng trong đó bao gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản mà mỗi người được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của người vợ hoặc người chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Như vậy, nếu vàng cưới của hồi môn trong thời kỳ hôn nhân nhưng khi cưới ba mẹ chú rể đeo cho cô dâu và không nói gì thì có thể hiểu đây là tài sản cho riêng của ba mẹ. Do đó, đối với tài sản riêng khi ly hôn thì không cần phải chia cho bên còn lại.
2. Vàng cưới, của hồi môn có được đưa ra thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi ly hôn không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng như sau:
– Vợ và chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
– Vợ và chồng phải chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.
Cũng theo quy định ở Điều 37 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
– Nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận để xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
– Các nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình;
– Các nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt từ tài sản chung;
– Các nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để đảm bảo việc duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
– Các nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Ngoài ra, tại Điều 60, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 còn quy định giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn như sau:
-Quyền và nghĩa vụ tài sản của vợ và chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba đã có thỏa thuận khác.
-Nếu trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì căn cứ để áp dụng theo quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
Như vậy, nghĩa vụ chung về tài sản hay khoản nợ chung của vợ chồng đối với bên thứ ba vẫn sẽ còn khi chấm dứt quan hệ hôn nhân. Có nghĩa là trường hợp dù vợ chồng đã ly hôn, thì vợ chồng vẫn liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chung, trả nợ chung. Nếu trường hợp vợ chồng có khoản nợ chung, thì ngay cả khi đã ly hôn thì:
-Người có quyền (chủ nợ) vẫn có thể được yêu cầu bất cứ ai, hoặc vợ, hoặc chồng phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nơ;
-Đối với trường hợp vợ hoặc chồng có là người đứng ra trả nợ chung, thì người đã trả nợ có quyền yêu cầu người còn lại phải trả lại phần nợ thuộc nghĩa vụ (liên đới) của mình.
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì vợ chồng có thể thỏa thuận về việc phân chia nghĩa vụ chung về tài sản khi ly hôn và yêu cầu Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, vợ chồng có thể yêu cầu Tòa án phân chia nợ chung.
3. Chia của hồi môn là nhà đất khi ly hôn có phải nộp lệ phí trước bạ khi sang tên không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư 13/2022/TT-BTC quy định tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng được miễn nộp lệ phí trước bạ bao gồm:
– Tài sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng chung của hộ gia đình hoặc của các thành viên gia đình khi phân chia tài sản đó theo quy định của pháp luật cho các thành viên gia đình đăng ký lại; Tài sản đã được hợp nhất của vợ chồng sau khi kết hôn; Tài sản phân chia cho vợ, chồng khi ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Hộ gia đình hoặc thành viên gia đình là những người đang có quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng căn cứ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
– Đối với trường hợp khi thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phát sinh chênh lệch diện tích đất tăng thêm nhưng ranh giới của thửa đất không thay đổi thì được miễn nộp lệ phí trước bạ đối với phần diện tích đất tăng thêm.
Đối với trường hợp có thay đổi về ranh giới thửa đất so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ dẫn đến phát sinh tăng diện tích đất thì sẽ phải nộp lệ phí trước bạ đối với phần chênh lệch tăng. Trong trường hợp có sự thay đổi ranh giới thửa đất so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ nhưng phát sinh giảm diện tích đất thì sẽ được miễn nộp lệ phí trước bạ.
Căn cứ theo các quy định trên, thì đối với trường hợp nhà đất là tài sản phân chia cho vợ, chồng khi ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thuộc diện được miễn lệ phí trước bạ. Do đó, đối vơi trường hợp này thì bạn không phải nộp lệ phí trước bạ khi sang tên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014.