Tư vấn điều kiện hưởng, mức hưởng chế độ thai sản mới nhất? Chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con. Thời gian hưởng chế độ thai sản?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào chuyên gia. Tôi muốn nhờ chuyên gia tư vấn cho tôi một việc như sau. Hiện tại tôi là giáo viên tiểu học. Ngày 14/11/2016 tôi xin nghỉ hộ sản đến hết ngày 13/5/2017. Tôi sinh con vào ngày 15/12/2016. Vậy tôi có được hưởng nguyên lương tháng 11/2016 hay không? Hay tôi sẽ nhận nguyên lương tháng 5/3017? Mong chuyên gia tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Điều 157 “Bộ luật lao động năm 2019” quy định nghỉ thai sản như sau:
– Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
+ Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
+ Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
– Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
– Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều 157 “Bộ luật lao động 2019”, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.
– Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều 157 “Bộ luật lao động 2019”, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.
Luật sư tư vấn chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con:1900.6568
Như vậy, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Điều 39
“Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.”
Theo như bạn trình bày, bạn nghỉ thai sản từ ngày 14/11/2016 đến ngày 13/5/2017, đây là thời gian 6 tháng nghỉ thai sản của bạn thì bạn sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thai sản.
Nếu bạn có đi làm trong tháng 11/2016 hoặc tháng 5/2017 thì bạn sẽ được trả tiền lương tương đương với số ngày đi làm của bạn.
Mục lục bài viết
- 1 1. Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh đôi
- 2 2. Chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ sau khi nghỉ hết chế độ thai sản
- 3 3. Thời gian giải quyết hồ sơ hưởng chế độ thai sản
- 4 4. Hưởng chế độ thai sản trong trường hợp đóng bảo hiểm gián đoạn
- 5 5. Chế độ thai sản của người lao động nữ đặt vòng tránh thai
- 6 6. Hưởng chế độ thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện
- 7 7. Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con
1. Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh đôi
Tóm tắt câu hỏi:
Em đóng bảo hiểm bắt đầu từ 20/4/2012 đến 28/2/2015. Từ 3/2015 đến 4/8/2015 em nghỉ không lương để dưỡng thai, khi thai được 28 tuần tuổi thì em sinh, em sinh đôi thì tiền bảo hiểm của em được tính như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Về điều kiện hưởng chế độ thai sản, Điều 31Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.”
Nếu việc dưỡng thai của bạn là do chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh thì bạn phải đảm bảo điều kiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản theo
Tuy nhiên, nếu việc dưỡng thai là do bạn tự ý nghỉ, không phải là chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh thì bạn phải đảm bảo điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì bạn sẽ được hưởng bảo hiểm thai sản theo quy định định Luật bảo hiểm xã hội 2014.
– Thứ nhất, về chế độ nghỉ: Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
“Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng”.
Theo đó, bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản trong thời gian 7 tháng.
– Thứ hai, về trợ cấp:
“+ Trợ cấp 1 lần khi sinh con: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Trường hợp của bạn sẽ được hưởng trợ cấp tổng cộng là một khoản tiền bằng 4 lần mức lương cơ sở tại tháng bạn sinh con.
+ Mức hưởng chế độ thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”
2. Chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ sau khi nghỉ hết chế độ thai sản
Tóm tắt câu hỏi:
Cho mình hỏi hiện nay phụ nữ sau khi sinh con mà mới đi làm thì công ty yêu cầu đuổi việc do không có vị trí nào thích hợp để vào làm lại. Công ty thoả thuận hổ trợ cho 70% lương cơ bản trong 3 tháng và sau 3 tháng thì chấm dứt hợp đồng lao động. Theo luật lao động thì công ty đuổi tôi như vậy có đúng không? Và một điều nữa công ty không đưa ra 1 văn bản hay giấy tờ gì nói về vấn đề này hết. Vậy tôi cần tới sở ban ngành nào để nhờ hổ trợ. Tôi xin cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Theo khoản 3 Điều 39 “Bộ luật lao động 2019” quy định về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và quy định về việc bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như sau:
“Điều 39. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
…
3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.
…
Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”
Vì bạn là phụ nữ sau sinh mới đi làm nên bạn thuộc đối tượng được quy định tại khoản 3 Điều 155 “Bộ luật lao động 2019” và công ty không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn nếu đưa ra lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nếu trong trường hợp chấm dứt không đúng lý do đơn phương theo quy định tại Điều 38 “Bộ luật lao động 2019” thì bên chủ sử dụng lao động đang đơn phương chấm dứt trái luật đối với bạn.
Theo Điều 42 “Bộ luật lao động 2019” quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”
Theo Điều 200 và Điều 201 “Bộ luật lao động 2019” quy định về cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động như sau:
“Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
1. Hoà giải viên lao động.
2. Toà án nhân dân.
Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.
Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.
Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.
Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.”
Giữa bạn và công ty là tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật nên tranh chấp lao động của bạn không nhất thiết phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
3. Thời gian giải quyết hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi hỏi tôi bị sảy thai 13 tuần, ngày 13 tháng 4 tôi nộp giấy hưởng bảo hiểm, mấy tháng sau thì tôi được nhận tiền thai sản. Vậy tiền thai sản cộng vào lương hay là nhận ngoài?
Luật sư tư vấn:
* Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ theo quy định tại Điều 110 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
– Sổ bảo hiểm xã hội
– Giấy chứng tử hoặc giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh.
Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc giải quyết hưởng chế độ thai sản như sau:
– Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơquy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:
+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
– Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, tổng thời gian giải quyết chế độ thai sản là 25 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sở hợp lệ.
Theo quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014, tiền bảo hiểm xã hội được trả riêng cho người lao động, không trả gộp vào tiền lương hàng tháng của người lao động.
4. Hưởng chế độ thai sản trong trường hợp đóng bảo hiểm gián đoạn
Tóm tắt câu hỏi:
Chị Tuyết tham gia BHXH từ tháng 1/2013 đến tháng 9/2015 của công ty B tại Khu công nghiệp A, tuy nhiên trước đó chị có thời gian đóng BHXH từ 01/2012-09/2012 là 9 tháng. Vì điều kiện đi làm bất tiện nên chị đã xin nghỉ việc về quê, tại tháng 11/2015 chị đang mang thai được 2 tháng, thời gian dự sinh là đầu tháng 6/2016 như vậy chị có được hưởng chế độ thai sản không? nếu được thì thời gian được tính như thế nào, thủ tục làm như thế nào và nộp ở đâu??
Luật sư tư vấn:
Trước tiên, cần hiểu chế độ thai sản là chế độ đặc biệt áp dụng cho lao động nữ (và cả chồng của họ theo Luật bảo hiểm xã hội 2014) trong thời gian họ mang thai và nuôi con nhỏ. Trong trường hợp của chị Tuyết, có hai sự kiện có thể làm phát sinh quyền được hưởng chế độ thai sản của chị đó là việc chị mang thai từ tháng 9 năm 2015 và việc chị sẽ sinh con vào khoảng tháng 06 năm 2016. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vì chị xin nghỉ việc về quê dưỡng thai từ ngay tháng thứ hai của thai kì nên hiểu thắc mắc của chị Tuyết là liệu chị có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con vào tháng 06/2016 hay không?
Về điều kiện để được hưởng chế độ thai sản, Điều 31 luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định cụ thể:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Quy định này được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội 2014 về bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
“Điều 9. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội; khoản 3 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Ví dụ 13: Chị A sinh con ngày 18/01/2017 và tháng 01/2017 có đóng bảo hiểm xã hội, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2016 đến tháng 01/2017, nếu trong thời gian này chị A đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Ví dụ 14: Tháng 8/2017, chị B chấm dứt hợp đồng lao động và sinh con ngày 14/12/2017, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, nếu trong thời gian này chị B đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị B được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
2. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
b) Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.
3. Trong thời gian đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà lao động nữ phải nghỉ việc để khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai thì được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 32, 33 và 37 của Luật bảo hiểm xã hội.”
Từ những quy định trên và những thông tin được đưa ra thì lý do chị Tuyết xin nghỉ việc là vì đi làm bất tiện xuất phát từ quyết định cá nhân của chị chứ không phải dựa trên chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 điều 31 nêu trên. Vậy nên, theo đó chị chỉ có thể được hưởng chế độ thai sản khi sinh con nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì dựa vào thời gian thực tế chị Tuyết sinh con mà thời gian 12 tháng trước khi chị sinh con có thể được tính từ tháng 05 hoặc tháng 06 /2015. Vậy nên, trên cơ sở chị Tuyết nghỉ việc về quê vào tháng 11/2015 có thể thấy thời gian chị đóng bảo hiểm xã hội trong 12 tháng trước khi sinh con lần lượt là 07 tháng và 06 tháng. Vậy nên có thể khẳng định rằng chị Tuyết đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định tại khoản 4 điều 31 luật bảo hiểm xã hội 2014.
Căn cứ tại Điều 9 Quyết định 919/QĐ-BHXH năm 2015 sửa đổi bổ sung Quyết định 01/QĐ-BHXH năm 2014 thì hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ đang đóng bảo hiểm xã hội sinh con, gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội.
– Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con. Nếu sau khi sinh, con chết thì có thêm Giấy báo tử (bản sao) hoặc Giấy chứng tử (bản sao) của con. Đối với trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà không được cấp các giấy tờ này thì thay bằng bệnh án (bản sao) hoặc giấy ra viện của người mẹ (bản chính hoặc bản sao).
– Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Chi tiết tại Mẫu C70a-HD và nội dung hướng dẫn lập mẫu đính kèm) Trách nhiệm của chị là nộp Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con được quy định tại Khoản 1, Điều 11 Quyết định 919/QĐ-BHXH năm 2015 sửa đổi bổ sung Quyết định 01/QĐ-BHXH năm 2014 như sau
5. Chế độ thai sản của người lao động nữ đặt vòng tránh thai
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tham gia bảo hiểm được 7 năm. Tôi sinh con được 1 năm, nay tôi thực hiện biện pháp đặt vòng tránh thai, theo quy định thì tôi đươc nghỉ 7 ngày hưởng bảo hiểm. Nhưng tôi không nghỉ 7 ngày đó thì xin hỏi tôi có được hưởng tiền trợ cấp bảo hiểm 7 ngày đó không?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 37 Luật bảo hiểm xã hội 2014, quy định về thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai như sau:
“1. Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
2. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
Khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014quy định về mức hưởng chế độ thai sản như sau:
“1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.”
Như vậy, với trường hợp của bạn, nếu bạn không nghỉ 7 ngày theo quy định thì bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ đặt vòng tranh thai.
6. Hưởng chế độ thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho em hỏi em tham gia bhxh bắt buộc từ tháng 9/2014 đến tháng 7/2016 tháng 8/2016 em tham gia bhxh tự nguyện, em dự kiến sinh con vào tháng 12/2016. Vậy em có được hưởng chế độ thai sản và nếu được thì mức hưởng là bao nhiêu ạ?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì:
1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Vậy theo thông tin bạn cung cấp bạn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc kể từ 9/2014 tới thời điểm 7/2016 và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 8/2016 (thời gian tham gia bảo hiểm tự nguyện không tính hưởng chế độ thai sản) và sự kiến sinh con vào tháng 12/2016, chiếu theo quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con ở trên thì bạn đã đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con và sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
Thời gian hưởng chế độ theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Về mức hưởng chế độ thai sản theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.
Cụ thể trong tường hợp của bạn, theo như hướng dẫn tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
– Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
– Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
– Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
– Người lao động đang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Ngoài ra sau khi hưởng chế độ thai sản, người lao động còn có chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Điều 41. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
7. Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang làm việc cho công ty Trung Quốc. Khi vào nhận việc công ty có nói quy định ở công ty là làm đủ 1 năm thì khi có thai mới giải quyết chế độ thai sản cho tôi, còn nếu dưới 1 năm thì công ty sẽ không trả tiền thai sản. Và bắt tôi kí vào biên bản cam kết. Xin hỏi công ty làm vậy có đúng luật không ? Nếu như tôi đóng bảo hiểm mới 6 tháng thì tôi sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không ? Xin luật sư tư vấn, tôi chân thành cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Trong trường hợp của bạn, với tư cách là người lao động bạn là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và sẽ được đảm bảo quyền lợi khi thỏa mãn các điều kiện để hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội. Là lao động nữ, bạn có quyền được sinh con và hưởng các quyền lợi theo chế độ thai sản theo quy định của pháp luật. Luật bảo hiểm xã hội hiện hành nghiêm cấm hành vi cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đối với chế độ bảo hiểm. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không có quy định nào quy định lao động nữ làm việc từ 1 năm trở lên mới được hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, việc công ty đưa ra quy định và bắt bạn ký vào cam kết với nội dung không giải quyết chế độ thai sản cho bạn nếu sinh con trước khi hoàn thành một năm làm việc cho công ty là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bạn và là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu bạn không được giải quyết chế độ thai sản khi sinh con trước khi hoàn thành 12 tháng làm việc cho công ty thì bạn có quyền nhờ đến sự trợ giúp của tổ chức Công đoàn tại công ty hoặc Cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp công ty không thực hiện nghĩa vụ, bạn có quyền khởi kiện vụ án dân sự đến Tòa án nhân dân cấp có cơ sở để được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Về việc giải quyết chế độ thai sản cho bạn.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội nếu tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc đã đóng từ đủ 12 tháng bảo hiểm xã hội trở lên, mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Luật sư tư vấn pháp luật điều kiện hưởng chế độ thai sản: 1900.6568
Như vậy, trước tiên căn cứ vào ngày sinh con thực tế mà bạn có thể tự mình xác định khoảng thời gian 12 thàng trước khi sinh con của mình được tính từ bao giờ. Nếu 06 tháng bạn tham gia bảo hiểm xã hội thuộc khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con nêu trên thì bạn có đủ điều kiện để được hưởng quyền lợi theo chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Về quyền lợi, bạn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của luật bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm:
+ Bạn được nghỉ 06 tháng và nhận 06 tháng lương với mức lương bình quân trong thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước khi sinh con;
+ Trợ cấp một lần bằng 02 tháng lương mức lương cơ sở tại tháng chị sinh con.