Tự ý hủy hoạt tài sản và cản trở người khác sử dụng đất. Tội hủy hoại tài sản người khác.
Tự ý hủy hoạt tài sản và cản trở người khác sử dụng đất. Tội hủy hoại tài sản người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi trồng cây trên đất rừng được giao, bị gia đình có ruộng nước gần đó đã bỏ hoang nhiều năm đến nhổ cây của tôi vứt bừa bãi và tuyên bố dùng máy cào đất cách ruộng anh ta 10m để lấp ruộng trồng cây. Tôi rất bức xúc tôi đã viết đơn nhưng không biết phải đi từ đâu và làm như thế nào để được pháp luật can thiệp. Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi đòi lại sự công bằng.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, hành vi tự ý nhổ cây của bạn:
Căn cứ Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định Tội hủy họai hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác:
"1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Các yếu tố cấu thành Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác như sau:
– Khách thể: xâm phạm đến quyền tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức
– Hành vi phạm tội:
+ Hành vi hủy hoại tài sản: Là hành vi làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng; không thể khôi phục lại được hoặc khó có thể khôi phục lại được.
+ Hành vi này có thể được thực hiện dưới dạng: hành đồng (đập, đốt, phá,..) và không hành động (không bảo dưỡng máy móc theo định kỳ). Hành vi có thể được người phạm tội thực hiện bằng các hình thưc, công cụ, phương tiện khác nhau (dùng dao, búa, gậy, hóa chất,…)
– Hậu quả của hành vi:
Tội phạm này được cấu thành vật chất, có nghĩa là: Hậu quả của hành vi là yếu tố bắt buộc để tội phạm được cấu thành. Trong trường hợp này, tài sản bị xâm phạm phải bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng với giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm
– Chủ thể thực hiện hành vi: Chủ thể tội phạm phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu TNHS
– Lỗi: Lỗi của người thực hiện hành vi vi phạm tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản phải là lỗi cố ý.
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bạn trồng cây trên đất rừng được giao, cây cối của bạn được xác định là tài sản của bạn; người có hành vi tự ý đến nhổ, phá hoại cây của bạn, nếu giá trị tài sản trên 2 triệu đồng và thỏa mãn các dấu hiệu trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Nếu không đủ căn cứ cấu thành Tội theo quy định Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a) Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;”
Đối với hành vi tự ý hủy hoại tài sản của bạn, bạn làm đơn tố cáo tới cơ quan công an cấp huyện nơi người có hành vi hủy hoại tài sản của bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, Hành vi tự ý dùng máy cào đất của gia đình bạn để lấp đầy ruộng:
Nếu người này có hành vi dùng máy cào đất của gia đình bạn để lấp ruộng trồng cây thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 11 Nghị định 102/2014/NĐ-CP:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng tại khu vực nông thôn, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tại khu vực nông thôn, từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
Đối với hành vi tự ý múc đất của gia đình bạn thì bạn có thể làm đơn tường trình gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang có đất để yêu cầu giải quyết.