Đảm bảo tính công bằng trong quan hệ hợp đồng là một trong những mục tiêu trong việc kiểm soát điều khoản mẫu. Giao kết hợp đồng là quyền tự do của các bên, nhưng lại tồn tại các điều khoản mẫu trong Hợp đồng thì tính tự do còn được trọn vẹn hay không?
1. Khái quát về tự do hợp đồng:
Tự do hợp đồng là học thuyết trung tâm của pháp luật hợp đồng. Pháp luật hợp đồng cổ điển cho rằng, các cá nhân được quyền tự do thỏa thuận các điều kiện của hợp đồng, không có sự can thiệp của chính quyền’. Học thuyết tự do hợp đồng phát triển mạnh mẽ ở Pháp vào thế kỷ XVIII, ghi nhận cá nhân được tự do quyết định trong việc giao kết hợp đồng và quyền của họ chỉ có thể bị ràng buộc bởi ý chí được thể hiện trong hợp đồng, “không phụ thuộc vào pháp luật” với mục đích đảm bảo công bằng thông qua tự do thỏa thuận, tự do cạnh tranh. Bộ luật Dân sự Pháp 1804 và Bộ luật Dân sự Đức 1900 đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi học thuyết tự do ý chí.
Tự do hợp đồng được xem là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất đối với đa phần hệ thống pháp luật về hợp đồng của các quốc gia trên thế giới, bảo đảm quyền tự do của cá nhân trong đời sống dân sự. Theo nguyên tắc này, trong quan hệ hợp đồng, các bên có quyền tự do quyết định (i) việc giao kết hợp đồng, (ii) chủ thể của hợp đồng và (iii) nội dung của hợp đồng và loại trừ sự can thiệp của nhà nước vào nội dung hợp đồng.
Tuy nhiên, cũng như nhiều nước, nhằm bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế và nhu cầu phát triển kinh tế có trật tự đúng hướng theo sự lựa chọn chung, nguyên tắc tự do thỏa thuận trong pháp luật hợp đồng nước ta hiện nay chỉ được chấp nhận ở mức tương đối. Bởi xuất phát từ nhiều lý do, địa vị của các bên trong hợp đồng không ngang bằng nhau, thường có một bên mạnh hơn so với bên còn lại về những vấn đề liên quan đến hợp đồng, dẫn đến sự bất bình đẳng trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Đó có thể là do hạn chế về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và khả năng tiếp cận thông tin, thiếu khả năng đàm phán thương lượng hợp đồng cũng như các hạn chế và bất lợi khác. Đặc biệt, trong trường hợp thỏa thuận có thể dẫn đến sự không công bằng cho bên yếu thế, quan điểm hạn chế quyền tự do thỏa thuận càng được thể hiện rõ nét trong hệ thống pháp luật về hợp đồng nhằm bảo vệ bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng với bên còn lại.
Như vậy, sự can thiệp của Nhà nước ở một giới hạn nhất định đối với hợp đồng là cần thiết để đảm bảo hài hòa quyền tự do hợp đồng và cân bằng lợi ích của các chủ thể tham gia hợp đồng. Nói cách khác, tính chất tương đối của nguyên tắc tự do hợp đồng đặt ra yêu cầu xem xét, đánh giá các điều khoản được thỏa thuận phải đảm bảo công bằng và kiểm soát điều khoản mẫu được xem là phương thức thực hiện sự can thiệp của Nhà nước đối với quyền tự do hợp đồng.
- Yêu cầu đối với các điều khoản mẫu trong hợp đồng theo mẫu
Bộ luật Dân sự năm 2015 dành hai quy định riêng biệt cho khái niệm Hợp đồng theo mẫu (khoản 1 Điều 405) và Điều kiện giao dịch chung (khoản 1 Điều 406).
Nếu hợp đồng theo mẫu mang bản chất của hợp đồng nói chung là sự thỏa thuận, thống nhất giữa các bên thì điều kiện giao dịch chung là những quy tắc, quy định thể hiện ý chí chung của bên đề nghị đã được thiết lập từ trước – đây được xem là sự khác nhau cơ bản của hai khái niệm này. Tuy vậy, cả hai khái niệm này đều cùng chỉ đến một hiện tượng khi mà các điều khoản mẫu do một bên đơn phương soạn thảo hoặc công bố và được sử dụng trên thực tế với đối tác mà không cần có sự thỏa thuận, mặc cả về nội dung của điều khoản mẫu đó. Điều khoản mẫu có thể là một phần cụ thể của hợp đồng hoặc cũng có thể là điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng.
Không thể phủ nhận những lợi ích đáng kể của hợp đồng theo mẫu trong nền kinh tế hiện đại: tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu chi phí giao dịch về thời gian và công sức để thương lượng chi tiết từng điều khoản nội dung của hợp đồng cho từng giao dịch. Tuy nhiên, vì đây là loại hợp đồng mà nội dung gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu, chứa đựng các điều khoản đã được đơn phương soạn thảo bởi một bên, được sử dụng nhiều lần nên nguy cơ lạm dụng quyền tự do hợp đồng của bên soạn thảo điều khoản mẫu luôn hiện hữu. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này là do bởi hợp đồng theo mẫu không được thương lượng giữa hai bên, bên còn lại không thể có ảnh hưởng, tác động đáng kể đến nội dung của hợp đồng cũng như không có khả năng đàm phán, thay đổi các điều khoản đã được soạn sẵn mà chỉ có khả năng chấp thuận hoặc từ chối giao kết.
Rõ ràng, điều khoản mẫu tạo ra những thách thức mới đối với lý thuyết tự do hợp đồng vì nó mang tính áp đặt và nguy cơ tạo ra hợp đồng bất lợi và thậm chí bất công cho bên còn lại. Điều này đặt ra nhu cầu kiểm soát tính công bằng đối với nội dung của các điều khoản mẫu. Tuy nhiên, việc kiểm soát nội dung của các điều khoản mẫu như thế nào, chủ thể nào có quyền kiểm soát và cơ chế kiểm soát như thế nào là một vấn đề pháp lý đặt ra nhằm đảm bảo hài hòa quyền tự do hợp đồng và sự can thiệp chính đáng từ phía công quyền.
Việc kiểm soát điều khoản mẫu tại Việt Nam hiện được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và một số văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 yêu cầu:
“Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng…
- Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
- Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Dù không thực sự rõ ràng, điều luật nói trên cũng có quy định về nội dung, cơ chế kiểm soát điều khoản mẫu, đặc biệt là quy định giải thích hợp đồng và điều khoản miễn trách nhiệm. Đặc biệt, khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, hợp đồng không có hiệu lực một phần (chỉ điều khoản miễn trách nhiệm của bên soạn hợp đồng theo mẫu) nếu chứa đựng nội dung “miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia”. Nội dung quy định này cho thấy, điều khoản miễn trách nhiệm trong hợp đồng mẫu không có hiệu lực là do vi phạm nguyên tắc công bằng, không cân xứng về quyền – nghĩa vụ của các bên tham gia dù hợp đồng đã được giao kết.
Ngoài ra, khoản này còn quy định, điều khoản miễn trách nhiệm vẫn có hiệu lực nếu rơi vào “trường hợp có thỏa thuận khác”. Tác giả cho rằng, ngoại lệ này tuy phù hợp với nguyên tắc hiệu lực của hợp đồng nhưng không thực sự thuyết phục bởi:
- Theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
(i) xét về bản chất, bất kỳ hợp đồng nào (kể cả hợp đồng mẫu) đều là kết quả của tự do thỏa thuận;
(ii) nếu áp dụng nguyên tắc loại trừ tại khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 nói trên thì việc xem xét sự công bằng trong điều khoản miễn trách nhiệm là vô nghĩa vì điều khoản này được hình thành theo cách thức (1) bên soạn thảo hợp đồng mẫu xây dựng điều khoản mẫu, (2) bên còn lại chấp nhận toàn bộ nội dung của điều khoản mẫu (trong đó có điều khoản miễn trách nhiệm, kể cả trường hợp điều khoản này có nội hàm “miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia”).
Như vậy, ngoại lệ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” tại khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 không phù hợp với mọi hoàn cảnh áp dụng mà cần phải xem xét đối với từng trường hợp cụ thể.
Bộ luật Dân sự hiện không có quy định riêng về việc tuyên bố điều khoản mẫu không có hiệu lực nhưng theo tác giả, trong trường hợp này, các quy định về hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm được áp dụng tương tự bởi lẽ: (i) hậu quả “không có hiệu lực” và vô hiệu đều có điểm tương đồng là không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên tại thời điểm giao kết hợp đồng; (ii) tinh thần của khoản 3 Điều 405 như là “lệnh cấm” vì được diễn đạt theo cách “có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực”.
Cũng cần lưu ý rằng, đây là trường hợp vô hiệu tuyệt đối nên bất kỳ chủ thể nào (không nhất thiết là bên tham gia hợp đồng có quyền lợi bị ảnh hưởng) cũng có quyền yêu cầu
Thêm vào đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã lần đầu tiên quy định tại khoản 3 Điều 406 nội dung “Điều kiện giao dịch chung phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên”. Đây là tuyên ngôn pháp lý hết sức quan trọng nhấn mạnh chủ đích lập pháp rõ ràng của Bộ luật Dân sự năm 2015 là Bộ luật này ghi nhận và sẽ đảm bảo thi hành các điều kiện giao dịch chung cho đến chừng nào các điều kiện giao dịch chung bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên. Mặc dù vậy, điều luật này không đưa ra các tiêu chuẩn, nguyên tắc “bảo đảm sự bình đẳng” nên không có căn cứ đánh giá, xem xét để áp dụng phù hợp. Theo tác giả, yêu cầu bình đẳng tại khoản 3 Điều 406 đòi hỏi các nội dung, điều khoản của hợp đồng phải được xác lập công bằng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng của các bên không rơi vào tình trạng bất cân xứng thái quá hoặc bất lợi cho bên yếu thế; đồng thời các bên giao kết hợp đồng có cơ hội biết, hiểu và đánh giá được hậu quả pháp lý có thể xảy ra trước khi thể hiện ý chí giao kết hợp đồng. Vì vậy, quy định công khai các điều khoản mẫu; quy định soạn thảo và trình bày về ngôn ngữ, thể thức cũng như giải thích điều khoản mẫu là những cách thức đem lại công bằng cho các bên giao kết. Tuy nhiên, để quy định này được áp dụng đồng bộ và hiệu quả, thiết nghĩ cần có quy định hướng dẫn, giải thích thực hiện vấn đề này.
Bên cạnh cơ chế pháp lý kiểm soát điều khoản mẫu được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như trên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng có những quy định chi tiết, bao phủ hầu hết các vấn đề quan trọng liên quan đến điều khoản mẫu như: vấn đề giải thích điều khoản mẫu (Điều 15), vô hiệu hoá các điều khoản không công bằng (Điều 16), vấn đề đăng ký bắt buộc đối với các hợp đồng mẫu và các điều kiện giao dịch chung áp dụng với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (Điều 19). Ngoài ra, để đảm bảo tính công bằng trong hợp đồng, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn quy định: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu (Bộ Công thương, Sở Công thương) có quyền xem xét hợp đồng theo mẫu về sự phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng (Điều 9, Điều 13 Nghị định 99/2011/ NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).