Tìm hiểu về thuế? Đặc điểm của thuế? Vai trò của khoản thu về thuế trong hệ thống các khoản thu của ngân sách Nhà nước?
Trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc sống con người đang ngày càng phát triển, con người đang trở nên dần quen thuộc với khái niệm thuế. Thuế có những ý nghĩa cũng như những vai trò quan trọng đối với đất nước và xã hội. Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, có vị trí hết sức trọng yếu đối với mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về vai trò của khoản thu về thuế trong hệ thống các khoản thu của ngân sách Nhà nước.
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về thuế:
Thực tế thì thuế đã xuất hiện cùng với sự xuất hiện của Nhà nước và xuất hiện song song với sự phát triển cũng như tồn tại của nền kinh tế hàng hoá tiền tệ. Nhà nước ra đời muốn tồn tại và phát triển đã sử dụng thuế giống như một công cụ để nhằm mục đích có thể phục vụ cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của chính mình. Thông qua sự phát triển của lịch sử, các hệ thống thuế khoá, các hình thức thuế khoá và pháp luật thuế đang dần trở nên ngày càng đa dạng và ngày càng hoàn thiện cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, các khoản đóng góp của những người dân cho Nhà nước đã được xác định một cách cụ thể thông qua các quy định công khai bằng luật pháp của Nhà nước .
Các khoản thuế có ý nghĩa to lớn và đây chính là khoản đóng góp của người dân tạo thành quỹ tiền tệ của Nhà nước. Các khoản thuế phát triển cùng với sự hoàn thiện chức năng của Nhà nước, phạm vi sử dụng quỹ tiền tệ của Nhà nước cũng từ đó ngày càng mở rộng. Các khoản thuế không chỉ đảm bảo chi tiêu để nhằm mục đích có thể duy trì quyền lực của bộ máy Nhà nước, mà Các khoản thuế còn để chi tiêu cho các nhu cầu phúc lợi chung và kinh tế. Như vậy các khoản thuế gắn liền với Nhà nước, thuế luôn là một vấn đề thời sự được quan tâm đối với các hoạt động kinh tế xã hội và với mọi tầng lớp dân cư.
Có rất nhiều các quan điểm được đưa ra và chúng ta có thể nhìn nhận thuế dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong giai đoạn hiện nay, vẫn chưa có một khái niệm nào thống nhất về thuế trong các văn bản pháp luật hay quy định hiện hành. Đứng ở các góc độ khác nhau của các chủ thể là những nhà kinh tế khác nhau thì sẽ lại có một khái niệm khác nhau về thuế.
Một trong những khái niệm phổ biến được đưa ra để định nghĩa về thuế đó là “Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm mục đích để có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung”. Về cơ bản thì chúng ta có thể hiểu, thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc các cá nhân sẽ phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định.
2. Đặc điểm của thuế:
Thuế mang một số đặc điểm nhất định. Cụ thể chúng ta có thể kể đến các đặc điểm của thuế gồm có:
– Đặc điểm đầu tiên đó là thuế là khoản thu nộp bắt buộc vào Ngân sách nhà nước:
Trên thực tế, tất cả các cá nhân hay tổ chức đều cần nộp thuế. Chính vì thế mà tính bắt buộc là thuộc tính cơ bản vốn có của thuế, tính bắt buộc của thuế giúp phân biệt thuế với các hình thức huy động tài chính khác của ngân sách nhà nước. Tính bắt buộc của thuế đối với các chủ thể là những người nộp thuế thể hiện ở chỗ dù họ có muốn hay không, khi các chủ thể này đáp ứng được những điều kiện cụ thể mà pháp luật quy định thì bắt buộc các chủ thể sẽ có trách nhiệm cần phải nộp thuế về cho Ngân sách nhà nước bằng hình thức trực tiếp hay gián tiếp.
Bên cạnh đó thì tính bắt buộc của thuế còn được thể hiện ở chỗ cơ quan quyền lực nhà nước sẽ thay mặt cho nhà nước tiến hành thu thuế. Các cơ quan quản lý thuế sẽ có trách nhiệm cần phải thực hiện thu đúng chủ thể, bất kì chủ thể nào khi đã đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định đều sẽ cần phải nộp thuế và cơ quan quản lý thuế phải tiến hành thu thuế, cơ quan quản lý thuế không được phép lựa chọn hành vi có thu thuế hay không thu thuế và đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể nộp thuế.
– Thuế mang tính quyền lực:
Như chúng ta đã biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách nhà nước, thuế ra đời cùng với sự ra đời của Nhà nước, nếu nhà nước ta không có thuế thì cũng đồng nghĩa với việc nhà nước ta sẽ không có tiềm lực kinh tế để có thể duy trì được hoạt động cũng như có thể thực hiện được các chức năng nhiệm vụ của mình. Thực tế thì phần lớn nguồn thu Ngân sách được tạo lập từ thuế, chỉ khi thuế mang tính quyền lực thì điều này mới đảm bảo cơ quan quản lý thuế có thể thực hiện thu được thuế một cách có hiệu quả nhất, thông qua đó giúp tạo lập nguồn thu tài chính cho quốc gia. Cũng chính bởi vì nguyên nhân đó, ta nhận thấy, việc thu thuế sẽ cần được đảm bảo bằng bộ máy làm việc hiệu quả bởi nhiều cơ quan cụ thể như tổng cục thuế và các cơ quan thuế địa phương. Không chỉ vậy nếu các chủ thể là những người nộp thuế không thực hiện nộp thuế thì các chủ thể này sẽ hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Thuế không mang tính đối giá và không hoàn trả trực tiếp:
Tất cả các chủ thể khi đủ điều kiện nộp thuế theo quy định, dù họ đã được nhận một khoản lợi ích công cộng nào hay chưa thì pháp luật quy định họ đều phải nộp thuế. Bên cạnh đó, căn cứ vào khái niệm về thuế, ta thấy rằng, thuế không hoàn trả trực tiếp, các chủ thể sẽ nộp thuế vào Ngân sách nhà nước. Nhà nước sẽ lấy ngân sách đó để nhằm mục đích thực hiện việc chi cho các vấn đề xã hội như y tế, xây dựng trường học, đường xá cùng với nhiều mục đích khác và toàn xã hội sẽ được hưởng những lợi ích đó và trong đó có các chủ thể nộp thuế.
– Thuế mang tính vĩnh viễn:
Đặc tính mang tính vĩnh viễn đã cho thấy nộp thuế cho Nhà nước không giống như hình thức cho Nhà nước vay tiền nên các chủ thể không thể đòi hỏi Nhà nước phải hoàn trả, bởi vì nguồn thu từ thuế như chúng ta đã phân tích cụ thể bên trên sẽ được dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu công. Thuế giúp các cá nhân và tổ chức san sẻ một phần gánh nặng các khoản chi của Nhà nước.
3. Vai trò của khoản thu về thuế trong hệ thống các khoản thu của ngân sách Nhà nước:
Nguồn thu về thuế là nguồn thu chủ yếu và lâu dài của Nhà nước nhằm huy động tập trung một phần của cải vật chất trong xã hội vào ngân sách Nhà nước. Ngân sách có thể huy động bằng nhiều cách khác nhau như đi vay, bán tài nguyên thiên nhiên, nhận viện trợ… nhưng không có nguồn thu nào mang tính chất bền vững như thuế. Thuế là khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của nhà nước đối với các tổ chức cá nhân nhằm trang trải mọi chi phí vì mục đích chung. Một nền tài chính lành mạnh phải dựa chủ yếu vào nguồn thu nội bộ của nền kinh tế quốc dân.Việc các chủ thể nộp thuế – thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng, chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước, từ đó mới đáp ứng được nhu cầu chi ngày càng tăng. Doanh thu từ thuế được sử dụng để trang trải cho các hoạt động đầu vào cần thiết để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ công của chính phủ, ngoài ra còn có một phần được dành để chi đầu tư phát triển kinh tế.
Nguồn thu về thuế có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, điều tiết nền kinh tế vĩ mô, tạo nên cơ cấu kinh tế hợp lý. Nhà nước có thể sử dụng nguồn thuế thu được để tài trợ, trợ cấp cho một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh những ngành nghề, mặt hàng cần khuyến khích phát triển hoặc cần cung cấp đến vùng sâu vùng xa ở miền núi, hải đảo. Nhà nước cũng có thể sử dụng nguồn thu từ thuế để đầu tư trực tiếp cho các công trình trọng điểm của cả nước hoặc của từng vùng, đầu tư vào những việc tư nhân không muốn làm hoặc không có khả năng làm.
Trong nền kinh tế thị trường vai trò này của thuế càng nổi bật bởi thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Vai trò tạo nguồn thu của thuế xuất phát từ yêu cầu và quyền lực của nhà nước đối với xã hội. Nhà nước với quyền lực chính trị có thể ban hành các loại thuế với các mức thuế suất tuỳ ý. Tuy nhiên, khi xét về mục đích lâu dài khi định ra các loại thuế, thuế suất, đối tượng chịu thuế chính phủ không chỉ đơn thuần thỏa mãn nhu cầu tăng thu của ngân sách nhà nước, mà phải thỏa mãn đồng thời yêu cầu tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh thu nhập. Việc đáp ứng cả ba yêu cầu đó đòi hỏi chính phủ phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng khi ban hành các loại thuế, bởi vì nguồn thu của thuế bắt nguồn từ thu nhập quốc dân, khả năng động viên của thuế phụ thuộc chủ yếu vào phát triển của sản xuất, hiệu quả của sản xuất.