Tự vệ thương mại là một trong những biện pháp phòng vệ thương mại. Vậy tự vệ thương mại là gì? Bản chất của tự vệ thương mại?
Mục lục bài viết
1. Tự vệ thương mại là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm có biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể. Theo đó, tự vệ thương mại là một trong những biện pháp phòng vệ thương mại.
Tự vệ thương mại hay còn gọi là biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp những hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra những thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
– Các biện pháp tự vệ bao gồm:
+ Áp dụng thuế tự vệ;
+ Áp dụng hạn ngạch nhập khẩu;
+ Áp dụng hạn ngạch thuế quan;
+ Cấp giấy phép nhập khẩu;
+ Các biện pháp tự vệ khác.
2. Bản chất của tự vệ thương mại:
Hiệp định GATT (Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch – General Agreement on Tariffs and Trade) có nhiều các điều khoản liên quan đến vấn đề biện pháp tự vệ. Tự vệ thương mại được pháp luật Việt Nam quy định ở trong Pháp lệnh về những biện pháp tự vệ thương mại. Theo quy định của Điều 19 Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch, Điều 2 Hiệp định về những biện pháp tự vệ của WTO, một ngành sản xuất nào đó của một bên ký kết đột nhiên gặp phải nhiều những biến động do nhập khẩu tăng mạnh, từ đó gây ra các tổn thất cho ngành này, thì các thành viên ký kết đó có thể thi hành việc hạn chế nhập khẩu có tính tạm thời (hay còn được gọi là biện pháp tự vệ). Bản chất của tự vệ thương mại đó chính là để hạn chế nhập khẩu có thể áp dụng những biện pháp thuế quan như tăng cao thuế đánh theo giá trị, thuế đánh theo khối lượng, thuế phức hợp, thuế bồi hoàn, thuế phụ gia hoặc cũng có thể áp dụng các biện pháp phi thuế quan như là cấm nhập khẩu, dừng cấp giấy phép hạn ngạch ở trên toàn thế giới, áp dụng chế độ giấy phép nhập khẩu có tính hạn chế, thu tiền đặt cọc để thực hiện nhập khẩu, trao quyền nhập khẩu; cũng có thể sẽ kết hợp sử dụng cả hai biện pháp nói trên. Nhưng biện pháp tự vệ không được sử dụng để thực hiện bảo hộ cho những nhà sản xuất trong nước một cách không hạn chế.
Thêm nữa, điều khoản giải thoát được coi là mang tính bảo hộ nhiều nhất trong số tất cả những biện pháp khắc phục, bởi vì bên nước ngoài hoàn toàn không hề có bất kỳ một hành động không lành mạnh nào. Họ không bán phá giá và họ cũng không hề nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào, họ cũng sẽ chẳng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, tự vệ thương mại sẽ được áp dụng khi không hề có hành vi thương mại không lành mạnh.
3. Rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ:
– Việc rà soát giữa kỳ được thực hiện như sau:
+ Trong trường hợp thời gian áp dụng biện pháp tự vệ vượt quá 03 năm thì Cơ quan điều tra phải tiến hành rà soát biện pháp tự vệ trước khi đã hết một nửa thời gian này để có kết luận về việc duy trì, chấm dứt hoặc là giảm nhẹ mức độ áp dụng các biện pháp tự vệ;
+ Căn cứ vào kết quả rà soát của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ ra quyết định về việc duy trì, chấm dứt hoặc giảm nhẹ mức độ áp dụng biện pháp tự vệ;
+ Thời hạn rà soát giữa kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ là không quá 06 tháng kể từ ngày mà có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng.
– Việc rà soát cuối kỳ được thực hiện như sau:
+ Trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ, tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất những hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp muốn gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ sẽ phải nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ. Bộ hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm có bằng chứng cho thấy ngành sản xuất trong nước đã thực hiện những biện pháp điều chỉnh cần thiết để nâng cao về khả năng cạnh tranh và việc chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc là đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước;
+ Cơ quan điều tra có thể căn cứ theo yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ hoặc Cơ quan điều tra tự tiến hành rà soát cuối kỳ;
+ Căn cứ vào kết quả rà soát của Cơ quan điều tra thì Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định về việc chấm dứt hoặc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ;
+ Mức độ áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian gia hạn sẽ không được cao hơn mức độ áp dụng trong thời gian ngay trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ trước đó;
+ Thời hạn rà soát cuối kỳ là không quá 06 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, nếu trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 06 tháng.
– Việc rà soát phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ được thực hiện như sau:
+ Các nhà nhập khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ có thể yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành rà soát phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ;
+ Hồ sơ yêu cầu rà soát phải cung cấp được những bằng chứng và thông tin chứng minh việc áp dụng các biện pháp tự vệ đối với toàn bộ hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ là không phù hợp;
+ Căn cứ vào kết luận rà soát của Cơ quan điều tra thì Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc điều chỉnh phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ;
+ Thời hạn rà soát phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ là không quá 06 tháng kể từ ngày mà có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng.
4. Tái áp dụng biện pháp tự vệ:
Biện pháp tự vệ đã được áp dụng với một loại hàng hóa có thể được tái áp dụng đối với hàng hóa đó theo quy định sau đây:
– Trường hợp biện pháp tự vệ đã được áp dụng từ 04 năm trở lên, bao gồm có cả thời gian gia hạn (nếu có), thì sẽ chỉ được tái áp dụng sau khoảng thời gian bằng ít nhất một nửa thời gian áp dụng biện pháp tự vệ trước đó;
– Trường hợp biện pháp tự vệ đã được áp dụng từ trên 180 ngày đến dưới 04 năm, bao gồm có cả thời gian gia hạn (nếu có), thì sẽ chỉ được tái áp dụng sau ít nhất 02 năm kể từ khi chấm dứt biện pháp tự vệ trước đó;
– Trường hợp biện pháp tự vệ đã được áp dụng từ 180 ngày trở xuống thì chỉ sẽ được tái áp dụng sau ít nhất 01 năm kể từ khi bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ trước đó với điều kiện là biện pháp tự vệ trước đó không được áp dụng quá 02 lần trong vòng 05 năm trước ngày biện pháp tái áp dụng có hiệu lực.
5. Áp dụng biện pháp tự vệ:
– Việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra trước khi mà kết thúc điều tra, nếu xét thấy việc chậm thi hành biện pháp tự vệ gây ra các thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước và những thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.
– Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời là không quá 200 ngày kể từ ngày mà quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực.
– Việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức được thực hiện như sau:
+ Sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về những nội dung liên quan đến quá trình điều tra quy định tại Điều 94 của Luật Quản lý ngoại thương. Kết luận cuối cùng và những căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho những bên liên quan đến quá trình điều tra;
+ Căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra thì Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp tự vệ chính thức;
+ Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ, bao gồm có cả thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời là không quá 04 năm, trừ trường hợp là được gia hạn theo quy định của pháp luật;
+ Tổng thời gian áp dụng biện pháp tự vệ, bao gồm cả thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời và biện pháp tự vệ chính thức, thời gian gia hạn là không quá 10 năm.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý ngoại thương 2017.