Có được tước quyền làm cha không? Yêu cầu bỏ tên cha khỏi giấy khai sinh? Có được yêu cầu chồng bỏ quyền làm cha được không? Trường hợp bỏ tên cha trong giấy khai sinh?
Giấy khai sinh là giấy tờ vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân, phục vụ nhiều thủ tục khác nhau. Nội dung trên giấy khai sinh thể hiện tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, quê quán,.. và đặc biệt là thông tin của cha, mẹ của người đó. Nhiều trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau mà giấy khai sinh không đầy đủ tên cha, mẹ. Nhiều trường hợp, cha mẹ lại muốn thực hiện thủ tục xóa bỏ tên cha hoặc mẹ ra khỏi giấy khai sinh. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, không phải trường hợp nào cùng được quyền tước bỏ quyền làm cha, bỏ tên cha ra khỏi giấy khai sinh của con.
Căn cứ pháp lý:
–
– Luật Hộ tịch 2014;
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Có được tước quyền làm cha không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chúng tôi sống chung 3 năm không đăng ký kết hôn, có 1 con gái 1 tuổi, mang họ cha, nhưng bây giờ người cha không muốn con gái mang họ cha nữa, anh yêu cầu tôi làm giấy tờ để đổi họ. Tôi đồng ý với ý kiến của người cha. Khi con gái tôi được 2 tháng tuổi, chúng tôi không sống chung nữa, đến bây giờ 1 tuổi người cha chưa 1 lần đến thăm con, con nằm viện mấy lần tôi có điện thoại báo cho anh nhưng anh không đến thăm, không chu cấp tiền nuôi dưỡng, anh rất vô trách nhiệm, anh không coi đó là con anh. Xin cho tôi hỏi thủ tục tước quyền làm cha, và khai trừ tên cha khỏi khai sinh như thế nào, tôi phải đến những cơ quan chức năng nào để được giải quyết.
Luật sư tư vấn:
Pháp luật hôn nhân gia đình và hộ tịch hiện hành quy định quan hệ giữa cha và con có thể là quan hệ dựa trên yếu tố huyết thống (quan hệ giữa cha đẻ và con đẻ) hoặc dựa trên quan hệ nuôi dưỡng (quan hệ giữa cha nuôi và con nuôi).
Trường hợp của bạn, đây là quyền nhân thân nên bạn không thể tước bỏ quyền làm cha của họ được. Tuy nhiên nếu anh ấy có những cư xử quá đáng với mẹ con bạn thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền của làm cha của anh ấy đối với con của bạn.
Theo quy định của Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con nhưng lại lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, với tư cách là mẹ, bạn có quyền yêu cầu toà án hạn chế và không cho phép cha cháu bé được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con trong thời gian từ 1 đến 5 năm nếu như bạn có những căn cứ xác đáng trước tòa.
Tuy nhiên Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định là cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Tức là cha cháu bé vẫn phải thực hiện nghĩa vụ chu cấp kinh phí để nuôi dưỡng cháu.
2. Yêu cầu bỏ tên cha khỏi giấy khai sinh:
Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.
Thứ hai, chỉ được thực hiện cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch (việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch) khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Theo quy định trên, pháp luật không xác định trường hợp được cải chính hộ tịch khi muốn xóa tên cha khỏi giấy đăng ký khai sinh. Đối với trường hợp nêu trên của bạn, người cha trong giấy khai sinh là cha đẻ, có quan hệ huyết thống với con vì vậy khi bạn không muốn tên chồng cũ trên giấy khai sinh của con thì chỉ có thể thực hiện thủ tục không công nhận quan hệ cha con. Nhưng để thực hiện thủ tục này bắt buộc trên thực tế con bạn phải không có quan hệ huyết thống với chồng của bạn. Nếu chồng bạn là cha ruột của bé thì không thể làm thủ tục xóa tên người cha trên giấy khai sinh của con.
3. Có được yêu cầu chồng bỏ quyền làm cha được không?
Khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con như sau:
– Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.
– Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
– Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
– Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản thì không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc con không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Như vậy, bạn không thể yêu cầu chồng bạn từ bỏ quyền làm cha hoặc tước quyền của họ. Kể cả trong trường hơp hai bạn ly hôn thì cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con. Sau khi ly hôn người cha vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con mà bạn không được cản trở trừ trường hợp yêu cầu toà án hạn chế và không cho phép cha cháu bé được chấp thuận.
4. Trường hợp bỏ tên cha trong giấy khai sinh:
Xoá tên cha trong giấy khai sinh được hiểu là việc bỏ hẳn tên cha trong giấy khai sinh của người con. Hiện nay, có hai trường hợp được cho phép xóa tên cha khỏi giấy khai sinh của con như sau:
Trường hợp 1: Con được nhận làm con nuôi, cha mẹ nuôi thay đổi tên cha mẹ trong giấy khai sinh của con sau khi đã hoàn thành thủ tục nhận nuôi con nuôi.
Khoản 2 Điều 26 Luật Hộ tịch quy định về trường hợp thay đổi thông tin hộ tịch khi nhận nuôi con nuôi. Trong đó, về trường hợp thay đổi thông tin cha, mẹ trong nội dung khai sinh, quy định chỉ được thay đổi thông tin về người cha khi người con được nhận làm con nuôi của người khác và cha mẹ nuôi đổi tên cha trong giấy khai sinh.
Trường hợp 2: Cha không thừa nhận con và được Tòa án xác định
Khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Như vậy, chỉ khi được Toà án công nhận bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật về việc không xác định cha, mẹ con thì có thể thực hiện việc xoá tên cha trong giấy khai sinh.
Để thực hiện thủ tục không xác nhận cha con, cha/mẹ thực hiện thủ tục khởi kiện tòa án không công nhận cha con. Người khởi kiện cần nộp đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền những hồ sơ sau:
– Đơn khởi kiện:
– Giấy tờ nhân thân của người khởi kiện, người bị kiện: Chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu/ văn bản xác minh thông tin cư trú (thường áp dụng với người bị kiện khi người khởi kiện không có tài liệu chứng minh địa chỉ cư trú của người bị kiện)
– Giấy khai sinh của con;
– Căn cứ chứng minh không công nhận quan hệ cha con: Thông thường là giấy xét nghiệp ADN xác minh quan hệ huyết thống;
– Giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng
Trường hợp sau khi thụ lý, Tòa án xác định có căn cứ chấp nhận yêu cầu không công nhận cha con của nguyên đơn, Tòa án sẽ ban hành bản án công nhận yêu cầu. Sau khi có quyết định/ bản án của Tòa án, cha/mẹ thực hiện thủ tục xóa bỏ tên cha trong giấy khai sinh của con tại UBND cấp xã nơi đăng ký khai sinh hoặc UBND cấp huyên (đối với trường hợp có yếu tố nước ngoài).