ASEAN là gì? Những nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương ASEAN? Ưu điểm và nhược điểm của “nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ” của ASEAN?
Như chúng ta đã biết, có thể nghe đến qua các phương tiện thông tin truyền thông về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á và Việt Nam đã chính thức gia nhập vào hiệp hội này với mục đích tham gia hội nhập để đưa đất nước phát triển theo một hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển vững mạnh. Khi Hiệp hội được sáng lập đã đề ra các nguyên tắc buộc cá nước tham gia phải tuân theo quy định về nguyên tắc đó. Vậy nguyên tắc của Hiệp hội gồm những nguyên tắc nào?
1. ASEAN là gì?
ASEAN là viết tắt của cụm từ Association of Southeast Asian Nations, còn được gọi là hiệp hội các quốc gia Đông Nam á. Asean được thành lập vào tháng 8 năm 1967, tại Băng Cốc Thái Lan. Đây được coi là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam á. Sự hợp tác giữa các quốc gia để thành lập nên hiệp hội các quốc gia Đông Nam á thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong khu vực, đồng thời chống lại tình trạng bạo động bất ổn tại các nước thành viên.
ASEAN là gì?
Thành viên của hiệp hội các quốc gia Đông Nam á Asean bao gồm:
– 5 quốc gia sáng lập: Cộng hòa Indonesia, Liên bang Malaysia, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Singapore, Vương Quốc Thái Lan.
– Các quốc gia gia nhập sau: Vương quốc Brunei, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Liên bang Myanmar, Vương Quốc Campuchia
– Hai quan sát và ứng cử viên: Papua New Guinea và Đông Timor.
2. Những nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương ASEAN
Tại Hiến chương ASEAN đã nêu rõ: ASEAN và các quốc gia thành viên hoạt động theo nguyên tắc dưới đây:
– Nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của các quốc gia thành viên.
– Nguyên tắc cam kết và chia sẻ trách nhiệm tập thể trong việc thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực
– Nguyên tắc không xâm lược, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hay các hành động khác dưới bất kỳ hình thức nào khác trái với luật pháp quốc tế.
– Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
– Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên
– Nguyên tắc tôn trọng quyền của các quốc gia thành viên được quyết định vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp và áp đặt từ bên ngoài.
– Nguyên tắc tăng cường tham vấn về các vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung
Những nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương ASEAN:
– Nguyên tắc tuân thủ pháp quyền và các nguyên tắc của nền dân chủ chính phủ hợp hiến.
– Nguyên tắc tôn trọng quyền tự do cơ bản, thúc đẩy bảo vệ nhân quyền và đẩy mạnh công bằng xã hội.
– Nguyên tắc đề cao Hiến Chương Liên hợp quốc là luật pháp quốc tế.
– Nguyên tắc không tham gia vào bất kỳ một chính sách khai hoạt động nào đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự ổn định chính trị kinh tế của các quốc gia thành viên.
– Nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của người dân asean
– Nguyên tắc giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội với bên ngoài.
– Nguyên tắc tuân thủ các nguyên tắc thương mại đa biên và cơ chế dựa trên luật lệ của asean, nhằm phát triển có hiệu quả các cam kết kinh tế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn rào cản đối với liên kết kinh tế khu vực, trong nền kinh tế tự do thị trường thúc đẩy.
– Nguyên tắc Asean hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa phương thức ra quyết định, nguyên tắc trong quan hệ với các đối tác, tiệm tiến và thoải mái với tất cả các bên.
Như vậy, khi thành lạp hiệp hội quốc gia Đông Nam Á, cùng với sư phát triển kinh tế, các nước tham gia trong hội đã quyết định thành lập ra các nguyên tắc hoạt động của Hội. Dựa trên các nguyên tắc này để các nước hợp tác thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực, thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác với mục đích nhằm tăng cường cơ sở trong cộng đồng các nước Đông Nam á hòa bình và phát triển thịnh vượng.
3. Ưu nhược điểm của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN
Năm nội dung chính của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN theo Nghị quyết 2625 như sau:
Không một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, và với bất kỳ lý do nào, vào các công việc đối nội hoặc đối ngoại của một quốc gia khác. Vì thế, can thiệp quân sự và tất cả các hình thức can thiệp hoặc mưu toan đe dọa nhằm chống lại phẩm cách của quốc gia hoặc chống lại cơ sở chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó sẽ được coi là vi phạm luật pháp quốc tế.
Không một quốc gia nào có thể sử dụng hoặc khuyến khích việc sử dụng các biện pháp kinh tế chính trị hoặc bất kỳ cách thức nào khác nhằm cưỡng ép quốc gia khác để từ đó có được sự lệ thuộc vào việc thực hiện các quyền chủ quyền của mình và bảo đảm lợi thế của mình dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, không một quốc gia nào có thể tổ chức, trợ giúp xúi giục, giúp đỡ tài chính khuyến khích hoặc ngầm đồng ý các hoạt động khủng bố, lật đổ hoặc hoạt động quân sự trực tiếp nhằm lật đổ chế độ hiện hành của một quốc gia khác, hoặc can thiệp vào những cuộc nội chiến của một quốc gia khác.
Việc sử dụng vũ lực nhằm loại bỏ bản sắc riêng của các dân tộc là sự vi phạm các quyền không thể tách rời của các dân tộc đó và vi phạm nguyên tắc không can thiệp.
Mỗi quốc gia có quyền không thể tách rời trong việc lựa chọn chế độ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của mình mà không có bất kỳ sự can thiệp của các quốc gia khác
Không một điều nào được nói đến ở trên sẽ được hiểu là sự phản ánh những điều khoản có liên quan của Hiến chương Liên hợp quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới.
a. Về ưu điểm:
– Thứ nhất: Xuất phát từ những đặc thù về lịch sử, chính trị….nên bản thân ASEAN cũng như các quốc gia thành viên đều dành sự quan tâm và tôn trọng đặc biệt đối với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ. Hơn nữa, mỗi khi nói đến vấn đề an ninh nội bộ của từng nước thì bức tranh an ninh ở ĐNA vốn đã rất phức tạp, lại thêm giữa các nước ĐNA với nhau còn tồn tại nhiều tranh chấp về lãnh thổ, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, văn hoá v.v… Các mâu thuẫn này không lớn nhưng việc giải quyết chúng không đơn giản. Mặt khác xét về phương diện chủ quyền, chúng ta thấy chủ quyền quốc gia luôn là quyền tối cao nhất, đặc biệt về mặt lịch ta thấy đối với các nước thành viên của ASEAN trước đây hầu hết là thuộc địa của các nước phương Tây, do đó để thành lập được đất nước như hiện nay họ đều phải trải qua quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ, nên nguyên tắc này được coi như là thành quả của cuộc cách mạng đấu tranh bảo vệ đất nước của các quốc gia
– Thứ hai, xét về mặt đối nội, đối ngoại quốc gia có quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa ; có quyền tối cao trong việc thiết lập và thực thi quyền lực nhà nước. Và vì vậy các quốc gia khác không có quyền can thiệp, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có thể thực hiện quyền tối cao của mình
– Thứ ba, trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia, chúng ta thấy nguyên tắc này rất được tôn trọng, từ đó giúp các quốc gia yên tâm hơn, tạo nên bầu không khí hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, tạo cơ sở phát triển hợp tác giữa các thành viên trong khu vực trên nhiều lĩnh vực.
b. Về nhược điểm
Tuy các thành viên của ASEAN có mục đích tôn chỉ chung, song vì truyền thống lịch sử hoặc lợi ích địa – chính trị, từng nước ASEAN có chính sách an ninh riêng, một số nước có quan hệ an ninh với một số nước ngoài khu vực tạo điều kiện cho sự can thiệp quân sự của nước ngoài mỗi khi xảy ra khủng hoảng liên quan đến an ninh của các nước ASEAN đó. Do đó, trong những tình huống như vậy nếu các quốc gia ASEAN vẫn giữ thái độ như nguyên tắc nêu, thì càng làm cho tình hình của ASEAN thêm căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình của Đông Nam Á bởi vì không can thiệp vào công việc nội bộ nên việc giải quyết sẽ bị chậm hơn và dẫn tới hậu quả nặng nề.
Như vậy, ta có thể thấy mặc dù nguyên tắc quy định không can thiệp vào công việc nội bộ nhưng trong nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ ASEAN thì vẫn có những ngoại lệ vãn có thể can thiệp theo quy định của các điều ước quốc tế nhưng không ảnh hưởng đến việc áp dụng các biện pháp. Theo đó, với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan có quyền can thiệp vào bất kỳ vấn đề nội bộ nào của bất kỳ quốc gia thành viên nào nếu xét thấy có mối đe dọa đến hòa bình, phá hoại hòa bình và hành vi xâm lược và quyền can thiệp của Hội đồng Bảo an rất rộng và gần như không có giới hạn. Ngoại lệ thứ hai là vẫn có thể tham gia vào công việc nội bộ nước khác nhưng dưới lời mời của chính quốc gia khác đó.