Nhà nước đã ban hành các quy định pháp luật về cơ chế tự chủ. Trong đó, tự chủ tài chính là chế định quan trọng của cơ chế tự chủ và việc tự chủ tài chính cũng đã đem đến những ý nghĩa quan trọng. Chắc hẳn hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về thuật ngữ này.
Mục lục bài viết
1. Tự chủ tài chính là gì?
Tự chủ tài chính là một trong những cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, được hiểu là cơ chế theo đó các đơn vị sự nghiệp công được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi của đơn vị mình trong khuôn khổ mà pháp luật quy định.
Đơn vị sự nghiệp công lập được biết đến chính là các đơn vị do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, thuộc sở hữu của Nhà nước, là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Có thể kể đến các đơn vị sự nghiệp công lập, như: trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, văn hóa, sở khoa học công nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…
Tự chủ tài chính trong tiếng Anh là: Financial autonomy.
2. Một số vấn đề về cơ chế tự chủ tài chính:
Mục tiêu của cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:
– Thứ nhất, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu, nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động; phát huy tính sáng tạo, năng động, xây dựng “thương hiệu riêng” cho đơn vị mình.
– Thứ hai, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.
– Thứ ba, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp, Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư để hoạt động sự nghiệp ngày càng phát triển; bảo đảm cho các đối tượng chính sách – xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ theo quy định ngày càng tốt hơn.
Cơ chế tự chủ tài chính có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đơn vị sự nghiệp nói riêng, thúc đẩy kinh tế xã hội nói chung. Cụ thể như sau:
– Tạo thế chủ động cho đơn vị sự nghiệp trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ đó, nó đã góp phần phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu, nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động. Không chỉ vậy mà còn phát huy tính sáng tạo, năng động trong việc xây dựng và phát triển đơn vị mình.
– Nhằm mục đích để thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.
3. Mức độ tự chủ tài chính:
Để phù hợp với khả năng của từng đơn vị, pháp luật quy định các mức tự chủ tài chính khác nhau. Theo quy định hiện hành, tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp gồm 4 mức độ cơ bản được nêu dưới đây:
– Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
– Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên.
– Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí).
– Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).
Trong đó, pháp luật quy định cụ thể các nguồn tài chính, việc sử dụng nguồn tài chính cụ thể tương ứng đối với từng mức độ.
Bên cạnh đó thì thực chất t`ự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập còn được thể hiện qua các hoạt động giao dịch tài chính.
4. Quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập:
Đối tượng áp dụng của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính Phủ:
– Đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công).
– Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công thuộc đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
– Đơn vị sự nghiệp công thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được áp dụng quy định tại Nghị định này và các quy định của Đảng và của pháp luật khác có liên quan.
– Đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo Hiệp định và cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước hoặc tổ chức quốc tế thực hiện cơ chế tài chính theo cam kết, Điều ước quốc tế hoặc Quyết định đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Mục 1, Chương II của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP này quy định tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2). Theo đó, nguồn tài chính của đơn vị, bao gồm:
– Thứ nhất: Nguồn ngân sách nhà nước:
+ Kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật hiện hành.
+ Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
+ Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có), gồm: Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp chưa có định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng.
+ Vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp
– Thứ hai: Nguồn thu hoạt động sự nghiệp:
+ Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công.
+ Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công.
+ Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.
– Thứ ba: Nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
– Thứ tư: Nguồn vốn vay; vốn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.
– Thứ năm: Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).