Tù nhân là một trong những từ dân dã hay được sử dụng để chỉ một nhóm người bị hạn chế quyền công dân khi đang thi hành án phạt tù. Vậy thực chất tù nhân là gì? Quy định về tổ chức giam giữa và chế độ ăn của tù nhân như thế nào theo quy định pháp luật hiện nay
Mục lục bài viết
1. Tù nhân là gì?
Tù nhân là người đang bị giam giữ tại một trại giam.
Thường các tù nhân bị giam giữ sau khi bị kết án tù giam. Ngoài ra còn có các loại tù nhân:
- Tù nhân chiến tranh
- Tù nhân chính trị, người bị giam giữ do quan điểm chính trị
- Tù nhân lương tâm.
Điều 4 Công ước Geneva III quy định tù binh chiến tranh là những người bị rơi vào tay đối phương, đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
1. Thành viên của lực lượng vũ trang của một bên trong cuộc xung đột hay các địa phương quân hoặc tình nguyện quân thuộc lực lượng vũ trang như vậy.
2. Thành viên của các nhóm địa phương quân hay đơn vị tình nguyện khác, bao gồm những người trong một phong trào kháng chiến có tổ chức với điều kiện họ:
(a) được chỉ huy bởi một người có trách nhiệm đối với cấp dưới.
(b) có những dấu hiệu đặc biệt có thể nhận ra từ xa.
(c) công khai mang vũ khí
(d) tổ chức tấn công và phòng ngự theo đúng luật và tập quán chiến tranh.
Tù nhân chính trị hay Phạm nhân chính trị, chính trị phạm là một người bị giam giữ trong nhà tù hay quản thúc tại gia do hình ảnh hay chính kiến, hành động của người này bị chính quyền xem là đe dọa hay thách thức đến quyền lực của chính quyền hay an ninh và chủ quyền quốc gia. Đây cũng là trường hợp một phạm nhân chính trị bị giam giữ nhưng không qua xét xử công khai theo đúng thủ tục pháp lý. Một tù phạm chính trị cũng có thể là tù nhân lương tâm bị tước quyền tại ngoại có bảo lãnh và quyền được tha theo lời hứa danh dự. Trong nhiều án,
Tù nhân lương tâm (tiếng Anh: Prisoner of conscience) là một thuật ngữ được đặt ra bởi các nhóm đấu tranh cho nhân quyền thuộc Tổ chứa Ân xá quốc tế trong đầu thập niên 1960. Thuật ngữ này có thể đề cập đến bất cứ ai bị bỏ tù vì lý do chủng tộc, chính trị, tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, xu hướng tình dục, niềm tin hay lối sống của họ, miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực. Thuật ngữ này cũng chỉ những người đã bị cầm tù và/hoặc bị bách hại vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ cách không bạo động.
Tù nhân trong tiếng Anh là Prisoner.
2. Quy định về chế độ và chính sách đối với tù nhân:
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Trong đó, Nghị định quy định rõ chế độ, chính sách đối với phạm nhân; chế độ khám, chữa bệnh; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con nhỏ…
2.1. Chế độ ăn uống đối với phạm nhân:
Theo quy định, phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn; 1 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.
Khẩu phần lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.
Trong các ngày lễ, Tết, chế độ ăn của phạm nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật và theo khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Ngày lễ, tết phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường).
Phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá hai lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của phạm nhân trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để phạm nhân có thể ăn hết tiêu chuẩn.
Ngoài tiêu chuẩn ăn theo quy định nêu trên, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá ba lần định lượng ăn trong một tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căn tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.
2.2. Chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân:
Về chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân, Nghị định quy định phạm nhân khi đến cơ sở giam giữ được y tế của cơ sở giam giữ tổ chức khám, lập phiếu theo dõi sức khỏe.
Trong thời gian phạm nhân chấp hành án phạt tù, cơ sở giam giữ phạm nhân căn cứ vào điều kiện, thời gian chấp hành án phạt tù của phạm nhân và tình hình cụ thể của mình phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện hoặc bệnh viện Công an, bệnh viện Quân đội nơi có cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho phạm nhân định kỳ ít nhất hai năm/lần.
Phạm nhân khi đến cơ sở giam giữ, bị bệnh, bị thương tích được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ phạm nhân.
Trong trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên là tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu để điều trị.
Về chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho phạm nhân điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài cơ sở giam giữ phạm nhân sẽ do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.
Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho phạm nhân được cấp tương đương 3 kg gạo tẻ/phạm nhân/tháng.
2.3. Chế độ giam giữ đối với tù nhân:
Trại giam tổ chức giam giữ phạm nhân như sau:
– Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm;
– Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời hạn chấp hành án còn lại dưới 15 năm; phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, đã chấp hành một phần hai thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được giảm thời hạn chấp hành án;
– Buồng kỷ luật đối với phạm nhân bị kỷ luật.
Trong các khu giam giữ quy định trên đây, những phạm nhân dưới đây được bố trí giam giữ riêng:
– Phạm nhân nữ;
– Phạm nhân là người dưới 18 tuổi;
– Phạm nhân là người nước ngoài;
– Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
– Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án;
– Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam;
– Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.
Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.
Trong trại tạm giam, những phạm nhân quy định tại điểm a và điểm g khoản 2 Điều này được bố trí giam giữ riêng.
Phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và sinh hoạt. Căn cứ vào tính chất của tội phạm, mức hình phạt, đặc điểm nhân thân của phạm nhân, kết quả chấp hành án, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam quyết định việc phân loại, chuyển khu giam giữ.
3. Chế độ đối với nữ phạm nhân có thai, nuôi con nhỏ:
Nghị định cũng quy định cụ thể chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam.
Cụ thể, phạm nhân nữ trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong cơ sở giam giữ phạm nhân thì tổng định lượng ăn bằng hai lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định trên và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ.
Các phạm nhân nữ sinh con trong trại giam sẽ được cấp các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương một tháng định lượng ăn của trẻ em là con phạm nhân.
Trường hợp phạm nhân nữ có thai không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu 3 m2/phạm nhân, được giảm thời gian lao động và được chăm sóc y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Cụ thể, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết, được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe.
Đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân được hưởng chế độ ăn như đối với trẻ em dưới 04 tuổi tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật trẻ em được hưởng chế độ ăn bằng năm lần ngày thường; ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu được hưởng chế độ ăn bằng hai lần ngày thường.
Mỗi trẻ em được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ/trẻ em/tháng.
Căn cứ vào lứa tuổi của trẻ và điều kiện thực tế, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân hoán đổi định lượng chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam; hoặc quy đổi thành tiền và gửi lưu ký để mẹ trẻ em sử dụng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo quy định của Luật Trẻ em và Luật Bảo hiểm y tế…
Kết luận: Tù nhân là cách gọi dân dã được người dân hay sử dụng, còn ngôn ngữ pháp lý là “phạm nhân”. Quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của phạm nhân tại Luật thi hành án hình sự năm 2019 khá cụ thể, nhằm đảm bảo cơ bản các nhu cầu thiết yếu của phạm nhân, vừa góp phần tạo môi trường cải tạo tốt, vừa thúc đẩy nhận thức đúng đắn của mỗi cá nhân trong môi trường này.