Người nổi tiếng là những người được nhiều người biết đến, theo đó hình ảnh của họ được công khai rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy nếu tự ý sử dụng hình ảnh người nổi tiếng có bị phạt không?
Mục lục bài viết
1. Tự ý sử dụng hình ảnh người nổi tiếng có bị phạt không?
Căn cứ điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, trong trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã trở thành nạn nhân của hành vi tự ý sử dụng hình ảnh của người khác. Việc tự ý sử dụng hình ảnh người nổi tiếng tùy theo mục đích có thể bị xử lý bởi những hình thức xử phạt và mức xử phạt khác nhau. Chẳng hạn như lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng vì mục đích thương mại, như để tạo uy tín để bán hàng. Người nổi tiếng là những người có sức ảnh hưởng lớn, nên khi bán hàng kèm hình ảnh của người nổi tiếng sẽ thu hút được lượt người quan tâm và mua hàng. Việc tự ý sử dụng hình ảnh người nổi tiếng đã là vi phạm quy định pháp luật, nếu việc sử dụng nhằm mục đích đưa ra những thông tin không đúng sự thật, mạo danh người nổi tiếng nhằm lợi dụng uy tín, sự nổi tiếng của họ với mục đích lừa đảo bán hàng kém chất lượng thì mức độ của hành vi này rất nghiệm trọng. Không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người nổi tiếng mà còn làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, của những người tin tưởng và mua hàng, nhiều người tiêu dùng không tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng, chỉ vì yêu thích và tin nhầm là thần tượng của mình đã sử dụng rồi mà về dùng thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Chính vì những lẽ trên mà pháp luật nước ta có mức xử phạt rất nghiêm ngặt đối với hành vi tự ý sử dụng hình ảnh người nổi tiếng. Khoản 8 Điều 8 Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Hợp nhất Luật Quảng cáo cũng có quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là một hành vi bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 34 nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tự ý sử dụng hình ảnh của người khác như sau:
* Hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép
– Hình phạt chính: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
– Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng những biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo
+ Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân
Mức phạt tiền này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đồng thời, việc tự ý sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo các sản phẩm không tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng làm ảnh hưởng đến danh dự của người nổi tiếng còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chẳng hạn Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội quảng cáo gian dối cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Bênh cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 – 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm. hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với những hình ảnh mang tính chất bạo lực, dâm ô, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác thì có thể bị truy cứu về tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định này nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy vào mức độ gây thiệt hại thì hình phạt đối với người vi phạm nhẹ nhất là phạt cảnh cáo, nặng nhất là phạt tù 5 năm.
2. Mức bồi thường khi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác:
Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự đã quy định bảo vệ quyền hình ảnh của công dân, quyền về hình ảnh là một trong những quyền về nhân thân, đời tư cá nhân của công dân.
Khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo khoản 1 khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 được quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Như vậy, trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm thì người có lỗi phải bồi thường thiệt hại các khoản nêu trên, ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tính theo quy định.
3. Phải làm gì khi bị người khác tự ý sử dụng hình ảnh:
Việc giữ gìn hình ảnh người nổi tiếng rất quan trọng. Khi bị tự ý sử dụng hình ảnh nhận thấy có dấu hiệu bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, người nổi tiếng có đơn thư trình báo, tố giác kèm theo những thông tin, hình ảnh chứng minh việc đó thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc. Trong trường hợp chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm thì những người này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân.
Như vậy khi cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh mà làm ảnh hưởng đến mình thì người nổi tiếng có 3 cách để giải quyết bảo vệ quyền lợi của mình đó là:
– Gửi đơn hoặc có yêu cầu trực tiếp đến cá nhân hoặc tổ chức sử dụng hình ảnh của mình buộc gỡ bỏ những hình ảnh xuống.
– Gửi đơn đến cơ quan Sở thông tin và truyền thông nơi cá nhân, tổ chức đó cư trú hoặc có trụ sở.
– Gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Nếu không dừng thì có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xem xét, xử lý vi phạm, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi này khiến cho người nổi tiếng bị ảnh hưởng nghiêm trong đến uy tín, danh sự, tổn thương về tinh thần, bị hủy hợp đồng, gây sốc về tâm lý, ảnh hưởng đến đời sống riêng tư với mức độ nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với các cơ quan báo chí đăng ảnh cá nhân mà không xin phép thì Sở thông tin và truyền thông chỉ có thể kiểm tra, xử phạt tờ báo đó khi có yêu cầu của cá nhân đó.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Hợp nhất Luật Quảng cáo
Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo