Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản

Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam được đánh giá chính là bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, và nó có tính chất quyết định đến sự phát triển của dân tộc ta. Đảng cộng sản Việt Nam thành lập là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó không thể không kể đến vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1. Quá trình Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:

Tại thời điểm khi cả dân tộc ta hiện đang đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều chủ thể là những nhà yêu nước đương thời đã tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ và chưa đem đến kết quả thành công thì vào ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) đã ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng theo phương hướng mới. Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) trong quá trình tìm đường cứu nước của mình đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra một chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân chính là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) đã trở lại nước Pháp, đến Paris và năm 1919 gia nhập Đảng Xã hội Pháp.

Tháng 6/1919, Nguyễn Tất Thành đã thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Vécxây.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã không ngừng ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước tại Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn này cũng đã viết nhiều bài báo, tham gia nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế. Đó là sự chuẩn bị về đường lối chính trị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc cũng từng khẳng định, muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo, Đảng có vững, cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.

Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ.

Dựa vào những hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã ngày càng chín muồi.

Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách đó là cần phải nhanh chóng thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, từ đó chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc cũng đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930.

Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do chính Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua.

Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Những văn kiện được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc chủ trì chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và có những ý nghĩa cũng như vai trò quan trọng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

2. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:

Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam được đánh giá chính là một tất yếu khách quan, và nó được bắt nguồn từ thực tiễn cuộc đấu tranh của nhân dân chống sự nô dịch của đế quốc, được soi rọi dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam cũng rất phù hợp với quy luật vận động của cách mạng thế giới cũng như là phù hợp đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã đáp ứng những yêu cầu khách quan, thiết yếu và cấp bách của dân tộc là độc lập, tự do và phát triển. Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó ta nhận thấy rằng vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất to lớn. Cụ thể thì vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện ở những khía cạnh cơ bản như sau:

– Nguyễn Ái Quốc là người đã tìm thấy và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta.

Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỉ XX, các phong trào yêu nước đã diễn ra khá sôi nổi tuy nhiên các phong trào yêu nước này đều có kết quả chung đó là thất bại. Nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này đó là thiếu lực lượng lãnh đạo, chưa có hệ tương tưởng khoa học dẫn đường, chưa có lý luận và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo và đặc biệt là chưa có một tổ chức lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nguyễn Ái Quốc với lòng yêu nước mãnh liệt và tầm nhìn sáng suốt của mình, đã ra đi tìm đường cứu nước, sau nhiều năm nghiên cứu, khảo nghiệm, học tập, tìm tòi, hoạt động không ngừng ở nhiều quốc gia, ở hầu khắp các châu lục thì Người cũng đã tìm thấy ở đó con đường đi đúng đắn giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, cứu dân cứu nước là theo con đường cách mạng vô sản, con đường có mục đích cao cả là giải phóng dân tộc để tiến tới giải phóng con người.

– Nguyễn Ái Quốc sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước và chuẩn bị những điều kiện cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước. Nguyễn Ái Quốc đã phác thảo những vấn đề cơ bản cụ thể về đường lối cứu nước đúng đắn của cách mạng Việt Nam, thể hiện tập trung trong những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Bên cạnh đó thì Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) để chuẩn bị cán bộ trong nước những tư tưởng về chủ nghĩa Mác – Lênin cũng như nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin tới nhiều đối tượng.

Trong những năm 1928 đến 1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiếp tục phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa Mác – Lênin được Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ tiên phong truyền bá về trong nước, cùng với phong trào vô sản hoá diễn ra mạnh mẽ cũng đã làm chuyển biến phong trào công nhân, giác ngộ họ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác.

– Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.

Với vai trò, trách nhiệm quan trọng trong hệ thống Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất, sáng lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ ngày 06/01/1930 đến ngày 07/02/1930, tại Cửu Long – Hồng Công (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Với sự nhất trí cao, Hội nghị đã đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện đã trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

3. Ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:

Hội nghị hợp nhất các tổ chức đảng cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam đi theo một đường lối chính trị đúng đắn đã tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu chung đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cũng chính là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là một sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác – Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời được đánh giá là một trong số những sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chính là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, là sự kiện gắn liền với tên tuổi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra Cương lĩnh chính trị xác định đúng đắn con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản, đây cũng chính là cơ sở quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời đã nắm được ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam; cũng như giải quyết được tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra đầu thế kỷ XX, từ đó cũng đã mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho đất nước Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chính là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại làm nên những thắng lợi vẻ vang. Bên cạnh đó thì cách mạng Việt Nam cũng góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới bởi vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )