Tư vấn về việc góp vốn của các thành viên trong công ty TNHH. Góp vốn bằng tài sản cố định.
Tư vấn về việc góp vốn của các thành viên trong công ty TNHH. Góp vốn bằng tài sản cố định.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Quý Công ty, Quý Công ty vui lòng giải thích giúp tôi tình huống sau: Công ty TNHH ABCD là công ty TNHH 2 thành viên trở lên đã đi vào hoạt động, có vốn điều lệ: 100 tỷ vnd. Tỷ lệ góp vốn như sau: A: 30%, B: 30%, C: 30%, D:10%. B, C, D đã góp đủ bằng tiền theo cam kết. Riêng A góp bằng tài sản, có giá trị thực tế là 28 tỷ, nhưng được Hội đồng thành viên nhất trí đánh giá là 30 tỷ. Câu hỏi:
1. Phần chênh lệch từ tài sản góp vốn của A được xử lý và ghi nhận như thế nào?
2. Nếu phần chênh lệch được chia cho các thành viên theo tỷ lệ vốn góp thì vốn điều lệ có tăng không nếu giữ nguyên tỷ lệ góp vốn ban đầu? Giả sử thời điểm ghi nhận giá trị tài sản góp vốn là thời điểm cuối của hạn góp vốn thì A có bị coi là góp thiếu vốn không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Nội dung tư vấn
Căn cứ Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về định giá tài sản góp vốn như sau:
“1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hạp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.
Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.”
>>> Luật sư tư vấn vấn đề góp vốn doanh nghiệp qua tổng đài: 1900.6568
Trường hợp của công ty TNHH ABCD thành lập có một thành viên góp vồn bằng tài sản cố định và được các thành viên định giá theo nguyên tắc nhất trí theo quy định trên và giá trị được định giá cao hơn so với giá trị thực tế. Như vậy, phần chênh lệch không được chia cho các thành viên còn lại của công ty mà các thành viên phải cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế. Trách nhiệm liên đới góp thêm này không làm thay đổi vốn điều lệ của công ty, hay tỷ lệ vốn góp của các thành viên vì trách nhiệm liên đới này là trách nhiệm dân sự, các thành viên còn phải chịu trách nhiệm liên đới nếu có thiệt hại xảy ra do cố tình định giá cao hơn giá trị thực tế.
Do đó để đảm bảo tính hợp lý và trách nhiệm của các thành viên, công ty nên đưa giá trị của tài sản cố định góp vốn bằng giá trị thực của tài sản, phần chênh lệch có thể lựa chọn góp bằng hình thức tiền mặt hoặc các hành thức khác để đảm bảo đủ vốn điều lệ. Khi thực hiện theo phương án này, tỷ lệ vốn góp của các thành viên sẽ thay đổi theo đúng tỷ lệ góp vốn thực tế.