Ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân có bắt buộc do Đảng giới thiệu? Đảng viên có được tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã mà không cần tổ chức Đảng đồng ý không?
Ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân có bắt buộc do Đảng giới thiệu? Đảng viên có được tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã mà không cần tổ chức Đảng đồng ý không?
Tóm tắt câu hỏi:
Ông Nguyễn Văn A (sinh năm 1974) là Đảng viên, sinh hoạt tại chi bộ thôn K, đang công tác tại Ủy ban nhân dân xã H, giữ chức vụ công chức Kế toán – Tài chính. Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban nhân dân xã thực hiện thông báo của Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã tổ chức các hội nghị giới thiệu ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân xã nhưng không giới thiệu ông Nguyễn Văn A. Thực hiện thông báo của Ủy ban mặt trận Tổ quốc, xã H phân bổ cho thôn K được giới thiệu 3 người, trong đó người ngoài Đảng. Chi bộ thôn K tổ chức họp giới thiệu ông Nguyễn Văn A tuy nhiên đồng chí Phó Chủ tịch cùng họp tại chi bộ thôn K nêu ý kiến đồng chí Nguyễn Văn A phải giới thiệu ở xã vì đang làm việc ở xã. Đại diện Đảng uỷ xã mời chi uỷ họp quan triệt chi bộ giới thiệu không đúng thông báo vì Ông Nguyễn Văn A là công chức xã, thì xã giới thiệu. Mấy hôm sau, Mặt trận tổ quốc xã hướng dẫn thôn họp giới thiệu người khác. Tại Hội nghị hiêp thương lần 2 có người tiếp tục giới thiệu Ông Nguyễn Văn A, tuy nhiên Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã biểu quyết không đưa vào danh sách ứng cử viên. Vậy chi bộ làm như vậy đúng hay sai? Nếu sai thì trách nhiệm thuộc cơ quan, tổ chức nào?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý:
– Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015;
– Hướng dẫn 03-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW.
2. Luật sư tư vấn:
Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định điều kiện trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã như sau:
"- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
– Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
– Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
– Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm."
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên thì Ông A có thể ứng cử vào đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Ngoài ra, theo thông tin bạn cung cấp Ông A là Đảng viên, ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, Ông A còn phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Hướng dẫn 03-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
“2.Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu hoặc cho phép thì không được:
a) Tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử người khác vào các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội (mà những chức danh này theo quy định phải do tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu).
b) Tập hợp lực lượng, tổ chức phe nhóm, dòng họ, cục bộ địa phương để vận động người tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội.”
Tại mục 5.2 Hướng dẫn 38-HD/BTCTW hướng dẫn:
"5.2. Đảng viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội, tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý, cụ thể như sau:
+ Đối với đảng viên không giữ chức vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội, nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải báo cáo và phải được chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.
+ Đối với đảng viên đang giữ các chức vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước hoặc đã nghỉ hưu, nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải báo cáo và phải được cấp ủy cấp trên của chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý; cán bộ nghỉ hưu phải được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên trước khi nghỉ hưu đồng ý."
Như vậy nếu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là đảng viên thì khi tự ứng cử phải báo cáo và phải được cấp ủy cấp trên của chi bộ, đảng bộ cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt đồng ý. Theo như bạn trình bày, Ông Nguyễn Văn A sinh năm 1974, là Đảng viên, sinh hoạt tại chi bộ thôn K, đang công tác tại Ủy ban nhân dân xã H, giữ chức vụ công chức Kế toán – Tài chính. Ông A được chi bộ thôn K giới thiệu nhưng xã H lại không giới thiệu và xã cũng không đồng ý với lý do Ông H đang làm việc ở xã. Do đó đối với thắc mắc của bạn, Ông A cần được sự đồng ý của tổ chức Đảng xã H. Nếu được Ban công tác Mặt Trận thôn K giới thiệu ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân xã H và ông A được tổ chức Đảng xã H đồng ý thì Ông H có quyền tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Nếu tổ chức Đảng xã H không đồng ý thì Ông A không được tham gia ứng cử Hội đồng nhân dân cấp xã.