Hiện nay, có 8 hình thức kỷ luật đối với quân nhân, trong đó tước quân tịch được xem là hình thức kỷ luật nặng nhất khi quân nhân bị mất đi danh hiệu cao quý trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Vậy tước quân tịch được hiểu như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải thích khái niệm này:
Mục lục bài viết
1. Tước quân tịch là gì?
Tước quân tịch hay còn gọi là Tước danh hiệu quân nhân có nghĩa là quân nhân đó bị xóa tên khỏi danh sách quân nhân và tước mọi quyền lợi mà bản thân quân nhân và gia đình được hưởng về quân nhân đó.
Tước danh hiệu quân nhân là hình phạt bổ sung đã được quy định kể từ trong Bộ luật hình sự năm 1985, có thể được áp dụng cho đối tượng phạm tội là quân nhân khi phạm tội nghiêm trọng do cố ý gây nguy hại lớn cho xã hội. Ví dụ: phạm tội bỏ vị trí chiến đấu; phạm tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới ; …
Tước quân tịch tiếng anh dịch là “Take away the title of soldier”
2. Quy định về tước quân tịch mới nhất:
2.1. Đối tượng áp dụng:
Chủ yếu áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2.2. Nguyên tắc xử lí theo thông tư 16/2020/TT-BQP quy định:
Mọi vi phạm kỷ luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh; hậu quả do vi phạm kỷ luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Việc áp dụng hình thức kỷ luật tước quân tịch phải được tiến hành nhanh chóng, chính xác, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
Không áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân và buộc thôi việc đối với nữ quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Không áp dụng các hình thức kỷ luật khác thay cho hình thức kỷ luật tước quân tịch được pháp luật quy định.
2.3. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật:
Khoản 3 Điều 42 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về về trường hợp kỷ luật tước quân tịch như sau:
“Trường hợp bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân thì chỉ huy đơn vị quản lý quân nhân bị xử lý từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên phải cử người đưa quân nhân bị kỷ luật, cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan bàn giao cho cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú (trừ trường hợp đào ngũ không trở lại đơn vị hoặc bị tòa án tuyên án phạt tù).”
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về trình tự thủ tục xử lý kỷ luật trong một số trường hợp như sau:
Trường hợp quân nhân đào ngũ bị xử lý kỷ luật vắng mặt thì đơn vị gửi văn bản thông báo hình thức xử lý và yêu cầu quân nhân vi phạm trở lại đơn vị về Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn, cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú và gia đình quân nhân. Nếu sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà quân nhân vi phạm vẫn không trở lại đơn vị thì bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Trường hợp người vi phạm đã chết thì chỉ xem xét, kết luận về hành vi vi phạm kỷ luật.
2.4. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật:
Không áp dụng thời hiệu đối với: Hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật tước quân hàm sĩ quan và tước danh hiệu quân nhân
Khoản 2,3,4 Điều 43 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về thời hạn xử lí kỷ luật tước quân tịch như sau:
“2. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật là 03 tháng. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian kiểm tra, xác minh làm rõ thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 tháng.
3. Trường hợp người vi phạm kỷ luật có liên quan đến vụ việc, vụ án đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thì trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử, đơn vị tạm dừng việc xem xét xử lý kỷ luật. Khi có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật có thẩm quyền hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì xem xét xử lý kỷ luật theo quy định. Thời hạn xem xét xử lý kỷ luật áp dụng theo Khoản 2 Điều này.
4. Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải chịu trách nhiệm về việc xử lý kỷ luật đối với người vi phạm trong thời hạn quy định.”
3. Sự kiện nổi bật về tước quân tịch trong Quân đội công an nhân dân:
Năm 2020 vừa qua, thông qua công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra đã phát hiện ra trong quân đội công an có trường hợp sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả và xử phạt theo quy định của pháp luật, đó là tước quân tịch quân nhân.
Ví dụ thứ nhất xảy ra ở tỉnh Lai Châu như sau:
Có 13 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lai Châu bị phát hiện vi phạm sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, trong đó có 2 lãnh đạo chỉ huy cấp phòng, một số chỉ huy cấp đội, còn lại là cán bộ chiến sĩ.
Trường hợp của thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế đã bị tước quân tịch và khai trừ khỏi Đảng năm 2019.
Ngoài ra, 12 trường hợp vi phạm khác Công an tỉnh Lai Châu đã đề nghị Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân bao gồm 11 người, 1 người giáng cấp bậc hàm do quy định thời điểm tuyển dụng được phép sử dụng văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và đến nay trường hợp này cũng đã hoàn thành chương trình bổ túc trung học phổ thông
Sau khi xử lý các trường hợp vi phạm, ban giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Cụ thể, cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ đã được xử lý rút khỏi quy hoạch Phó Giám đốc Công an tỉnh, điều chuyển công tác, phân loại không hoàn thành nhiệm vụ và kiểm điểm sâu sắc.
Trao đổi với báo Dân trí, Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: “Ban Giám đốc Công an tỉnh đã kiểm điểm nghiêm túc từ cán bộ cho đến chỉ huy cấp đội, chỉ huy cấp phòng và đồng chí trong Ban giám đốc phụ trách lĩnh vực. Nội dung này đã được lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp chủ trì những buổi họp kiểm điểm. Trên cơ sở kết luận của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh cũng đã điều chuyển các đồng chí vi phạm trong lĩnh vực này”.
Về nguyên nhân các trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả chậm phát hiện trong thời gian dài, thông tin trên báo điện tử, lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu cho rằng do quy định của ngành chưa chặt chẽ trong việc xác minh. Khi nhận hồ sơ, cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ chỉ kiểm tra văn bằng, chứng chỉ gốc bằng mắt thường, xem có bất thường hay không mà chưa có quy định đối chiếu nơi cấp, thời gian cấp, địa điểm cấp bằng…
Vụ việc thứ hai:
Vụ việc xảy ra vào đầu năm 2019, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, chiều 25/1/2019, ông Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã công bố quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa vì liên quan đến vụ việc nhận tiền chạy án.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Công an, hành vi nhận tiền từ ông Đỗ Đức Hiếu (nguyên cán bộ thuộc Đội Cảnh sát trật tự Công an TP Thanh Hóa) của Đại tá Phương là có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ nên Thanh tra Bộ Công an kiến nghị Bộ Công an thi hành kỷ luật với hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Đại tá Nguyễn Chí Phương.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Công an cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của 5 cán bộ, chiến sĩ khác của Công an TP Thanh Hóa có biểu hiện bao che tội phạm.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện 1 đoạn ghi âm dài hơn 23 phút có tiêu đề: “Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận tiền chạy án 260 triệu, bị thuộc cấp tố cáo”.
Qua đoạn ghi âm này cho thấy có nhiều cuộc hội thoại được ghi lại ở nhiều thời điểm khác nhau, trong đó có cả giọng nói của cả nam và nữ. Một trong số những người đó được cho là Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa và người kia từng công tác trong ngành Công an, là cựu thuộc cấp của Đại tá Phương.
Trong các đoạn ghi âm có đề cập tới việc người đàn ông được cho làm ở Công an TP Thanh Hóa có liên quan đến vụ việc trộm cắp xe máy có tìm Đại tá Phương đề nhờ “chạy án” và có đề cập tới tiền “chạy án”, với số tiền được nhắc đến là 260 triệu đồng, được nhắc nhiều lần…
Như vậy có thể thấy được các hành vi phức tạp và nghiêm trọng của các cán bộ trong thi hành nhiệm vụ. Quy định về Tước quân tịch được ban hành nhằm răn đe, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để người vi phạm đứng trong hàng ngũ cấp cao.
*Các bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
–
– Luật nghĩa vụ quân sự 2015
–
– Luật Hình sự 2015 (Sửa đổi bổ sung 2017)
– Công văn số 94/HĐNN7 của Hội đồng Nhà nước về giải thích việc “Tước danh hiệu quân nhân”
– Thông tư 16/2020/TT-BQP