Uỷ quyền nuôi con là việc cha mẹ uỷ quyền cho người khác thực hiện việc nuôi con hộ mình. Vậy ủy quyền nuôi con là gì? Hướng dẫn cách ủy quyền nuôi con?
Mục lục bài viết
1. Ủy quyền nuôi con là gì?
Trong Luật hôn nhân và gia đình hiện hành và các luật khác có liên quan không có quy định nào liên quan tới ủy quyền nuôi con nên có thể sử dụng Bộ luật dân sự 2015 để áp dụng, theo đó việc ủy quyền nuôi con được hiểu là sự thỏa thuận giữa người mẹ, cha (bên ủy quyền) với người khác (bên được ủy quyền), theo đó:
– Bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc liên quan đến việc nuôi con nhân danh bên ủy quyền;
– Bên ủy quyền sẽ chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận.
Xét về khía cạnh pháp luật, theo Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc nuôi con là quyền, nghĩa vụ của cha mẹ. Cả cha và mẹ phải có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng:
– Con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự;
– Con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động cũng không có tài sản để tự nuôi bản thân mình.
Thêm nữa, tại Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định về các nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con cụ thể như sau:
– Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ;
– Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ sẽ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
– Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
– Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc con không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Như vậy, có thể thấy, nuôi con vừa là quyền vừa là trách nhiệm, gắn với bản thân cha và mẹ. Do đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cha mẹ không thể uỷ quyền nuôi con cho người khác.
Xét về mặt ngữ nghĩa, uỷ quyền nuôi con là việc cha mẹ uỷ quyền cho người khác thực hiện việc nuôi con hộ mình.
Như vậy, xét về bản chất thì ủy quyền nuôi con chính là trường hợp cha mẹ uỷ quyền cho người khác thực hiện những công việc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình với con. Ví dụ trong trường hợp này đó chính là khi cha mẹ ở nước ngoài, không thể tự mình thực hiện việc nộp hồ sơ cho con nhập trường lớp hoặc là không thể thực hiện một số công việc phải có sự có mặt của cha mẹ hoặc khi làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho con.
Theo quy định của pháp luật về ủy quyền thì phạm vi uỷ quyền cho người khác thực hiện các công việc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình với con phải được nêu rõ ràng, chi tiết và cụ thể. Người được uỷ quyền chỉ thực hiện các công việc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người ủy quyền với con của họ và cũng chỉ được thực hiện các quyền trong phạm vi uỷ quyền mà không được toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến trẻ mà phải có sự đồng ý của cha mẹ.
2. Hướng dẫn cách ủy quyền nuôi con:
Như đã phân tích ở mục trên, bản chất của ủy quyền nuôi con chính là bố mẹ của trẻ (người dưới 18 tuổi) ủy quyền cho một cá nhân/tổ chức thực hiện một số quyền và nghĩa vụ nhất định của mình với con. Vì thế, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà cha mẹ thực hiện thủ tục uỷ quyền khác nhau với phạm vi uỷ quyền khác nhau. Để thực hiện việc ủy quyền nuôi con, các bên cần thực hiện lần lượt các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
– Giấy tờ của hai bên uỷ quyền:
+ Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn của cha mẹ với người được uỷ quyền;
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của vợ chồng bên uỷ quyền và giấy tờ chứng minh quan hệ cha mẹ con của bên uỷ quyền.
– Giấy tờ về việc uỷ quyền: Tuỳ vào từng trường hợp uỷ quyền mà chuẩn bị các giấy tờ phù hợp. Ví dụ uỷ quyền quản lý tài sản cho con khi cha mẹ đi vắng thì cần phải có giấy tờ về tài sản như sổ đỏ hoặc sổ hồng, sổ tiết kiệm… hoặc nếu uỷ quyền về việc thay mặt cha mẹ trong vụ án của con thì cần có giấy mời hoặc giấy triệu tập…
– Văn bản ủy quyền
Bước 02: hình thức thực hiện
Vì uỷ quyền là thủ tục mà không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực. Thế nên, việc công chứng hoặc chứng thực sẽ do các bên quyết định. Nếu như các bên lựa chọn hình thức công chứng, chứng thực thì hai bên sẽ đến tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi toàn quốc (không phụ thuộc vào nơi cư trú của cả hai bên) để thực hiện việc công chứng, chứng thực văn bản ủy quyền.
3. Nội dung của văn bản ủy quyền nuôi con:
– Về mặt hình thức:
+ Có quốc ngữ tiêu ngữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
+ Tên loại giấy tờ “
– Về chủ thể:
+ Sẽ bao gồm bên ủy quyền (người cha, người mẹ), bên được ủy quyền (là ông bà, chú, bác, gì,…).
+ Ghi rõ họ và tên; ngày tháng năm sinh; số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ngày cấp và nơi cấp của các bên; địa chỉ thường trú; địa chỉ liên hệ của các bên;…
– Về nội dung ủy quyền:
Trình bày rõ ràng, chi tiết nội dung ủy quyền như nội dung thực hiện, phạm vi thực hiện, thời điểm có hiệu lực của giấy ủy quyền nuôi con, thời điểm kết thúc, quyền và nghĩa vụ của các bên, trong trường hợp nào thì được ủy quyền lại cho người khác,…
Lưu ý:
– Mặc dù giấy ủy quyền nuôi con không cần công chứng chứng thực, tuy nhiên nếu như các bên muốn đảm bảo thì có thể ra Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện chứng thực hoặc đến Văn phòng công chứng để công chứng giấy ủy quyền nuôi con;
– Việc ủy quyền nuôi con cần dựa trên tinh thần tự nguyện và thống nhất ý chí hai bên;
– Hai bên cần xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện ủy quyền nhằm tránh những tranh chấp xảy ra sau này cũng như sự lạm dụng quyền khi thực hiện;
– Giấy ủy quyền nuôi con cũng cần lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản;
– Các bên cần rà soát kỹ các thông tin nhằm tránh sai sót xảy ra gây mất nhiều thời gian cũng như chi phí.
4. Nguyên nhân dẫn đến ủy quyền nuôi con:
Bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng đều muốn tự bản thân họ sẽ chăm lo, nuôi dạy con cái của mình. Nhưng để tạo những điều kiện tốt nhất cũng như có được môi trường học mang tính hội nhập hơn cho con của mình, có không ít bậc phụ huynh sẽ lựa chọn ủy quyền nuôi con cho người khác. Thông thường các cặp vợ chồng sẽ gửi con của mình sống cho:
– Người thân trong nước hoặc ngoài nước để tạo điều kiện cho con.
– Cho ông, bà nuôi cháu, chú, dì, chú, bác,… vì phải làm ăn ở xa, không thể nào đủ điều kiện để ở bên con, chăm sóc con, quan tâm con trọn vẹn được.
Tuy nhiên, người đang nuôi dưỡng chăm sóc không phải là người cha, người mẹ hoặc người giám hộ của cháu bé, thế nên sẽ không được toàn quyền quyết định những vấn đề nhằm để đảm bảo quyền lợi của cháu bé. Vì vậy, trong trường hợp cha, mẹ mà muốn gửi con mình cho người khác nuôi dưỡng thì phải viết giấy uỷ quyền cho người đang trực tiếp nuôi dưỡng con có toàn quyền quyết định những vấn đề cần thiết.
Từ thực tế cho thấy, việc bố mẹ ủy quyền nuôi con cho người khác là vì:
– Bố mẹ phải đi làm ăn xa, không thể ở gần con để chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như làm các nghĩa vụ khác mà cha mẹ thực hiện cho con (đăng ký trường học,…).
– Bố mẹ đang có việc bận đột xuất, chưa thể thực hiện một vấn đề nào đó cho con (ủy quyền cho người khác thực hiện làm giấy khai sinh cho con,…).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Bộ Luật Dân sự 2015.