Trường hợp đặc biệt trong khoa học luật hình sự có thể kể đến diễn biến hành vi phạm tội thay đổi về chiều hướng khác so với hành vi ban đầu. Vậy, Vấn đề chuyển hóa tội danh trong luật hình sự Việt Nam được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chuyển hóa tội danh được hiểu thế nào trong pháp luật hình sự:
Theo pháp luật hình sự thì tội phạm được xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà hành vi này được thực hiện bởi người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại cố ý hoặc vô ý thực hiện xâm phạm đến những quan hệ xã hội được pháp luật Hình sự bảo vệ. Cá nhân khi thực hiện hành vi bị coi là tội phạm thì phải thỏa mãn bốn yếu tố cấu thành tội phạm trong đó phải kể đến khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm; các hành vi mà cá nhân thực hiện sẽ cấu thành một tội tương ứng đã được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trên thực tế, diễn biến hành vi phạm tội không bao giờ có sự đồng nhất với những quy định của pháp luật mà trong nhiều trường hợp hành vi phạm tội diễn ra theo một cái chiều hướng khác so với hành vi của mục đích ban đầu. Nếu tội phạm xảy ra khác ý định ban đầu của cá nhân thực hiện hành vi mà chuyển thành một tội phạm khác (có nghĩa là hành vi phạm tội đã thỏa mãn yếu tố cấu thành của một tội danh khác cũng được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự) thì được gọi là sự chuyển hóa về tội danh. Đây là một trong những trường hợp đặc biệt và trên thực tế cũng gặp không ít các trường hợp như vậy. Xác định chính xác vấn đề chuyển hóa tội danh có ý nghĩa vô cùng quan trọng hỗ trợ cho quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhất là vấn đề định tội danh của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề về chuyển hóa tội danh đòi hỏi người làm công tác bảo vệ pháp luật phải nắm vững nội dung và kiến thức cũng như phải có những kinh nghiệm trên thực tiễn để làm cơ sở định tội danh trong những vụ án hình sự cụ thể tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm.
Có thể hiểu là trường hợp cá nhân thực hiện hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm về mặt pháp lý nhưng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội có phát sinh thêm những tình tiết làm thay đổi tính chất của tội phạm ví dụ như có sự thay đổi về hành vi, hậu quả, thái độ phạm tội, thay đổi về đối tượng bị tác động đã làm cho hành vi phạm tội thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội phạm khác có thể là nặng hơn hoặc nhẹ hơn tội phạm ban đầu. Để có thể nhận biết được việc chuyển hóa tội danh thì cơ quan tiến hành tố tụng phải nhận biết được những đặc điểm sau đây:
– Thứ nhất, hành vi phạm tội xảy ra đã đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm về mặt pháp lý, tội danh đã được hình thành và người thực hiện hành vi đã phạm tội theo tội danh đó;
– Thứ hai, quá trình chuyển hóa tội danh thường được xem xét ở giai đoạn tội phạm chưa hoàn thành. Những tình tiết mới làm thay đổi tính chất tội phạm thường xuất hiện trong quá trình tội phạm đang diễn ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Trong thời điểm này, hành vi phạm tội của cá nhân chưa thể phản ánh đầy đủ các dấu hiệu pháp lý gọi là tội phạm hoàn thành.
– Thứ ba, các tình tiết có thể làm chuyển hóa tội danh có thể kể đến như: có thêm những tình tiết mới làm thay đổi khách thể tội phạm dẫn đến việc chuyển hóa tội danh; hoặc những tình tiết làm thay đổi dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm ban đầu dẫn đến chuyển hóa tội danh. Lỗi hoặc động cơ mục đích cũng là một trong những dấu hiệu bắt buộc trong mà chủ quan của cấu thành tội phạm..
– Thứ tư, đối với người phạm tội thì phải tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh đã được chuyển hóa. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh sau khi đã chuyển hóa chứ không được truy cứu đồng thời cả hai tội danh.
2. Một số vấn đề về chuyển hóa tội danh trong áp dụng pháp luật hình sự:
– Những trường hợp chuyển hóa tội danh:
Trường hợp chuyển hóa tội danh diễn ra không có sự giới hạn về tội danh nhưng chủ yếu có sự chuyển đổi liên quan đến các tội xâm phạm sở hữu như tội trộm cắp tài sản chuyển hóa thành tội cướp tài sản, tôi trộm cắp tài sản chuyển hóa thành cưỡng đoạt tài sản; cướp giật tài sản chuyển thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp nêu trên chỉ được coi là chuyển hóa tội phạm khi thỏa mãn các dấu hiệu được nêu dưới đây:
+ Cá nhân đang thực hiện hành vi vi phạm với mục đích chiếm đoạt tài sản;
+ Hành vi vi phạm của mình bị phát hiện bởi một cá nhân, tổ chức hoặc chưa bị phát hiện tại thời điểm thực hiện hành vi;
+ Người phạm tội sử dụng vũ lực tấn công nạn nhân hoặc những người khác;
+ Mục đích của hoạt động này là để lấy, giữ, chiếm đoạt cho bằng được tài sản của người khác. Hiện nay theo quy định của Thông tư liên tịch số
– Liên quan đến quá trình phân biệt chuyển hóa tội danh với tình tiết hành hung để tẩu thoát:
Theo nội dung ghi nhận trong Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP thì việc phân biệt chuyển hóa tội danh với tình tiết hành hung để tẩu thoát cần dựa vào một số yếu tố dưới đây:
+ Quá trình chuyển hóa tội danh phải xuất hiện dấu hiệu có sự giành lại tài sản giữa người phạm tội với người bị thiệt hại hoặc người khác. Còn hành hung để tẩu thoát thì không có dấu hiệu giành lại tài sản và mục đích chỉ là bỏ trốn;
+ Chuyển hóa tội danh được đánh giá là trường hợp phạm tội độc lập, tội danh được thay đổi sang một tội mới tội danh cũ sẽ mất đi và không bị truy cứu về tội cũ. Việc cá nhân có hành vi vi phạm hành hung để tẩu thoát là một tình tiết định khung hình phạt và không cấu thành tội mới;
+ Xét đến mục đích của hành động hành hung để tẩu thoát đó làm có hành vi chống trả người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, xô ngã nhưng mục đích là tẩu thoát chứ không chiếm đoạt cho bằng được tài sản.
3. Những lưu ý khi áp dụng pháp luật hình sự đã chuyển hóa tội danh:
– Thứ nhất, xem xét trong diễn biến tội phạm nếu người phạm tội thực hiện hành vi mới có liên quan đến tội phạm đang thực hiện nhưng không nhận thấy có dấu hiệu chuyển hóa tội phạm mà hành vi đó cấu thành tội độc lập thì trường hợp này được coi là phạm nhiều tội và sẽ bị truy tố với nhiều tội danh;
– Thứ hai, mặc dù người phạm tội có hành vi khác liên quan nhưng hành vi mới này không có sự tác động và làm thay đổi tội phạm đã thực hiện nhưng cũng không có đầy đủ những dấu hiệu để xác định tội phạm độc lập thì trong trường hợp này sẽ xem xét đây là tình tiết định khung tăng nặng hoặc chịu trách nhiệm pháp lý riêng biệt khác;
– Thứ ba, Để thực hiện hành vi vi phạm của mình mà người phạm tội thực hiện nhiều hành vi khách quan nhưng chỉ hướng đến mục đích duy nhất có thể xác định được và khi đó tính chất của hành vi không thể tách rời nhau và được quy định trong một cấu thành của một tội phạm nhất định thì không có sự chuyển hóa tội danh đối với trường hợp này;
– Thứ tư, Đối với một số vụ án có đồng phạm và vai trò của những người đồng phạm là khác nhau thì vấn đề chuyển hóa tội danh đối với người thực hành phải đầy đủ các căn cứ đã quy định ở trên; còn đối với vai trò đồng phạm khác thì phải xem xét nhiều yếu tố như nhận thức, thái độ của người này đối với người thực hiện tội phạm.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.