Bom, mìn là một trong những vũ khí hạng nặng mà được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của pháp luật để thi hành công vụ. Vậy tự ý cưa bom, mìn có bị xử phạt hành chính không?
Mục lục bài viết
1. Quy định về hành vi tự ý cưa bom, mìn:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì bom, mìn là một trong những vũ khí hạng nặng mà được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của pháp luật để thi hành công vụ.
Điều 5 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ, Điều này đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm có:
– Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ các vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
– Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để thực hiện lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.
– Chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để thực hiện lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.
– Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ của nước Việt Nam
– Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ vào những nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
– Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Hủy hoại hoặc là cố ý làm hư hỏng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được giao.
– Giao vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
– Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, các công cụ hỗ trợ hoặc là chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp những vũ khí, công cụ hỗ trợ; trừ các trường hợp thực hiện trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê những vũ khí thô sơ để tiến hành làm hiện vật trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
– Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ mà không bảo đảm được an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
– Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa và tẩy xóa những loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, các công cụ hỗ trợ.
– Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố các phế liệu, các phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
– Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép về cách thức về chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc là sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, các công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức.
– Che giấu, không tố giác, giúp những người khác thực hiện việc chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc thực hiện hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
– Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
– Cố ý cung cấp các thông tin sai lệch về vấn đề quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
Theo đó, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ đó chính là sửa chữa trái phép vũ khí và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí được giao. Có thể hiểu viêc cưa bom, mìn chính là hành vi sửa chữa trái phép vũ khí hoặc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí và đây là hành vi bị nghiêm cấm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ.
2. Mức xử phạt hành chính hành vi tự ý cưa bom, mìn:
Điểm h khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cưa, cắt, đục hoặc thực hiện những thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi và những loại vũ khí khác trái phép. Như vậy, người có hành vi tự ý cưa bom, mìn sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, người có hành vi tự ý cưa bom, mìn sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó chính là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
3. Phát hiện ra bom, mìn có cần giao nộp cho Nhà nước không?
Điều 63 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cụ thể như sau:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cho cơ quan Công an hoặc cho Ủy ban nhân dân nơi gần nhất trong trường hợp người này không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ một nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được.
– Việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ phải bảo đảm an toàn và hạn chế có ảnh hưởng đến môi trường. Việc vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom được sẽ phải sử dụng phương tiện chuyên dùng hoặc các phương tiện khác nhưng phải bảo đảm an toàn.
– Việc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được tiến hành thường xuyên và thông qua những đợt vận động.
– Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn giá trị sử dụng sau khi đã được phân loại sẽ được đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật.
– Việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị đối với đối tượng mà thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định; đối với các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Công an quy định
– Người làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ phải được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và được trang bị các thiết bị bảo vệ để bảo đảm an toàn.
Theo quy định trên thì khi phát hiện bom, mìn thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện ra bom, mìn phải trình báo, khai báo, giao nộp ngay đến cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân nơi gần nhất trong trường hợp người này không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật, chứ không được tự ý cưa bom, mìn mà mình phát hiện.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.