Từ đầu thế kỉ XIX đến trước năm 1868, Nhật Bản có nhiều sự biến đổi quan trọng tạo ra những ảnh hưởng căn bản cho việc định hình lại xã hội Nhật Bản sau này. Vậy trong khoảng thời gian này tầng lớp nào trong xã hội Nhật Bản đã dần tư sản hóa? Mời các bạn tham khảo trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Từ đầu thế kỉ XIX đến trước năm 1868, tầng lớp nào trong xã hội Nhật Bản đã dần tư sản hóa?
A. Đaimyo
B. Quý tộc mới
C. Samurai
D. Ca-tai-a-ma Xen
Đáp án C
Tầng lớp Samurai (võ sĩ) thuộc giới quý tộc hạng trung và nhỏ, không có ruộng đất, chỉ phục vụ các đaimyo bằng việc huấn luyện và chỉ huy các đội vũ trang để hưởng bổng lộc. Do một thời gian dài không có chiến tranh, địa vị của Samurai bị suy giảm, lương bổng thất thường, đời sống khó khăn, nhiều người rời khỏi lãnh địa, tham gia hoạt động thương nghiệp, mở xưởng thủ công…dần dần tư sản hóa, trở thành lực lượng đấu tranh chống chế độ phong kiến lỗi thời.
2. Samurai là ai?
Bắt nguồn từ động từ “saburau” trong tiếng Nhật, mang nghĩa là “phụng sự, phục vụ”, khái niệm “Samurai” ra đời vào những năm 700 sau Công nguyên. Ban đầu, theo đúng nghĩa của từ “saburau”, họ là những người canh gác, bảo vệ cho các thành viên cấp cao của triều đình. Samurai được các lãnh chúa phong kiến (Daimyo) trọng dụng vì sở hữu những kỹ năng chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ của họ trước kẻ thù.
Dần dà, võ sĩ Samurai được tổ chức thành các nhóm do những lãnh chúa nắm quyền lực chính trị lãnh đạo. Các lãnh chúa này đã thách thức chính quyền trung ương và chiến đấu với nhau để tranh giành quyền lực trên toàn cõi Nhật Bản. Minamoto no Yoritomo nổi lên và giành thắng lợi, sau đó ông thành lập chính quyền quân sự mới của tầng lớp Samurai do tướng quân (Shogun) lãnh đạo vào năm 1192. Và kể từ đó, tầng lớp võ sĩ đã thống trị Nhật Bản trong gần 700 năm, cho đến tận gần cuối thế kỷ 19.
Cuộc sống của các Samurai trong giai đoạn lịch sử này xoay quanh nhiều biến cố như: xung đột vũ trang, sự thay đổi quyền lực, giai cấp và địa vị xã hội. Kể từ cuối thời Kamakura (1185 – 1333), Samurai được huấn luyện để trở thành những chiến binh có văn hóa, kỷ luật. Và đến cuối thời Edo (1603 – 1868), giá trị về đạo đức của một võ sĩ dần được khẳng định trong một hệ thống nguyên tắc gọi là “Bushido” (Võ sĩ đạo), mà những ảnh hưởng của nó đến xã hội Nhật Bản hiện đại vẫn còn rất rõ nét.
Samurai chọn bông hoa anh đào làm biểu tượng của mình. Họ nguyện một đời hiến thân cho dân tộc, chiến đấu và hi sinh một cách cao đẹp. Họ không sợ hãi trước cái chết, coi cái chết nhẹ tựa như những cánh anh đào trong gió. Cái chết với họ nhẹ nhàng và bình thản, như một quy luật tất yếu của tự nhiên. Hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, mà còn là nỗi buồn về sự ngắn ngủi, khiêm nhường và nhẫn nhịn của người võ sĩ đạo.
Những câu chuyện và giai thoại về giới võ sĩ được ghi chép trong các tài liệu lịch sử lưu truyền qua nhiều thế kỷ, để ngày nay, họ trở thành một biểu tượng văn hóa thu hút nhiều người bỏ công nghiên cứu, tìm hiểu.
3. Địa vị xã hội của Samurai trong xã hội phong kiến Nhật Bản:
Đến tuổi trưởng thành, Samurai được giao đảm nhận nhiều vai trò, trong đó chủ yếu và được biết nhiều nhất là chiến đấu, phục vụ lãnh chúa hay chủ tướng. Sự trung thành của Samurai đổi lấy sự thừa nhận, địa vị xã hội cùng tài sản. Còn những Samurai vô chủ, hoạt động độc lập, không còn gắn kết gì với hệ thống chính trị sẽ được gọi là “Ronin” (lãng nhân).
Theo hệ thống phân cấp thời Edo của Nhật, Samurai là tầng lớp chiến binh quý tộc và đứng thứ 5 trong hệ thống phân chia giai cấp Tokugawa. Các Samurai chiếm khoảng 10% dân số và hoạt động như những người lính phục vụ lãnh chúa trong mối quan hệ phong kiến “chủ nhân – chiến binh”. Các tầng lớp khác bị cấm sở hữu kiếm dài như Tachi hoặc Katana, nên việc mang theo cả kiếm dài và kiếm ngắn đã trở thành biểu tượng của tầng lớp võ sĩ.
Các Samurai khi phục vụ sẽ được lãnh chúa trả một khoản tiền trợ cấp. Ngoài ra, họ không được sở hữu đất đai – điều có thể mang lại cho họ thu nhập độc lập với nghĩa vụ của mình. Samurai thường sinh sống xung quanh lâu đài của các lãnh chúa, tạo ra một thị trấn thịnh vượng xung quanh dinh thự.
Bản thân tầng lớp Samurai cũng có sự phân chia cấp bậc: Samurai cấp cao được quyền trực tiếp diện kiến lãnh chúa và có thể nắm giữ những vị trí thân cận nhất bên cạnh chủ nhân, một số đủ giàu có để sở hữu các Samurai làm thuộc hạ cho mình. Samurai cấp trung giữ các chức vụ trong quân đội, chính quyền và có thể diện kiến lãnh chúa trong một số trường hợp cần thiết. Còn Samurai cấp thấp thường chỉ được trả công đủ sống và đảm nhiệm các công việc như người bảo vệ, người đưa tin, thư ký…
Các vị trí trong tầng lớp Samurai phần lớn là cha truyền con nối, nên những cá nhân tài năng sinh ra trong một gia đình thuộc cấp thấp cũng hiếm khi thay đổi được cấp bậc của mình.
4. Nguyên tắc đạo đức – yếu tố tạo nên biểu tượng Samurai Nhật Bản:
Phần lớn samurai gắn liền với quy tắc danh dự gọi là võ sĩ đạo và luôn là những người làm gương cho cấp dưới. Một người Samurai cần tuân thủ theo 7 nguyên tắc đạo đức sau:
Gi – Công lý
Việc đánh giá danh dự và công lý phải rõ ràng, rạch ròi trắng đen. Đối với Samurai thì con người trung thực không bao giờ sợ hãi sự thật.
Họ luôn đặt lòng tự trọng và danh dự lên trên tiền bạc, bản thân không để bị cám dỗ bởi ham muốn, tham vọng. Không được để cho tinh thần trượng nghĩa, chống lại cái ác bị làm cho sa ngã.
Jin – Nhân từ
Có nghĩa là sự từ bi đối với người khác, các võ sĩ phải cảm thông, phải biết bao dung, độ lượng với tất cả mọi người.
Lòng nhân từ tiếp thêm sức mạnh cho các võ sĩ, giống như sức mạnh của nước có thể dập tắt lửa. Sức mạnh của Samurai là để thấu hiểu, giúp đỡ người khác chứ không dùng phục vụ toan tính cũng như thù hận cá nhân.
Yu – Can đảm
Đối với Võ sĩ, can đảm là tinh thần cốt yếu, họ chính là những người mang khí chất anh hùng nhưng không mù quáng. Ngược lại sự can đảm cần song hành với lý trí sáng suốt, mạnh mẽ, dùng sự thận trọng thay thế cho nỗi sợ hãi.
Người Nhật cũng có triết lý rằng cái chết không đáng sợ, nhưng chết trong danh dự hay trong ô nhục mới là vấn đề then chốt, một cái chết có ý nghĩa sẽ hơn một cuộc sống vô nghĩa.
Ray – Tôn trọng
Tất cả các hành động của Samurai phải xuất phát từ sự tôn trọng lẫn nhau, Võ sĩ không cần thiết phải tàn nhẫn để chứng minh sức mạnh của bản thân.
Ngay cả với kẻ thù của mình, các Samurai cũng phải giữ được lịch sự, tôn trọng vì nếu không có phẩm chất này thì có khác gì những con thú khoe khoang sức mạnh bản thân.
Makoto – Sự chân thành
Sự chân thành chính là một phẩm chất đạo đức quan trọng mà các Samurai phải gìn giữ. Đối với họ, lời nói không cần nhiều, mà thông qua các hành động để chứng minh sự chân thành của mình.
Đồng thời các Samurai cũng luôn giữ đúng lời hứa của mình, lời đã nói ra nhất định sẽ làm với trách nhiệm cao.
Meyё – Danh dự
Cũng giống như công lý, danh dự đối với Võ sĩ chính là yếu tố sống còn. Mất danh dự giống như một vết sẹo trên cây vậy, theo thời gian, vết sẹo đó sẽ còn mãi và còn khiến cho cây trở nên còi cọc hơn.
Các Samurai luôn quan niệm rằng, người được phán xét bản thân là chính họ, nên những hành động của họ phải thể hiện được chính con người họ, với những điều mà họ tự hào.
Chugi – tận tâm
Tận tâm được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà Samurai phải có. Vì tận tâm thể hiện sự trung thành của họ trong các cuộc xung đột lợi ích.
Các Võ sĩ chịu trách nhiệm cho mỗi hành động của mình bằng tất cả sự tận tâm, không ích kỷ, không vụ lợi.
THAM KHẢO THÊM: