Trong các hình phạt được quy định trong pháp luật Hình sự, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với người phạm tội. Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 2015) đã có những sửa đổi, bổ sung, quy định mới nói chung, hình phạt tử hình nói riêng. Cùng tìm hiểu về hình phạt tử hình qua bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Tử hình là gì?
Trong Luật Hình sự Việt Nam, tử hình là loại hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án và chỉ được áp dụng đối với người phạm tội có tính chất nguy hiểm đặc biệt cao cho xã hội. Hình phạt tử hình được quy định trong Bộ luật hình sự và do Tòa án quyết định. Tuy nhiên, với tư cách là một hình phạt đặc biệt, hình phạt tử hình có những đặc điểm riêng, đó là:
Thứ nhất, tử hình là một loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước đi quyền sống của người bị kết án, vì thế nó chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ hai, hình phạt tử hình có mục đích phòng ngừa tái phạm tội mới một cách triệt để từ phía người bị kết án. Hình phạt này không có mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án, như vậy nó tước bỏ cơ hội tái hòa nhập và phục thiện của họ.
Thứ ba, hình phạt tử hình đồng thời có khả năng đạt được nhiều hiệu quả cao trong phòng ngừa chung
Thứ tư, hình phạt tử hình có tính chất không thay đổi, nó tước đi khả năng khắc phục sai lầm trong hoạt động tư pháp.
“Điều 40. Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.”
2. Những điểm mới của quy định hình phạt tử hình:
So với quy định về hình phạt tử hình tại Điều 35
2.1. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình:
Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và tinh thần của
Theo đó, Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xác định rõ tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
– Bộ luật đã bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình. Theo đó, hình phạt tử hình không áp dụng đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ. Quy định này nhằm góp phần hạn chế việc thi hành hình phạt tử hình trên thực tế và là thúc đẩy việc thu hồi tài sản bị tham nhũng trong các vụ án tham nhũng.
– Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình ở 08 tội danh gồm:
(1) cướp tài sản (Điều 168);
(2) sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193);
(3) tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249);
(4) chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252);
(5) phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303);
(6) chống mệnh lệnh (Điều 394);
(7) đầu hàng địch (Điều 399);
(8) tội hoạt động phỉ (do Bộ luật Hình sự đã bỏ tội danh này).
Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn duy trì hình phạt tử hình đối với 18 tội danh trong tổng số 314 tội danh.
2.2. Một số trường hợp không thi hành án tử hình:
Ngoài việc bổ sung quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên phạm tội, Bộ luật Bộ luật hình sự năm 2015 cũng bổ sung mới quy định: không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn(điểm c khoản 3 Điều 40).
Cơ sở của quy định này là: người phạm tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Thực tế công tác thu hồi tài sản tham nhũng của nước ta hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn nghèo, tài sản tham nhũng lại vô cùng lớn.
Vì vậy, quy định mới này vừa mang tính nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước, vừa giúp cho công tác thu hồi tài sản được khả thi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội ngoài việc nộp lại tài sản tham ô, nhận hối lộ thì còn phải có đủ những điều kiện nhất định mang yếu tố tích cực như trên mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình.
2.3. Quy định xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân:
Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên: “Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm” (khoản 6 Điều 63) mà Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định.
Thực tế thi hành án hình sự đối với phạm nhân tử hình được ân giảm thành tù chung thân, nếu không quy định họ được tiếp tục xét giảm án sẽ phát sinh một loại hình phạt mới: tù chung thân không giảm án, họ phải chấp hành án đến khi chết. Việc thi hành án vô thời hạn đối với các phạm nhân tạo gánh nặng cho Nhà nước khi phải bảo đảm các điều kiện để thi hành án phạt tù suốt đời đối với những người này trong trại giam.
Mặt khác, việc thi hành án suốt đời sẽ làm cho người bị kết án không có động lực để phấn đấu, cố gắng trở thành người có ích, nảy sinh tâm lý cực đoan, tiêu cực, có thể dẫn đến việc họ thực hiện các hành vi nguy hiểm khác như: gây rối, chống phá trại giam, tự vẫn hoặc bỏ trốn, đánh nhau…
Vì vậy, Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung quy định cho phép người bị kết án tử hình được ân giảm tiếp tục được xét giảm là hết sức đúng đắn, cần thiết. Tuy nhiên, điều kiện để xét giảm án của những người này chặt chẽ hơn so với người bị kết án tù chung thân khác, đó là: thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần thì vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.
Quy định trên đây thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, dân chủ, ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta; chú ý đến những đặc điểm, sinh lý của người chưa thành niên và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ảnh hưởng của những đặc điểm đó đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ thời điểm phạm tội.
3. Những quan điểm khác nhau về hình phạt tử hình:
Nhiều người cho rằng: Bản chất của người là sai lầm. Và Thẩm phán cũng là người nên về lý thuyết có thể sai lầm. Có những sai lầm có thể sửa chữa, làm lại, đền bù, nhưng có những sai lầm không thể khắc phục ví dụ tử hình oan. Khắc phục sai lầm này chỉ có cách là bỏ hình phạt tử hình. Tôn giáo cũng không đứng ngoài cuộc tranh luận này khi quan điểm rằng chỉ có Đấng tối cao mới sinh ra con người và chỉ có Người mới có quyền tước đi tính mạng của chúng sinh. Nhà nước không vượt lên cái quyền tối cao và thiêng liêng đó.
Nhưng những người có nhiệm vụ sử dụng quyền lực nhà nước để bảo vệ xã hội cũng có lập luận sắc bén rút ra từ nghiên cứu tâm lý tội phạm. Thông thường trước khi đi giết người, kẻ sát nhân thường cân nhắc hai khả năng. Khả năng bị phát hiện và khả năng bị xử lý- giết người sẽ phải gánh chịu hậu thế nào? Nếu hình phạt tử hình còn tồn tại thì chưa cần thực hiện, nó đã có tác dụng ngăn ngừa tội phạm trong ý nghĩ…
Tuy nhiên, khi được hỏi khi giết người anh có biết sẽ bị tử hình không, rất nhiều tử tù bảo họ biết rõ điều đó. Điều này cũng xảy ra đối với các tội phạm kinh tế, tham nhũng khi mà trình độ hiểu biết pháp luật của họ rất cao. Vì vậy, mục đích răn đe của hình phạt tử hình không có tác dụng.
Bên cạnh đó không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hình phạt tử hình trong việc phòng ngừa chung đối với xã hội. Kẻ ác phải bị trừng trị, đó mới là công lý: Ác giả ác báo….
Tổng kết các quan điểm trên có thể sơ bộ rút kết luận giữ hay bỏ hình phạt tử hình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là sự phức tạp và nghiêm trọng của tình hình tội phạm, là quan niệm về án tử trong tập quán, tôn giáo và cao hơn cả là quan niệm về công lý của dân chúng từng xứ sở.
Liên quan đến hình phạt tử hình còn có quan điểm dựa trên trường phái về tính tuyệt đối và tương đối của quyền con người. Có những nước cho rằng quyền con người có những quyền tuyệt đối (không bị tước bỏ bới bất cứ lý do gì) ví dụ quyền sống thì họ không có hình phạt tử hình.
Có những nước cho rằng quyền con người chỉ có tính tương đối, nó có thể bị hạn chế, tước bỏ bởi lý do an ninh quóc gia, an toàn công cộng… thì quyền con người (trong đó có quyền sống) bị tước bỏ và hạn chế theo luật.
Việt Nam thuộc các nước theo quan điểm thứ hai. Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Các nhà lập pháp hình sự Việt Nam đã có sự lựa chọn là không bỏ nhưng cũng không giữ nguyên mà thu hẹp phạm vi các tội phải chịu hình phạt tử hình. Rất nhiều tội phạm trong luật hình sự 1985 đã không xuất hiện hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự hiện hành. Xu hướng nhân đạo và văn minh đã rõ hình hài bằng động thái lập pháp này.
Sự nghiêm khắc và triệt để của hình phạt tử hình cho thấy mục đích phòng ngừa riêng, ngăn ngừa người bị kết án phạm tội mới. Bởi các nhà làm luật xét thấy rằng người phạm tội bị kết án tử hình là những người không thể cải tạo, giáo dục, không còn khả năng tái hòa nhập với xã hội. Việc loại bỏ hoàn toàn khả năng tái phạm với mức độ nguy hiểm cao là cần thiết hơn cả. Tuy nhiên, có thể thấy tác dụng răn đe, phòng ngừa chung của hình phạt tử hình trong việc ngăn ngừa các thành viên khác trong xã hội không phạm tội, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.