Theo quy định của pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và thực hiện thông qua hai hoạt động là lập pháp và lập quy. Nếu như thuật ngữ "lập pháp" đã quá quen thuộc với chúng ta thì "lập quy" lại nghe có vẻ xa lạ hơn. Vậy giữa hai hoạt động này có những điểm gì giống và khác nhau?
Mục lục bài viết
1. Văn bản lập quy là gì?
Văn bản lập quy (hay còn gọi là văn bản dưới luật) là loại văn bản do cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền ban hành căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên đặt ra các quy định nhằm mục đích thi hành các văn bản quy phạm pháp luật.
2. Văn bản lập quy tiếng Anh là gì?
Văn bản lập quy trong tiếng Anh là “bylaws”.
3. So sánh lập pháp và lập quy:
Lập pháp và lập quy có những điểm giống nhau như sau:
– Đều là hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các hoạt động theo trình tự thủ tục đã được quy định chặt chẽ để từ đó áp dụng trên thực tế văn bản ban hành nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhất định.
– Đều nhằm mục đích thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Mỗi cơ quan nhà nước khác nhau thì sẽ có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ: Quốc hội thì thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; Chính phủ thực hiện quyền hành pháp; Tòa án thực hiện quyền tư pháp,… Chính vì vậy mà các hoạt động lập pháp hay lập quy đều là những hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích thực hiện chức năng, nhiệm vụ tương ứng của mình.
Bên cạnh những điểm giống nhau thì lập pháp và lập quy có những điểm khác nhau như sau:
Về thẩm quyền ban hành
– Lập pháp: do cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ban hành là Quốc hội
– Lập quy: do cơ quan hành chính nhà nước, một số cơ quan khác (tòa án, viện kiểm sát,…) ban hành
Về thời điểm tiến hành
– Lập pháp: được tiến hành thường xuyên và được thực hiện theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và cả nhiệm kỳ của Quốc hội
– Lập quy: bắt đầu ở điểm kết thúc của lập pháp
Phạm vi
– Lập pháp: căn cứ Khoản 1 Điều 15
+ Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ,
+ Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt;
+ Chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;
+ Chính sách cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường;
+ Quốc phòng, an ninh quốc gia;
+ Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
+ Hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; hàm, cấp ngoại giao; hàm, cấp nhà nước khác; huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;
+ Chính sách cơ bản về đối ngoại;
+ Trưng cầu ý dân;
+ Cơ chế bảo vệ Hiến pháp;
+ Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
– Lập quy: Việc xác định phạm vi lập quy hiện nay có 2 quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng quyền lập quy được xác định theo nguyên tắc loại trừ, tức là những vấn đề thuộc quyền quyết định của Quốc hội là quyền lập pháp và những vấn đề mà Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh, nghị quyết là lập pháp ủy quyền; những vấn đề còn lại thuộc quyền lập quy của Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Quan điểm này đòi hỏi phải xác định chính xác phạm vi lập pháp để chỉ ra điểm kết thúc của nó, tức là loại trừ những lĩnh vực thuộc lập pháp.
Quan điểm thứ hai cho rằng phạm vi của quyền lập quy phụ thuộc vào quyền lập pháp. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định nhằm để thực hiện những nhiệm vụ sau:
– Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
– Đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội;
– Thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân;
– Trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định;
– Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
– Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại Khoản 14 Điều 70; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
– Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Tất cả việc ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm thực hiện các hoạt động trên đều phải phù hợp với các văn bản lập pháp do Quốc hội ban hành, không trái với những nguyên tắc do Quốc hội xây dựng nên việc lập quy phụ thuộc vào việc lập pháp.
Trình tự, thủ tục thực hiện
Trình tự, thủ tục thực hiện việc lập pháp thông thường sẽ phức tạp hơn việc lập quy, cụ thể:
– Đối với lập pháp như hoạt động ban hành luật thì cần phải trải qua quy trình thủ tục phức tạp, nghiêm ngặt như:
+ Lập chương trình.
+ Tổ chức soạn thảo, trong quá trình tổ chức soạn thảo cần thành lập ban soạn thảo; tổ chức lấy ý kiến tham gia; thẩm định; Chính phủ xem xét trước khi quyết định trình Quốc hội; thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, sau đó mới chính thức trình Quốc hội.
+ Quốc hội tiến hành thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án Luật, tùy vào từng Luật mà có thể thông qua tại một, hai, hoặc ba kỳ họp.
+ Công bố Luật.
– Còn đối với lập quy như quy trình ban hành Nghị định của Chính phủ thì trước tiên phải có đề xuất xây dựng Nghị định, sau đó sẽ tổ chức soạn thảo, quá trình soạn thảo cần phải lấy ý kiến tham gia trước khi thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo. Sau cùng, Chính phủ sẽ xem xét, thông qua dự thảo.
4. Giá trị pháp lý các văn bản quy phạm pháp luật:
Các văn bản lập pháp có giá trị cao hơn văn bản lập quy, cụ thể giá trị các văn bản quy phạm pháp luật được xác định theo thứ tự từ cao xuống thấp quy định tại Điều 4
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hình thức văn bản
Văn bản lập quy có hình thức đa dạng hơn văn bản lập pháp như nghị định, quyết định, thông tư, quy chế,…
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Hiến pháp 2013;
– Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.