Truy đuổi người khác gây hậu quả chết người có bị truy cứu trách nhiệm không? Khi nào thì hành vi truy đuổi người khác gây hậu quả chết người không phải chịu trách nhiệm?
Mục lục bài viết
1. Hành vi truy đuổi người khác gây chết người chịu trách nhiệm gì?
Theo đó, hành vi truy đuổi người khác dẫn đến tử vong đã rơi vào hành vi giết người. Phải chịu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ và hành vi của người phạm tội. Cụ thể được chia làm hai trường hợp sau:
1.1. Tội vô ý làm chết người:
Căn cứ theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vô ý làm chết người sẽ phải chịu hình phạt như sau:
– Một là, người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Hai là, phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
– Cấu thành tội phạm của hành vi vô ý làm chết người:
+ Chủ thể của tội phạm:
Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.
+ Mặt chủ quan của tội phạm:
Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
+ Đối với tội vô ý làm chết người cũng tương tự, sẽ có 2 hình thức lỗi :
** Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, tay nghề.v.v…
** Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.
+ Khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ; quyền được sống của con người được pháp luật bảo vệ.
+ Mặt khách quan của tội phạm:
** Hành vi:
Hành vi có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Những hành vi hành động có thể kể đến như việc trêu chọc một người quá mức dẫn đến hậu quả chết người xảy ra, do cẩu thả trong việc thực hiện công việc khiến cho người khác tử nạn ví dụ như cưa hoặc chặt cây khiến cây đổ vào người khác… Hành vi vô ý làm chết người cũng có thể diễn ra dưới dạng không hành động, tức là không làm việc mà bản thân cần làm để giúp đỡ một người khiến cho họ bị chết.
+ Hậu quả và mối quan hệ nhân quả:
Đây là cấu thành tội phạm vật chất, có nghĩa là phải có hậu quả là chết người xảy ra thì mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Hậu quả chết người chưa xảy ra thì không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.
Ở đây phải có mối liên hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người một cách biện chứng. Hành vi là nguyên nhân gây ra hậu quả và hành vi phải có trước hậu quả làm chết người xảy ra trên thực tế.
+ Về phía nạn nhân:
Nạn nhân của tội vô ý làm chết người có thể là bất cứ người nào.Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra. Ở đây, nạn nhân có thể là người quen thuộc với người thực hiện tội phạm, thậm chí là người cùng tham gia vào hành vi với người thực hiện tội phạm nhưng vì sự vô ý hoặc quá tự tin của người phạm tội mà bản thân họ trở thành nạn nhân. Nạn nhân cũng có thể là một người hoàn toàn xa lạ, nhưng bị tác động bởi hành vi vô ý dẫn đến việc thiệt mạng.
1.2. Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
– Khách thể của tội phạm:
Quyền được tôn trọng sức khỏe và bảo vệ sức khỏe. Đối tượng là những chủ thể có quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, những người đang sống, đang tồn tại với tư cách là thực thể tự nhiên và xã hội.
– Mặt khách quan:
Hành vi của tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Thực hiện những hành vi có khả năng gây ra tổn hại cho sức khỏe (gây thương tích hoặc những tổn thương khác) của con người. Những hành vi này có thể thực hiện bằng công cụ, phương tiện phạm tội hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội hoặc thông qua súc vật hay cơ thể người khác,…
– Hậu quả của tội này: Gây thương tật dẫn đến chết người.
Quan hệ nhân quả: Hành vi và hậu quả thương tích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Khi đã xác định có hành vi gây thương tích dẫn đến chết người phải là hậu quả do các hành vi này gây ra
– Chủ thể phạm tội :
+ Là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
+ Đủ 14 tuổi trở lên.
– Mặt chủ quan:
Lỗi: cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.
– Hậu quả:
Người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc không mong muốn gây thương tích nhưng biết hậu quả sẽ xảy ra mà vẫn cố tình thực hiện. Tuy nhiên, không hề mong muốn và không biết hậu quả gây chết người sẽ xảy ra. Chết người là ngoài ý muốn.
– Hình phạt của tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định cụ thể như sau:
+ Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
+ Bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm;
+ Bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm;
+ Bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm;
+ Bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm;
+ Bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
2. Ví dụ về hành vi truy đuổi người khác gây hậu quả chết người:
Nguyễn Quý Hợi không kết hôn nhưng có con chung với con gái ông Nguyễn Hồng Thanh (SN 1958, trú cùng địa phương), sau đó giữa Hợi và ông Thanh có xích mích.
Đến chiều ngày 22-5-2011, ông Thanh chạy xe máy trên đường thì gặp Hợi đang điều khiển xe máy cày. Ông Thanh chửi Hợi, Hợi chạy máy cày đến để ở chỗ vợ đang bán dưa hấu gần đó, lấy khúc gỗ dài khoảng 80 cm rồi phóng xe máy đuổi theo ông Thanh để đánh.
Thấy Hợi cầm gậy chạy xe máy đuổi theo sau, ông Thanh hoảng sợ nên cho chạy xe với tốc độ nhanh, vừa chạy vừa hô: “Cứu, cứu…”. Khi đến đoạn đường cong, do chạy với tốc độ nhanh ông Thanh đã đâm vào xe máy ngược chiều, tử vong tại chỗ. Mặc dù thấy ông Thanh bị tai nạn nhưng Hợi không dừng lại xem xét mà bỏ về nhà. Sau đó, Hợi bỏ xuống TP. HCM làm việc và bán luôn chiếc xe mình dùng để truy đuổi ông Thanh.
Xét về hành vi :
Khi Hợi cầm gậy điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao đuổi theo ông Thanh thì Hợi phải nhận thức được hành vi của mình là rất nguy hiểm. Ông Thanh do hoảng sợ cũng phải điều khiển xe chạy với tốc độ cao để tránh sự truy đuổi của Hợi có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm dẫn đến chết người, nhưng H không những không dừng đuổi mà còn lạng lách đánh võng đuổi đánh ông Thanh. Khoảng cách giữa Hợi và ông Thanh ngày càng gần thì sự hoảng loạn của ông Thanh càng tăng lên, buộc ông Thanh phải tăng tốc độ xe mô tô, vừa chạy vừa quay đầu nhìn lại và kêu: “Cứu với, cứu với…” nhưng Hợi cũng không dừng lại mà vẫn tiếp tục đuổi theo cho đến khi ông Thanh gặp tai nạn mới dừng lại.
Với hành vi nguy hiểm nêu trên, đã có đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của Hợi là rất quyết liệt, chứng tỏ về mặt chủ quan Hợi không mong muốn nhưng có ý thức chấp nhận hậu quả chết người xảy ra, và thực tế khi thấy ông Thanh bị tai nạn, Hợi bỏ mặc không đưa ông Thanh đi cấp cứu mà quay xe đi về, hậu quả là ông Thanh chết.
3. Trường hợp truy đuổi người khác gây hậu quả chết người nhưng không bị truy cứu trách nhiệm:
Nếu như trong trường hợp cảnh sát giao thông truy đuổi người vi phạm, trong suốt quá trình truy đuổi người cảnh sát giao thông không có lỗi mà dẫn đến tai nạn, tai nạn đó là do người vi phạm gây ra (có thể là lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ,..) thì người cảnh sát giao thông đó không bị xử lý và chịu trách nhiệm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.