Với sự phát triển của các ứng dụng điện thoại thông minh và các dịch vụ trực tuyến, việc trao đổi thông tin và thực hiện các giao dịch thông qua điện thoại đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc uỷ quyền bằng miệng qua điện thoại có được coi là hợp pháp không?
Mục lục bài viết
1. Uỷ quyền bằng miệng qua điện thoại có hợp pháp không?
Hợp đồng uỷ quyền được định nghĩa tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận của các bên mà trong đó:
– Bên nhận uỷ quyền sẽ thay mặt, nhân danh bên uỷ quyền và trong phạm vi được uỷ quyền để thực hiện các giao dịch, công việc, thoả thuận, hợp đồng cho bên uỷ quyền với người thứ ba.
– Nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về thù lao uỷ quyền thì bên uỷ quyền sẽ phải trả thù lao cho bên nhận uỷ quyền.
Theo những phân tích trên, hợp đồng uỷ quyền cũng có thể được coi là một loại của giao dịch dân sự và do đó, phải tuân theo các hình thức của giao dịch dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, hình thức của hợp đồng uỷ quyền có thể là bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Như vậy, việc uỷ quyền hoàn toàn có thể được thể hiện bằng lời nói và do đó uỷ quyền bằng miệng qua điện thoại cũng được coi là hợp pháp. Tuy nhiên, nếu pháp luật có quy định về việc uỷ quyền phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì các bên phải thực hiện theo quy định này.
Do đó, nếu pháp luật không có quy định khác thì các bên hoàn toàn có thể lập hợp đồng uỷ quyền bằng lời nói qua điện thoại. Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định về điều kiện để hợp đồng uỷ quyền bằng lời nói qua điện thoại có hiệu lực như sau:
– Về chủ thể giao kết hợp đồng uỷ quyền bằng lời nói qua điện thoại: Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự đang được các bên xác lập. Chủ thể giao kết hợp đồng uỷ quyền bằng lời nói qua điện thoại hoàn toàn tự nguyện tham gia vào việc giao kết hợp đồng này.
– Về mục đích và nội dung của hợp đồng uỷ quyền: không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
– Nếu pháp luật liên quan có yêu cầu bắt buộc phải lập hợp đồng uỷ quyền bằng văn bản hoặc hình thức của hợp đồng uỷ quyền là điều kiện có hiệu lực thì phải thực hiện theo quy định đó.
2. Có thể uỷ quyền lại bằng lời nói không?
Uỷ quyền lại bằng lời nói được quy định tại Điều 564 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
– Trong những trường hợp sau đây, bên được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác:
+ Bên ủy quyền thể hiện sự đồng ý về việc uỷ quyền lại đó;
+ Do sự kiện bất khả kháng mà nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền sẽ không thể thực hiện được.
– Việc ủy quyền lại phải đảm bảo không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
– Hình thức
Theo quy định này, nếu hợp đồng uỷ quyền ban đầu cũng được thể hiện bằng hình thức lời nói qua điện thoại thì việc uỷ quyền lại chỉ có thể được sử dụng hình thức bằng lời nói qua điện thoại. Ngoài ra, để được uỷ quyền lại, người uỷ quyền cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có sự đồng ý của bên uỷ quyền ban đầu.
– Do sự kiện bất khả kháng xảy ra mà nếu không thực hiện việc uỷ quyền lại cho người khác thì việc xác lập, thực hiện giao dịch theo hợp đồng uỷ quyền ban đầu vì lợi ích của người uỷ quyền sẽ không thể thực hiện được.
– Khi thực hiện uỷ quyền lại, phạm vi uỷ quyền trong trường hợp uỷ quyền lại không được vượt quá phạm vi uỷ quyền ban đầu.
3. Một số trường hợp uỷ quyền phải lập thành văn bản:
STT | Việc uỷ quyền | Yêu cầu | Căn cứ |
1 | Uỷ quyền đăng ký hộ tịch trừ đăng ký kết hôn, kết hôn lại, nhận cha mẹ con. | Phải lập thành văn bản, có chứng thực | Điều 2 Thông tư số |
2 | Xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 | Phải lập thành văn bản | khoản 3 Điều 45 Văn bản hơp nhất Luật Lý lịch tư pháp năm 2020 |
3 | Nhờ mang thai hộ | Uỷ quyền bằng văn bản có công chứng được vợ hoặc chồng của một trong hai bên lập | Khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 |
4 | Ủy quyền giao dịch | – Trong trường hợp các hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia vào các quan hệ dân sự, các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc tổ chức đó không có tư cách pháp nhân sẽ là những chủ thể tham gia vào việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự, hoặc họ có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia vào việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự. – Trừ trường hợp giữa các bên có thoả thuận khác thì việc ủy quyền trong trường hợp này phải được lập thành văn bản. Phải thông báo cho các bên tham gia quan hệ dân sự biết khi có sự thay đổi người đại diện | Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 |
5 | Đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự, trừ trường hợp ly hôn | Theo nội dung văn bản uỷ quyền giữa các bên, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự. | Điều 85, Điều 86 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2023 |
6 | Chủ nợ ủy quyền cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ | Khi tham gia Hội nghị chủ nợ, chủ nợ hoàn toàn có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ. Người được ủy quyền trong trường hợp này sẽ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như chủ nợ. | Khoản 1 Điều 77 Luật Phá sản năm 2014 |
7 | Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nếu không tham Hội nghị chủ nợ thì ủy quyền cho người khác tham gia | Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 5 của Luật Phá sản năm 2014, chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã mà mất khả năng thanh toán. Họ có nghĩa vụ tham dự Hội nghị chủ nợ. Trong trường hợp không thể tham dự, họ phải ủy quyền bằng văn bản cho một người khác tham dự Hội nghị chủ nợ. Người được ủy quyền sẽ có quyền và nghĩa vụ tương tự như người ủy quyền. | Khoản 1 Điều 78 Luật Phá sản năm 2014 |
8 | Người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền để thực hiện điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở | Thành phần của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở bao gồm Trưởng đoàn, người sử dụng lao động hoặc người đại diện được ủy quyền bằng văn bản bởi người sử dụng lao động, cùng các thành viên bao gồm đại diện từ Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện của tập thể người lao động khi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, cũng như người thực hiện công tác an toàn lao động, người thực hiện công tác y tế, và một số thành viên khác. | Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 |
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
– Văn bản hơp nhất Luật Lý lịch tư pháp năm 2020;
– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
– Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2023;
– Luật Phá sản năm 2014;
– Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
THAM KHẢO THÊM: