Bên cạnh các trường phổ thông bình thường như các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, thì pháp luật nước ta còn quy định về các trường phổ thông chuyên biệt, đào tạo những cá nhân có những khả năng về thể chất, trí tuệ phát triển. Cùng tìm hiểu về trường năng khiếu.
Mục lục bài viết
1. Về trường năng khiếu:
Tại Khoản 1 Điều 62
Năng khiếu được hiểu là việc một con người có khả năng vượt trội so với cá nhân khác trong xã hội trong một lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý việc năng khiếu và sự thông minh của của con người là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Năng khiếu được thể hiện dưới nhiều dạng như khả năng ca hát hay, khả năng hội họa, khả năng vận động,…
Đối chiếu với quy định trên, thì hiện nay trường năng khiếu tập trung đào tạo cho các cá nhân nằm trong lĩnh vực nghệ thuật và trong lĩnh vực thể dục thể thao. Trong lĩnh vực nghệ thuật thì tập trung đào tạo năng khiếu khả năng ca hát, múa nghệ thuật, khả năng múa, hội họa, diễn xuất,… Trong lĩnh vực thể dục, thể thao tập trung phát triển năng khiếu thể dục dụng cụ, điền kinh (chạy, nhảy, ném đẩy, ném lao,…), các môn thể thao khác như bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền,….
Như vậy, trường phổ thông năng khiếu là trường học bên cạnh việc đào tạo văn hóa thì song song với đó là tiến hành đào tạo, phát triển các năng khiếu của các học sinh trong lĩnh vực nghệ thuật và thể dục, thể thao. Trường phổ thông năng khiếu là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, là loại hình trường chuyên biệt dành cho học sinh phổ thông năng khiếu.
2. Giáo dục trong trường phổ thông năng khiếu:
Như ở trên đã viết, thì trường phổ thông năng khiếu phải đảm bảo việc giảng dạy giáo dục phổ thông và giáo dục năng khiếu.
Việc phải đảm bảo giáo dục phổ thông trong trường năng khiếu được quy định bởi vì mục tiêu giáo dục vẫn là mục tiêu hàng đầu đối với trẻ em, học sinh. Mà giáo dục ở đây chính là giáo dục văn hóa, cung cấp những hiểu biết cần thiết nhất để đảm bảo học sinh có lượng tri thức cơ bản như các bạn cùng trang lứa tại các cơ sở giáo dục bình thường. Đồng thời, việc này cũng giúp cho các học sinh tại các trường năng khiếu khi không học tập tại đây nữa mà chuyển trường, thì vẫn có thể theo kịp với chương trình ở các trường khác đó, hoặc khi không theo những ngành năng khiếu họ vẫn có khả năng sử dụng tri thức để làm việc công việc khác.
Song song với hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông, thì học sinh các trường năng khiếu sẽ được bổ sung các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu. Năng khiếu tuy có được từ khi con người được sinh ra, tuy nhiên, nếu không có quy trình đào tạo bài bản thì không thể phát huy được hết khả năng của cá nhân. Vì lý do đó mà các trường năng khiếu được ra đời. Năng khiếu được phát hiện và đào tạo từ sớm, sẽ giúp phát huy tốt các khả năng của cá nhân, đồng thời tận dụng được “cơ hội vàng” để phát triển. “Cơ hội vàng” ở đây chính là khoảng thời gian đang còn là học sinh, cơ thể vẫn còn đang phát triển, nếu có sự rèn luyện phù hợp sẽ giúp đạt được trạng thái đỉnh cao. Hay đối với các năng khiếu thể dục, thể thao, thì khi còn ở độ tuổi trẻ, chính là thời điểm vàng để đạt được trạng thái đỉnh cao.
Hoạt động học tập theo chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động giáo dục năng khiếu được tổ chức kết hợp xen kẽ nhau. Để đảm bảo học sinh vừa có điều kiện phát triển trí tuệ và phát triển năng khiếu. Nhà trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập, rèn luyện của học sinh đối với từng cấp học, khối lớp của học sinh. Trong kế hoạch này phải có sự kết hợp giữa việc học tập theo chương trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo năng khiếu.
Đối với chương trình giáo dục phổ thông, thì chương trình học này tại các trường năng khiếu phải đáp ứng các quy định chung thống nhất của hệ giáo dục này theo quy chế của Bộ Giáo dục và đào tạo. Bởi giáo dục phổ thông là giáo dục được áp dụng chung trên toàn quốc, không có phân biệt giữa loại hình là trường phổ thông cơ bản, trường năng khiếu hay trường chuyên. Việc giáo dục phổ thông tại trường năng khiếu sẽ đặt dưới sự quản lý của Sở Giáo dục và đào tạo của tỉnh, thành phố- đây là cơ quan quản lý chung nhất về giáo dục trên địa phương.
Đối với chương trình đào tạo năng khiếu, thì chương trình đào tạo năng khiếu của trường sẽ được xây dựng dựa trên quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực do cơ quan quản lý ban hành, bên cạnh đó kết hợp với tình hình thực tế về khả năng của học sinh để xây dựng kế hoạch đào tạo tài năng. Kế hoạch đào tạo tài năng thuộc sự phê duyệt và quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch.
3. Quy chế tuyển sinh của trường phổ thông năng khiếu:
Hiện nay, theo quy định tại Điều 7 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao được ban hành kèm theo Thông tư số 07/2021/TT- BGDĐT thì đối tượng tuyển sinh của trường phổ thông năng khiếu là ở độ tuổi từ 6 tuổi đến 15 tuổi. Như vậy, độ tuổi tuyển sinh được trải dài từ khi trẻ em đủ tuổi học chương trình tiểu học đến khi đạt độ tuổi vào học trường trình trung học phổ thông. Từ quy định này, thì có thể hiểu cá nhân tuyển vào trường phổ thông năng khiếu bao gồm cả ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông mà không tuyển sinh ở độ tuổi cao hơn. Quy định này phù hợp với tính chất của trường, thuộc giáo dục phổ thông. Ở độ tuổi khác thì học sinh có thể tham gia chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc các lĩnh vực nghệ thuật đó.
Và cũng tại quy định tại điều 7 của Quy chế, thì khi việc tuyển sinh học sinh của trường năng khiếu tương ứng với cấp tiểu học tuân theo quy định hiện hành, ở cấp trung học cơ sở thì phải có giấy xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và ở cấp trung học phổ thông thì cá nhân phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Quy định này nhằm đảm bảo sự đáp ứng trình độ văn hóa của cá nhân khi vào trường học, có thể đáp ứng được điều kiện của từng cấp học tương ứng. Bên cạnh việc đáp ứng về trình độ tương ứng về cấp học, thì cá nhân còn phải đáp ứng khả năng về “sự vượt trội” của năng khiếu trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao. Để kiểm tra sự phù hợp đó, thì các trường năng khiếu sẽ tổ chức thi tuyển hoặc có các bài kiểm tra để đánh giá năng khiếu của học sinh đó.
Theo quy định tại Điều 9 của Quy chế thì “1. Đánh giá xếp loại và xét lên lớp, chuyển cấp, thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đối với học sinh trường phổ thông năng khiếu TDTT thực hiện theo quy định như học sinh các trường phổ thông.” hiểu theo quy định này, thì việc đánh giá xếp loại học sinh tại trường năng khiếu cũng được chia thành bậc học lực giỏi, khá, trung bình, yếu, kém; còn đối với hạnh kiểm thì cũng được đánh giá thành các bậc Tốt, Khá, Trung bình và Yếu. Các hoạt động xét lớp, chuyển cấp, thi tuyển vào các cơ sở giáo dục đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học thực hiện như quy định của giáo dục phổ thông thông thường. Quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng, không có sự phân chia về năng lực hay trình độ giữa học sinh trường năng khiếu với học sinh các trường học khác.
Còn đối với việc đánh giá chuyên môn năng khiếu, thì giáo viên trực tiếp giảng dạy môn năng khiếu chính là người thực hiện đánh giá, xếp loại thường xuyên về chuyên môn năng khiếu của học sinh, bởi đây là người trực tiếp tiến hành, theo sát quá trình rèn luyện, tập luyện của học sinh, nên họ sẽ có cái nhìn chính xác nhất về quá trình phát triển năng khiếu của học sinh. Bên cạnh đánh giá thường xuyên, thì còn tiến hành hoạt động đánh giá định kỳ. Chủ thể thực hiện hoạt động đánh giá định kỳ sẽ do Hội đồng đánh giá thực hiện. Hoạt động đánh giá này có thể được thực hiện theo tháng, theo kỳ 3 tháng, kỳ 6 tháng, hoặc theo kỳ học tương ứng với năm học.
Một đặc trưng riêng của các trường năng khiếu, đó chính là việc học sinh có thể được cử đi thi đấu, để đảm bảo việc học của học sinh, thì nhà trường phải tiến hành hoạt động dạy học và kiểm tra bổ sung cho học sinh, giúp học sinh duy trì được việc học tập, không bị gián đoạn, kéo dài bởi việc đi thi đấu.
Nhà nước đã và đang chú trọng đến sự phát triển của các trường năng khiếu, việc phát triển các trường năng khiếu giúp ích cho việc phát triển toàn diện của học sinh, từ đó giúp phát triển các năng khiếu trong các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao, từ đó mở rộng sự phát triển của các lĩnh vực này.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019
– Thông tư số 07/2021/TT- BGDĐT ngày 12 tháng 03 năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao.