Để đánh giá một quốc gia có là một quốc gia phát triển hay không, thì nền kinh tế của quốc gia đó chính là tiêu chí được đặt lên hàng đầu thể hiện sự đánh giá đó. Kinh tế- xã hội là hai vấn đề luôn đi cùng, mật thiết với nhau. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu thêm về Ủy ban kinh tế.
1. Ủy ban kinh tế là gì?
Quan hệ kinh tế đã và đang ngày một mở rộng về quy mô, phức tạp về tính chất; các hình thức kinh doanh ngày một đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, các ngành nghề kinh doanh ngày một càng nhiều; sự hội nhập các nước khác trên thế giới ngày một sâu rộng,… Khi đó, để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế thì vấn đề quản lý nhà nước về kinh tế là vô cùng quan trọng.
Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước. Việc quy định như vậy nhằm thể hiện quyền lực nhà nước thống nhất, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Qua hoạt động giám sát việc thực hiện Luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực kinh tế, Quốc hội dễ dàng phát hiện những bất cập, những khoảng trống hay sự lạc hậu của các văn bản pháp luật, pháp lệnh trong cuộc sống. Từ đó là cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật về kinh tế nói riêng. Trong số các chủ thể thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế là cơ quan chuyên môn giúp Quốc hội thực hiện chức năng theo dõi giám sát hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế.
Nếu như tại
Ủy ban Kinh tế là cơ quan chuyên môn của Quốc hội, do Quốc hội thành lập với cơ cấu gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực làm việc theo chế độ chuyên trách và các thành viên khác làm việc kiêm nhiệm.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của của Ủy ban Kinh tế:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kinh tế được quy định cụ thể tại Điều 72 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019, cụ thể
Thứ nhất, thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.
Để giúp cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh có tính hiệu quả và khả thi, Ủy ban Kinh tế thường bám sát quá trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thông qua các hình thức: cử thành viên Ủy ban tham gia vào quá trình soạn thảo dự án luật, mời các cơ quan hữu quan báo cáo tình hình tiến độ xây dựng luật và cho ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế có thể tự mình hoặc phối hợp cùng với cơ quan soạn thảo tổ chức khảo sát thực tế, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề trong đó chú trọng đến các ý kiến các chuyên gia, đối tượng dự kiến sẽ chịu sự điều chỉnh của dự án luật, pháp lệnh khi được thông qua.
Việc thẩm tra này thể hiện kết quả thông qua báo cáo thẩm tra. Báo cáo thẩm tra sẽ giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở lý luận và thực tiễn thảo luận có hiệu quả về dự án luật, pháp lệnh.
Thứ hai, chủ trì thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội; thẩm tra chính sách cơ bản về tiền tệ quốc gia. (Khoản 2)
Các chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội và việc thực hiện chính sách kinh tế trước khi trình lên Quốc hội phải được xem xét, kiểm tra về tính hợp pháp, hợp lý và tính khả thi trên thực tế. Việc kiểm tra, thẩm định này phải do cơ quan có đủ năng lực thực hiện. Đồng thời, việc thẩm tra này cũng thể hiện được nguyên tắc “dân biết, dân quyết, dân làm, dân kiểm tra” của Nhà nước ta. Hay việc thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng vậy, việc thẩm tra này sẽ là cơ sở đề Quốc Hội, Ủy ban thường vụ Quốc Hội đánh giá hoạt động của Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế.
Thứ ba, giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh; chủ trì giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội và việc thực hiện chính sách kinh tế. (Khoản 3)
Hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và về việc thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế- xã hội của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội của Ủy ban Kinh tế là cơ sở thực tế để Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện tốt vai trò của mình trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Việc giám sát này có thể được thể hiện qua nhiều hoạt động như: Giám sát trên cơ sở các văn bản, báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành trung ương về việc thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế- xã hội của Quốc hội, về tình hình thực hiện luật, pháp lệnh hoặc tổ chức đoàn công tác đi giám sát thực tế các bộ, ngành trung ương và địa phương; giám sát dựa trên cơ sở ý kiến cử trị, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội những thiếu sót, phát hiện những vấn đề cần thiết điều chỉnh bằng luật, pháp lệnh.
Thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế, Ủy ban Kinh tế có thể phát hiện những khoảng trống của pháp luật hoặc sự không phù hợp, chồng chéo của pháp luật so với thực tế cuộc sống để kịp thời sửa đổi.
Để đảm bảo các chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội và việc thực hiện chính sách kinh tế được thực hiện đúng theo mục đích, tiến độ khi được phê duyệt thì hoạt động giám sát là hoạt động không thể thiếu. Tuy nhiên, không thể để cho Chính phủ, hay các cơ quan trực thuộc Chính phủ là bộ, cơ quan ngang bộ vừa là cơ quan thực hiện, vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện đó được. Do vậy, thẩm quyền giám sát sẽ thuộc về Ủy ban Kinh tế- cơ quan chuyên môn của Quốc hội về kinh là hoàn toàn hợp lý. Ủy ban kinh tế sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách, nhiệm vụ,.. về kinh tế có được thực hiện đúng theo mục tiêu ban đầu đã đề ra không.
Thứ tư, giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách (Khoản 4). Việc giám sát các văn bản do các chủ thể này ban hành nhằm phát hiện những văn bản hướng dẫn không phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Qua đó, Ủy ban kinh tế kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bãi bỏ văn bản không phù hợp để đảm bảo hệ thống văn bản pháp luật kinh tế phù hợp với cuộc sống, đôn đốc các bộ, ngành kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để sớm đưa luật vào thi hành.
Thứ năm, Ủy ban Kinh tế trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách (Khoản 5). Đây là hoạt động trực tiếp xây dựng pháp luật của Ủy ban Kinh tế. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, khi nhận thấy cần có văn bản luật, pháp lệnh mới ban hành để điều chỉnh các vấn đề về kinh tế, thì Ủy ban Kinh tế sẽ tiến hành xây dựng các văn bản đó và trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các dự án luật, dự án pháp luật đó.
Thứ sáu, kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh (Khoản 6). Qua quá trình giám sát, nếu nhận thấy cần có sự thay đổi về quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh của các cơ quan hữu quan, thì Ủy ban Kinh tế sẽ tiến hành kiến nghị các vấn đề đó để các cơ quan hữu quan này xem xét, điều chỉnh hoạt động quản lý của mình sao cho phù hợp với pháp luật và thực tiễn.