Ưu tiên thanh toán nợ khi bị thi hành án. Quá hạn trả nợ vốn vay hỗ trợ, bị kê biên thi hành án do nợ ngoài, ngân hàng được đảm bảo quyền lợi thế nào?
Ưu tiên thanh toán nợ khi bị thi hành án. Quá hạn trả nợ vốn vay hỗ trợ, bị kê biên thi hành án do nợ ngoài, ngân hàng được đảm bảo quyền lợi thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Khách hàng vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của chính phủ 50 triệu đồng, đã quá hạn, bên cạnh đó khách hàng này cũng có nợ ở bên ngoài và đang được cơ quan thi hành án đang kê biên tài sản xử lý. Tuy nhiên thi hành án báo cho Ngân hàng biết là khi kê biên tài sản sẽ không ưu tiên trả nợ Ngân hàng mà phải trả các khoản nợ của người được thi hành án (vì vay không có hợp đồng thế chấp tài sản) và đồng thời yêu cầu Ngân hàng giao bản chính giấy đất cho thi hành án. Như vậy thi hành án thực hiện có đúng không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trước tiên, qua những thông tin bạn cung cấp, có thể hiểu rằng vị khách hàng đã vay tiền của Ngân hàng và những chủ thể khác và đến nay không có khả năng thanh toán.
Cơ chế cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được quy định tại điều 9 như sau:
“Điều 9. Cơ chế bảo đảm tiền vay
1. Tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau:
a) Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại Điểm c Khoản 2 Điều này);
b) Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp (trừ trường hợp nêu tại Điểm c Khoản 2 Điều này);
c) Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm;
d) Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh;
đ) Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp;
e) Tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;
g) Tối đa 02 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không bao gồm các đối tượng thuộc Điểm h Khoản 2 Điều này;
h) Tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
3. Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 2 Điều này phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấychứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Khách hàng chỉ được sử dụnggiấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định này.
4. Các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này không phải nộp các lệ phí sau: Lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng; Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.”
Như vậy, việc vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP có thể được thực hiện theo phương thức vay có bảo đảm hoặc vay không có bảo đảm. Do đó, trong vụ việc này, có hai trường hợp có thể xảy ra.
Trường hợp thứ nhất: khách hàng vay vốn có tài sản bảo đảm tại ngân hàng. Như vậy, vì khách hàng có vay tiền tại nhiều nơi, nhưng chỉ lập hợp đồng thế chấp kèm theo hợp đồng vay tiền với Ngân hàng nên Ngân hàng sẽ là chủ thể được ưu tiên thanh toán đầu tiên sau khi tài sản bảo đảm được xử lý.
Trường hợp thứ hai: khách hàng vay vốn không có tài sản bảo đảm theo quy định tại các Điều 9, Điều 14 và Điều 15 Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Lúc này, tất cả các hợp đồng vay của khách hàng đều không xác định tài sản bảo đảm do không lập hợp đồng thế chấp. Do đó, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản của người khách hàng sẽ được xác định theo thời gian xác lập các hợp đồng vay. Nếu hợp đồng vay ký với Ngân hàng được xác lập trước thì sẽ được ưu tiên thanh toán ở vị trí đầu tiên.
Như vậy, cần căn cứ vào nhữn thông tin cụ thể trong vụ việc đê xác định tính chính xác trong quyết định của cơ quan thi hành án về thứ tự ưu tiên thanh toán sau khi kê biên tài sản.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 89 Luật thi hành án dân sự 2008 về Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm quy định:
“1. Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký.
2. Sau khi kê biên, Chấp hành viên thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật này.”
Điều 178 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định về Trách nhiệm của cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm trong thi hành án dân sự như sau:
“1. Tạm dừng hoặc dừng việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến các giao dịch đối với tài sản của người phải thi hành án đăng ký tại cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm ngay sau khi nhận được yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.
2. Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người mua được tài sản, người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.
3. Thu hồi, sửa đổi, hủy các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, giấy tờ đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp cho người phải thi hành án; thực hiện việc cấp mới các giấy tờ theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, trong quá trình thi hành án, Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trực tiếp thực hiện các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng là tài sản thuộc đối tượng kê biên. Việc Cơ quan thi hành án yêu cầu phía ngân hàng giao nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thiếu căn cứ pháp lý.