Tư vấn điều kiện nhập khẩu cho con theo hộ khẩu của mẹ. Thủ tục đổi chủ hộ khẩu khi chủ hộ đi định cư ở nước ngoài.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi: 1/ Anh trai tôi là chủ hộ hiện đã đi định cư ở nước ngoài, hiện nay tôi vẫn còn tên trong hộ khẩu thì có quyền và nghĩa vụ gì? 2/ Nếu tôi muốn cho con trai tôi về nhập hộ khẩu chung với tôi có được không? (Con trai tôi hộ khẩu bên nhà chồng khác quận). Thủ tục phải thực hiện như thế nào? Cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật cư trú năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, về việc có tên trong hộ khẩu:
Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật cư trú năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013:
“Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu”.
Anh bạn và bạn được xác định là những người có quan hệ gia đình, chung chỗ ở hợp pháp (thời gian trước khi anh bạn định cư ở nước ngoài) nên hoàn toàn có thể chung một sổ hộ khẩu.
Tuy nhiên hiện nay, anh trai bạn đã định cư ở nước ngoài nên có thể yêu cầu xóa đăng ký thường trú và thay đổi chủ hộ trong sổ hộ khẩu.
Về việc xóa đăng ký thường trú:
– Thời hạn xóa đăng ký thường trú:
+ Đối với trường hợp đã đăng ký thường trú mới, ngay sau khi nhận được thông báo của Cơ quan Công an về việc xóa đăng ký thường, đại diện của hộ gia đình mang sổ hộ khẩu đến cơ quan Công an làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.
+ Đối với những trường hợp còn lại, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.
– Hồ sơ xóa đăng ký thường trú gồm:
+ Sổ hộ khẩu;
+ Phiếu thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02).
– Nơi nộp hồ sơ:
+ Đối với thành phố trực thuộc Trung ương: Cơ quan Công an cấp huyện, quận, thị xã;
+ Đối với tỉnh: Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Về việc thay đổi chủ hộ trong sổ hộ khẩu:
Khoản 1 điều 29 Luật cư trú năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định:
“1. Trường hợp có thay đổi chủ hộ thì hộ gia đình phải làm thủ tục thay đổi chủ hộ. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến của chủ hộ hoặc người khác trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ.”
Vì anh trai bạn là chủ hộ và bây giờ đang định cư ở nước ngoài nên hộ gia đình bạn đến Cơ quan Công an để làm thủ tục thay đổi chủ hộ. Hồ sơ bao gồm: Sổ hộ khẩu, Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu và phải được các thành viên khác trong gia đình đồng ý.
Bên cạnh đó, bạn có thể làm hồ sơ yêu cầu tách sổ hộ khẩu.
– Hồ sơ tách sổ hộ khẩu:
+ Sổ hộ khẩu;
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02) có sự đồng ý của chủ hộ cho tách sổ hộ khẩu.
– Nơi nộp hồ sơ:
+ Đối với Thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp tại Công an huyện, quận, thị xã.
+ Đối với tỉnh thì nộp tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Thời hạn giải quyết: 07 ngày kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ.
Theo quy định tại khoản 29 điều 3
“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Như vậy, nếu bạn có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất thì bạn có quyền chung trong phần tài sản đó.
Thứ hai, về việc nhập hộ khẩu của con theo hộ khẩu của mẹ:
Theo quy định tại khoản 2 điều 7
“2. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú”.
Như vậy, bạn có thể nhập hộ khẩu của con bạn vào sổ hộ khẩu của bạn. Khi đó, bạn phải làm thủ tục đăng kí thường trú cho con.
Để làm thủ tục đăng kí thường trú cho con, bạn chuẩn bị cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm các giấy tờ sau:
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02);
+ Giấy chuyển hộ khẩu
Trưởng Công an xã, thị trấn cấp giấy chuyển hộ khẩu nếu chuyển ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh.
Trưởng Công an huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu nếu chuyển ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
+ Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Nơi nộp hồ sơ:
+ Đối với thành phố trực thuộc trung ương: Công an huyện, quận, thị xã.
+ Đối với tỉnh: Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.