Truy cứu trách nhiệm hình sự là một thuật ngữ chuyên ngành, nhằm mô tả một chế định hình sự quan trọng. Nó thể hiện hoạt động áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự của nhà nước ta đối với người phạm tội. Vậy, truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể là gì? thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là bao lâu?
Mục lục bài viết
- 1 1. Trách nhiệm hình sự là gì?
- 2 2. Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
- 3 3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
- 4 4. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
- 5 5. Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự:
- 6 6. Những trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
1. Trách nhiệm hình sự là gì?
Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc người đó thực hiện tội phạm và là kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự, được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.
Trách nhiệm hình sự có những đặc điểm cơ bản sau:
– Trách nhiệm hình sự là “hậu quả pháp lý của việc phạm tội thể hiện ở chỗ người đã gây tội phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước”.
– Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là trách nhiệm của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong PLHS bằng một hậu quả bất lợi do Tòa án áp dụng tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người đó thực hiện.
– Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng đối với người phạm tội một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do luật hình sự quy định.
– Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý bao gồm nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu Trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của Trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và mang án tích.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Truy cứu trách nhiệm hình sự là áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt. Người có khả năng nhận thức được hành vi của mình, có khả năng điều khiển được hành vi đó là người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện trên cơ sở chủ thể (có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) đã thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong luật hình sự. Thuộc về truy cứu trách nhiệm hình sự là những hoạt động khởi tố của cơ quan điều tra, truy tố của cơ quan viện kiểm sát, xét xử của cơ quan toà án và có thể cả cưỡng chế thi hành biện pháp của trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội chỉ được truy cứu trong thời hạn luật định tính từ ngày tội phạm được thực hiện (và kết thúc). Đó là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Luật hình sự Việt Nam quy định thời hạn là 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sau thời hạn trên, người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu:
1) Người phạm tội không phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ 1 năm tù trở lên;
2) Người phạm tội không cố tình trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như không bị truy nã.
Nếu không thỏa mãn các điều kiện kể trên thì thời hiệu sẽ được tính lại từ ngày phạm tội mới hoặc từ ngày ra tự thú hoặc từ ngày bị bắt giữ.
Phù hợp với pháp luật quốc tế, luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định không có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Ngoài ra, luật hình sự Việt Nam còn quy định không có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn là một khoảng thời gian nhất định có xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Vậy chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người trong khoảng thời gian mà pháp luật cho phép, nếu đã hết khoảng thời gian đó mà không truy cứu đối với người phạm tội thì họ sẽ không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trừ các trường hợp đặc biệt tại Điều 28
Khoản 1 Điều 27
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm sẽ được quyết định dựa vào mức độ phạm tội, tính chất gây nguy hiểm cho xã hội hay nói ngắn gọn là loại tội phạm. Hiện nay có bốn loại tội phạm nên đi kèm với nó là bốn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng. Cụ thể:
Thứ nhất, năm năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
Ví dụ: Chị A là người thất nghiệp đang tìm việc làm, biết được điều đó ngày 15/03/2017 anh B có đến dụ dỗ chị A làm mát xa và hứa trả tiền hàng tháng. Nhưng khi chị A làm thì mới biết đó là một ổ mại dâm. Sau nhiều năm làm việc bị bắt nạt, nhiều lần không được trả tiền dịch vụ, ngày 27/06/2019 chị có trình báo việc hoạt động phi pháp của ổ mại dâm kia và hành vi dụ dỗ của anh B đối với mình tại
Thứ hai, mười năm đối với tội phạm nghiêm trọng
Tội phạm nghiêm trọng được hiểu là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.
Ví dụ: Anh A là cảnh sát giao thông. Ngày 20/06/2017, anh A đang làm nhiệm vụ điều khiển hướng đi của các phương tiện giao thông đi trên đường thì thấy anh B lái xe trong tình trạng say rượu, lạng lách đánh võng trên đường. Anh A đã yêu cầu anh B dừng lại. Hai bên xảy ra xô sát, anh A xô mạnh anh B khiến anh B đầu đập xuống đất và tử vong. Hành vi của anh A cấu thành Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (thuộc khoản 1 Điều 127 Bộ luật Hình sự 2015). Đây là loại tôi phạm nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của anh A là 10 năm (đến ngày 20/06/2027).
Thứ ba, mười lăm năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng
Tội phạm rất nghiêm trọng được định nghĩa là Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
Ví dụ: Anh A và chị B là một cặp đôi đang yêu nhau. Do ghen tuông nên ngày 16/05/2019 chị A đã yêu cầu chia tay, không đồng ý với yêu cầu này anh A đã ra tay đánh chị B với mong muốn dạy cho một bài học nhưng đến khi đánh xong phát hiện ra chị B đã chết. Hành vi này của anh A đã cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc đây tổn hại đến sức khỏe của người khác (theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015). Đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm (16/05/2034).
Thứ tư, hai mươi năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Có thể hiểu tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Ví dụ: Do mâu thuẫn về quyền sử dụng đất nên ngày 13/06/2018 anh A đã mang dao đến nhà anh B chém gia đình anh B làm bốn người tử vong ngay tại chỗ. Hành vi của anh A đã cấu thành Tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm (đến ngày 13/06/2038).
4. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
Điều 28 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể gồm:
– Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này.
– Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này.
– Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
Việc quy định các tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm trên thể hiện tinh thần kiên quyết không khoan nhượng cho những tội phạm ảnh hưởng đến việc xây dựng và bảo vệ Nhà nước của dân, do dân, vì dân; bảo vệ hòa bình chống chiến tranh xâm lược và phòng chống tội phạm tham nhũng.
5. Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự:
Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật hình sự 2015), cụ thể như sau:
– Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Khoản 2 Điều 18 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Khoản 2 Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.( Khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 20 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên ( gọi là phòng vệ chính đáng). Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm nên người phòng vệ chính đáng không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015)
– Người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa gọi là tính thế cấp thiết). Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm nên người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Người thực hiện hành vi để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 24 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người thực hiện hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phạm tội nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 25 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này. (Điều 26 Bộ luật hình sự năm 2015).
6. Những trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
– Người thực hiện hành vi phạm tội nhưng thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết (Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự năm 2015 nhưng bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố (Khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015)
– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố (bao gồm bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết) rút yêu cầu thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 226 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức. Điều này có nghĩa người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 155 của BLTTHS năm 2015).
– Trường hợp đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm (Điểm b khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015).
* Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật hình sự năm 2015.