Đình công chính là một trong những biện pháp của người lao động áp dụng để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Vậy trong trường hợp nào phải hoãn đình công? Thủ tục hoãn đình công?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là hoãn đình công?
- 2 2. Trường hợp phải hoãn đình công?
- 3 3. Thủ tục hoãn đình công:
- 4 4. Nội dung của văn bản đề nghị hoãn đình công:
- 5 5. Trường hợp nào ngừng đình công?
- 6 6. Quy trình, thủ tục thực hiện ngừng đình công:
- 7 7. Trường hợp ngừng, hoãn đình công thì quyền lợi của Người lao động giải quyết như thế nào?
1. Thế nào là hoãn đình công?
Đình công là việc người lao động ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có sự tổ chức nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Đây có thể coi là một trong những biện pháp giúp người lao động gây áp lực lớn đến người sử dụng lao động để đòi hỏi quyền lợi khi bị ảnh hưởng. Việc đình công được pháp luật công nhận và cho phép nếu như hợp pháp, tuân thủ theo đúng quy định và như vậy mới có thể đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của chính mình.
Căn cứ khoản 1 Điều 109 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định, hoãn đình công được hiểu là việc lùi thời điểm bắt đầu cuộc đình công đã ấn định trong quyết định đình công của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công. Vấn đề này sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định.
2. Trường hợp phải hoãn đình công?
Theo quy định, các trường hợp phải hoãn đình công bao gồm:
– Dự kiến tổ chức đình công tại địa điểm như những nơi đang diễn ra hoạt động nhằm phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định.
– Dự kiến tổ chức đình công tại đơn vị cung cấp điện, nước, vận tải công cộng và các dịch vụ khác trực tiếp phục vụ tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày lễ, tết gồm tết dương lịch; tết âm lịch; ngày 30/4 – mùng 1/5; ngày quốc khánh (2/9); ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).
3. Thủ tục hoãn đình công:
Bước 1: Tiến hành xem xét cuộc đình công có thuộc trường hợp hoãn đình công hay không?
Trách nhiệm sẽ thuộc về Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Cụ thể sau khi nhận được quyết định đình công của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, trong thời hạn 24 giờ, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn cuộc đình công nếu như thuộc trường hợp theo quy định phải hoãn đình công như phần 2 đã phân tích.
Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ra quyết định hoãn đình công sau khi nhận được báo cáo của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời hạn 24 giờ.
Bước 3: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động nơi dự kiến diễn ra đình công.
Thời hạn thông báo là 12 giờ tính từ ngày ra quyết định.
Bước 4: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người lao động, người sử dụng lao động và các cá nhân, tổ chức liên quan phải thực hiện ngay việc hoãn đình công theo quy định dựa trên cơ sở quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Nội dung của văn bản đề nghị hoãn đình công:
Căn cứ khoản 1 Điều 110 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định văn bản đề nghị hoãn đình công phải bao gồm những nội dung sau:
– Thông tin người sử dụng lao động tại nơi dự kiến diễn ra đình công.
– Thông tin tên tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
– Thông tin về địa điểm, thời điểm diễn ra đình công.
– Những yêu cầu của tổ chức đại diện người lao động.
– Nêu rõ các lý do cần thiết phải hoãn cuộc đình công.
– Kiến nghị hoãn đình công.
– Thời hạn hoãn đình công.
– Các biện pháp để thực hiện quyết định hoãn đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Trường hợp nào ngừng đình công?
– Tổ chức đình công thực hiện diễn ra tại các địa bàn có xuất hiện thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, hỏa hoạn hoặc những tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
– Cuộc đình công được tổ chức tại các địa điểm cung cấp điện, nước, vệ sinh công cộng đến ngày thứ ba và gây hậu quả làm ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân tại thành phố thuộc tỉnh.
– Cuộc đình công xảy ra các sự kiện bạo động, gây rối và gây hậu quả làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhà đầu tư và gây hậu quả làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, nền kinh tế quốc dân, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
6. Quy trình, thủ tục thực hiện ngừng đình công:
Bước 1: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phải báo cáo ngay Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc ngừng đình công nếu nhận thấy cuộc đình công thuộc trường hợp phải ngừng đình công.
Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ngừng đình công trong vòng 12 giờ tính từ khi nhận được báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
Song song với đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Nội dung đền nghị ngừng đình công phải đảm bảo những nội dung cơ bản sau đây:
– Thông tin người sử dụng lao động nơi đang diễn ra đình công.
– Thông tin của tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
– Thông tin về địa điểm, thời điểm diễn ra đình công.
– Phạm vi diễn ra đình công.
– Thông tin về số lượng người lao động tham gia đình công.
– Các yêu cầu của tổ chức đại diện người lao động.
– Nêu rõ lý do ngừng đình công.
– Các kiến nghị, phương án về việc ngừng đình công.
– Đưa ra được các phương án thực hiện quyết định ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 3: Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải có ý kiến để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định ngừng đình công sau khi nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 12 giờ.
Bước 4: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ra quyết định ngừng đình công. Thời hạn là 12 giờ tính từ ngày nhận được ý kiến của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động nơi đang diễn ra đình công. Thời gian thông báo là trong vòng 12 giờ kể từ khi ra quyết định.
Bước 5: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người lao động, người sử dụng lao động và các cá nhân, tổ chức liên quan phải thực hiện ngay việc ngừng đình công. Thời gian thực hiện là trong vòng 12 giờ, tính từ khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định ngừng đình công.
Bước 6: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả thực hiện ngừng đình công trong vòng 24 giờ, tính từ khi nhận được quyết định ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
7. Trường hợp ngừng, hoãn đình công thì quyền lợi của Người lao động giải quyết như thế nào?
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng nơi bị hoãn, ngừng đình công và các cơ quan liên quan sẽ thực hiện hỗ trợ các bên hòa giải, thương lượng cũng như các bất đồng khác liên quan trong khoảng thời gian thực hiện các quyết định ngừng, hoãn đình công.
Sau khi đã hết thời hạn ngừng đình công, hoãn đình công, trường hợp các bên không thương lượng để giải quyết được các quyền lợi của người lao động thì khi đó, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công tiếp tục tổ chức đình công.
Tuy nhiên, muốn tiếp tục tổ chức đình công như này trước ít nhất là 05 ngày làm việc trước khi bắt đầu tiếp rục đình công thì phải có văn bản thông báo đến cho người sử dụng lao động.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.