Ta nhận thấy, Ủy ban đối ngoại là một trong các cơ quan của Quốc hội, có chức năng chính đó là tham mưu cho Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế. Cùng tìm hiểu các hoạt động của Ủy ban đối ngoại.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về Uỷ ban đối ngoại:
1.1. Hoạt động đối ngoại là gì?
Hiểu một cách chung nhất thì hoạt động đối ngoại là tổng thể các hoạt động và quan hệ của một nước vối bên ngoài.
Công tác đối ngoại là lĩnh vực hoạt động phong phú và phức tạp. Các hoạt động đối ngoại có thể diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, cọ thể xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia khác, cũng có thể đồng thời diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Các hoạt động đó được tiến hành nhằm đạt những mục đích chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… hoặc kết hợp các mục đích khác nhau.
Các hoạt động đối ngoại có thể do cơ quan Đảng, Nhà nước, có thể do tổ chức xã hội tiến hành hoặc cơ quan nhà nước và tổ chức xã hôi phối hợp cùng thực hiện.
Các hoạt động đối ngoại sẽ được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo tính nhất quán, tính khoa học, đảm bảo lọi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng khác, tức là Quản lý tất cả các hoạt động và quan hê do các cơ quan, tổ chức của Việt Nam thực hiện với các nước, các tổ chức nước ngoài cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực.
Các hoạt động đối ngoại hiện nay sẽ do Chính phủ thống nhất Quản lý.
1.2. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội là gì?
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội là cơ quan đối ngoại của Quốc hội với nhiệm vụ thực thi ngoại giao với Quốc hội các nước.
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trong những năm gần đây đã chủ trì và phối hợp thẩm tra nhiều dự án luật, điều ước quốc tế quan trọng trình Quốc hội phê chuẩn, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho công tác đối ngoại và thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Hoạt động đối ngoại nghị viện song phương và đa phương được triển khai ở nhiều cấp độ, đưa mối quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước phát triển thiết thực, hiệu quả; nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trong các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng là cơ quan nghiên cứu, quán triệt và thực hiện mục tiêu đối ngoại của Quốc hội. Và là cơ quan thẩm tra dự án, luật, nghị định, nghị quyết liên quan đến các vấn đề đối ngoại của Chính phủ và Nhà nước trước khi đệ trình lên Quốc hội.
1.3. Nội dung quản lý nhà nước về đối ngoại:
Hoạt động Quản lý nhà nước về đối ngoại rất đa dạng và sẽ phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trong lĩnh vực đối ngoại, Bộ ngoại giao là cơ quan thực hiện Quản lý nhà nước một cách toàn diện mà hoạt động chính trị đối ngoại là nội dung quan trọng nhất. Hoạt động Quản lý nhà nước về đối ngoại do Bộ ngoại giao thực hiện là mảng quan trọng nhất trong Quản lý các hoạt động đối ngoại bởi hoạt đông này giữ vai trò quyết định trong việc tạo môi trường quốc tế thuận lợi và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mở thêm các cánh cửa cho nước ta hội nhập với thế giới.
Kinh tế đối ngoại luôn là lĩnh vực được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới nhằm tranh thủ những điều kiện thuận lợi và nguồn lực về vốn, viện trợ phát triển, công nghê và kinh nghiệm Quản lý phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Quản lý nhà nước về kinh tế đối ngoại chù yếu sẽ do Bộ công thương và Bộ kế hoạch và đầu tư tiến hành. Do đó, nội dung Quản lý nhà nước về đối ngoại được thể hiện tập trung nhất thông qua nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ ngoại giao, Bộ công thương, Bộ kế hoạch và đầu tư.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban đối ngoại:
Căn cứ Điều 78
“Điều 78. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban đối ngoại
1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực đối ngoại của Nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.
2. Chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội; thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại; thẩm tra đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước; giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; giám sát hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại của các ngành và địa phương; giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.
4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
5. Thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.
6. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về chính sách đối ngoại của Nhà nước, về quan hệ với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực, các tổ chức quốc tế khác, về việc ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.”
Ủy ban đối ngoại có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác thẩm tra nhiều dự án luật, điều ước quốc tế quan trọng trình Quốc hội phê chuẩn, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho công tác đối ngoại, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trong các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương khu vực và thế giới.
Ủy ban đối ngoại có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng như trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về đối ngoại. Ủy ban còn tham mưu cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quan hệ đối ngoại trên các kênh ngoại giao nghị viện song phương; tham gia tích cực trên các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực; phối hợp tốt với các kênh ngoại giao của Đảng, Chính phủ và ngoại giao nhân dân.
Ủy ban có trách nhiệm chú trọng giám sát việc thực hiện cam kết và điều ước quốc tế. Ngoài việc tham gia đoàn giám sát chung và công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban đối ngoại còn có trách nhiệm giám sát ở cấp ủy ban và tham gia mô hình giám sát chung với Quốc hội các nước.
3. Vai trò của Ủy ban đối ngoại:
Trong những năm gần đây, hoạt động của Ủy ban đối ngoại đã có những dấu ấn quan trọng, góp phần đưa vị thế của ngoại giao nghị viện ngày càng được nâng cao, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước trên thế giới.
Ta nhận thấy, Ủy ban đối ngoại là một trong các cơ quan của Quốc hội, có chức năng chính đó là tham mưu cho Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế, bên canh đó sẽ trực tiếp triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Trong suốt quá trình thành lập và phát triển, Ủy ban đối ngoại qua các nhiệm kỳ đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại Quốc hội góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, huy động nguồn lực cho phát triển, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển.
Ủy ban đối ngoại được hình thành giúp cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, và Quốc hội Việt Nam nói riêng, trên trường quốc tế.