Ngày nay, việc vận chuyển vàng qua biên giới đang là vấn nạn của xã hội, nhiều đối tượng lợi dụng địa hình biên giới để nhằm vận chuyển vàng sang các quốc gia khác trái phép để đạt được lợi nhuận cao. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ hành vi vận chuyển vàng trái phép qua biên giới sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Vận chuyển vàng trái phép qua biên giới bị xử lý thế nào?
Căn cứ Điều 12 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới ngoài khu vực cửa khẩu quy định như sau:
– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng:
+ Đối tượng có hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị dưới 10 triệu đồng.
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
+ Đối tượng vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa là văn hóa phẩm.
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với tang vật vi phạm có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng:
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với tang vật có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
– Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 75 triệu đồng:
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với tang vật có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
– Ngoài bị xử phạt mức phạt như trên, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn bị xử phạt hình thức bổ sung là tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm
– Phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là bắt buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường và văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm quy định.
2. Hành vi vận chuyển vàng trái phép qua biên giới có bị đi tù?
Căn cứ Điều 189
Thứ nhất, đối với cá nhân:
Khung 1: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng:
– Đối tượng thực hiện hành vi vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hoặc giá trị dưới 100 triệu nhưng thuộc một trong những trường hợp sau:
+ Đối tượng của hành vi vi phạm là di vật, cổ vật.
+ Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc một trong các Điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự; hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự chưa được xóa án tích và vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.
Khung 2: phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
– Thực hiện hành vi có tổ chức.
– Đối tượng vật phạm pháp có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
– Đối tượng vật phạm pháp là bảo vật quốc gia.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội.
– Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi phạm tội.
– Phạm tội từ 02 lần trở lên.
– Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
– Đối tượng vật phạm pháp có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài bị xử phạt như trên, đối tượng vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thứ hai, đối với pháp nhân thương mại:
Khung 1: phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng:
Đối tượng thực hiện hành vi vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật:
+ Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
+ Hàng góa dưới 200 triệu đồng là di vật, cổ vật.
+ Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 Bộ luật hình sự; hoặc đã bị kết án về một trong những tội quy định tại các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 Bộ luật hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khung 2: phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng:
– Thực hiện hành vi có tổ chức.
– Đối tượng vật phạm pháp có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
– Đối tượng vật phạm pháp là bảo vật quốc gia.
– Phạm tội từ 02 lần trở lên.
– Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm:
– Thực hiện hành vi vi phạm đối với vật phạm pháp có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
Khung 4: bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn:
Pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi vi phạm còn bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
3. Các biện pháp phòng chống vận chuyển vàng trái phép qua biên giới:
Hiện nay, vì lợi nhuận cao do đó rất nhiều đối tượng đã có hành vi cấu kết để vận chuyển vàng trái phép qua biên giới. Đây là một trong những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nền kinh tế của đất nước.
Do đó, nhà nước cần có những chính sách, biện pháp để phòng chống tình trạng vận chuyển vàng trái phép qua biên giới hiện nay.
- Các thành viên và Ban Chỉ đạo tại các địa phương tập trung tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, phối hợp triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới.
- Cơ quan ban ngành phải tiến hành thanh kiểm tra đối với các hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, vàng mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ, hoạt động nhập khẩu vàng…
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu và tích cực tố giác tội phạm.
- Tổng cục Hải quan phải tiến hành công tác quản lý chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất vàng của các doanh nghiệp được cấp phép.
- Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, các lô hàn có dấu hiệu vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
- Tổng cục hải quan phải phối hợp chặt chẽ và trao đổi thông tin kịp thời với lực lượng Công an, Quân đội để đấu tranh với các đường dây buôn lậu vàng xuyên quốc gia.
- Tổng cục Thuế phải tăng cường rà soát tham mưu ban hành chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra hoạt động các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, chế tác vàng trang sức, mỹ nghệ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Nghị định số 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
- Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
THAM KHẢO THÊM: